Tin thế giới 8/4: Nga hành động 'khủng' gần Ukraine, cảnh giác với Mỹ; Động thái mới của Trung Quốc ở Biển Đông; Hé lộ vụ quan chức Mỹ tự tử ở Kenya

Quan hệ Nga-Ukraine, Nga-Mỹ, Biển Đông, tình hình Myanmar, Bê bối sofa giữa Thổ Nhĩ Kỳ-EU, thỏa thuận hạt nhân Iran và quan hệ Mỹ-Iran, Trung Quốc-EU... là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine:

Nga hành động chưa từng thấy ở biên giới vơi Ukraine

Ngày 7/4, trang The Insider (Nga) dẫn lời các nhà phân tích quân sự Đội tình báo xung đột (CIT) cho biết, Nga đang triển khai hoạt động tập trung trung quân sự lớn nhất ở biên giới với Ukraine kể từ khi xung đột miền đông Ukraine lần đầu tiên nổ ra vào năm 2014.

CIT cho biết: "Chúng tôi chưa từng thấy sự tập trung quân sự nào cao điểm như vậy kể từ giai đoạn nóng của cuộc chiến ở Ukraine vào năm 2014-205".

Tuy nhiên, CIT lưu ý, họ chưa nhận thấy dấu hiệu nào cho thấy Moscow đã sẵn sàng cho một cuộc can thiệp trực tiếp đối với nước láng giềng. Trước đó, Nga cũng khẳng định việc triển khai quân không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào với láng giềng. (The Insider)

Tổng thống Ukraine thị sát khu vực giao tranh giữa lúc bạo lực leo thang

Ngày 8/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tới khu vực giao tranh giữa quân chính phủ với các lực lượng ly khai ở miền Đông sau khi bạo lực gia tăng và căng thẳng với Nga leo thang.

Thông báo của phủ tổng thống Ukraine cho hay, ông Zelensky sẽ thị sát các cứ điểm mà lệnh ngừng bắn "đã bị vi phạm một cách có hệ thống trong những ngày gần đây", khiến nhiều binh sĩ Ukraine thiệt mạng hoặc bị thương.

Trước đó, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng Denis Pushilin đã cảnh báo, các lực lượng của vùng lãnh thổ này sẽ không dừng lại ở biên giới hiện tại nếu Kiev phát động một cuộc tấn công. (AFP)

Nga điều tàu chiến đến tập trận ở Biển Đen

Theo hãng thông tấn Nga Interfax, ngày 8/4, Bộ Quốc phòng nước này thông báo đang điều hơn 10 tàu hải quân, trong đó có các tàu đổ bộ và pháo hạm, từ Biển Caspi tới Biển Đen để tham gia các cuộc diễn tập.

Trước đó, ngày 6/4, Moskva cho biết đang lên kế hoạch kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng, với hơn 4.000 khoa mục diễn tập trong tháng này.

Hạm đội Biển Đen của Nga đóng tại Crimea, bán đảo được Nga sáp nhập năm 2014 nhưng đang bị Ukraine đòi lại. (Reuters)

Nga-Mỹ: Nga chuẩn bị sẵn sàng, tuyên bố đáp trả mọi bước đối địch của Mỹ

Ngày 8/4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố, Moscow sẽ trả đũa nếu Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới và sẽ đáp trả bất kỳ động thái đối địch nào của Washington.

Trong khi đó, Điện Kremlin cho rằng, Nga phải sẵn sàng cho tình huống xấu nhất liên quan tới các lệnh trừng phạt của Mỹ vì chính sách thù địch và khó lường của Washington đối với Moscow.

Mỹ đã đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow do Nga bắt giam nhân vật chỉ trích Điện Kremlin Alexei Navalny và các tranh cãi khác. Căng thẳng giữa hai nước đã gây sức ép lên đồng rouble và thị trường Nga. (TASS, Reuters)

Vấn đề Đài Loan: Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ, Washington thách thức

Ngày 8/4, Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ về những căng thẳng liên quan Đài Loan sau khi một tàu chiến Mỹ hoạt động gần hòn đảo này.

Phát biểu tại họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng, các tàu Mỹ tham gia "hành động khiêu khích", "gửi một tín hiệu sai lầm nghiêm trọng tới các lực lượng đòi độc lập ở Đài Loan, đe dọa hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan".

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price lại bày tỏ “mối quan ngại lớn” đối với "nỗ lực đe dọa của Trung Quốc đang diễn ra ở khu vực".

Ông Price tái khẳng định các "cam kết vững chắc" của Mỹ đối với Đài Loan và khẳng định, Washington duy trì khả năng chống lại bất kỳ biện pháp dùng vũ lực nào hoặc các hình thức ép buộc khác có thể gây nguy hiểm cho an ninh hoặc hệ thống kinh tế hoặc xã hội của người dân Đài Loan". (Reuters)

Biển Đông: Trung Quốc khoan lõi trầm tích ở độ sâu kỷ lục

Trung Quốc đã khoan được một lõi trầm tích dài 231m từ độ sâu hơn 2.000m tại Biển Đông, lập kỷ lục thế giới mới về khoan biển sâu.

Trong ngày 7/4, hệ thống khoan “Bò Biển II” do Trung Quốc tự phát triển - đặt trên một tàu nghiên cứu biển - đã mất gần 15 giờ để khoan được lõi trầm tích từ đáy biển ở độ sâu 2.060m.

Hệ thống khoan nặng 12 tấn này hiện là thiết bị thăm dò địa chất dưới nước nặng nhất của Trung Quốc, được cho là thiết bị khoan đáy biển duy nhất trên thế giới có khả năng khoan được lõi dài hơn 200m, với khả năng giúp tìm kiếm các nguồn khí đốt tự nhiên dưới đáy biển. (THX)

Tình hình Myanmar: Anh chấp thuận quyết định bãi nhiệm đại sứ Myanmar

Ngày 8/4, chính phủ Anh xác nhận, nước này không thể tiếp tục công nhận Đại sứ Myanmar tại London, sau khi chính quyền quân sự Myanmar này gửi công hàm chính thức về việc bãi nhiệm ông Kyaw Zwar Minn vì đã ủng hộ chính phủ bị lật đổ.

Các nguồn tin cho biết, theo thông lệ chính sách ngoại giao, chính phủ Anh buộc phải nhượng bộ quyết định của chính quyền quân sự Myanmar, sau khi ông này bị chặn không cho vào sứ quán hôm 7/4.

Theo ông Kyaw Zwar Minn, tùy viên quân sự Chit Win đã chiếm quyền kiểm soát đại sứ quán. (AFP)

Bê bối ghế sofa: Các nghị sỹ EU đòi giải thích, Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng

Tại cuộc gặp gỡ hôm 6/4 giữa Chủ tịch Ủy ban châu Âu Urusla von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ở Ankara, nữ lãnh đạo duy nhất trong cuộc gặp đã hết sức bối rối khi không có ghế ngồi trong khi hai nhà lãnh đạo nam đã 'yên vị'.

Cuối cùng, bà von der Leyen được sắp xếp ngồi trên ghế sofa, đối diện với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ và cách xa những người đồng cấp.

Sự cố này được cộng đồng mạng gọi là Bê bối ghế sofa, bởi đay không phải chỗ ngồi đúng nghi thức ngoại giao, làm dấy lên một loạt cáo buộc về thái độ của Ankara đối với phụ nữ và EU, sự phân biệt giới tính ở Brussels và các xung đột chính trị giữa các thể chế trong nội bộ khối.

Ngày 8/4, các nghị sỹ thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi hai quan chức hàng đầu của khối lên tiếng giải thích về sự cố này và yêu cầu một cuộc đối thoại với hai nhà lãnh đạo châu Âu.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã chỉ trích EU về sự cố sắp xếp chỗ ngồi, nhấn mạnh: “Việc sắp xếp chỗ ngồi được thực hiện theo đề xuất của EU. Mọi chuyện chấm dứt ở đây. Chúng tôi sẽ không tiết lộ sự thật này nếu không có các cáo buộc chống lại Thổ Nhĩ Kỳ”. (AFP)

Bán đảo Triều Tiên

Triều Tiên chỉ trích Nhật Bản vì gọi 'biển Nhật Bản'

Ngày 8/4, Triều Tiên đã chỉ trích Nhật Bản vì sử dụng cụm từ "biển Nhật Bản" để chỉ vùng biển phía Đông giữa Bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, cáo buộc Tokyo nuôi dưỡng "tham vọng ngông cuồng xâm lược Triều Tiên".

Trước đó, người phát ngôn Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ đã sử dụng tên gọi Biển Đông trong một tuyên bố đưa ra sau khi Triều Tiên phóng hai tên lửa đạn đạo vào vùng biển này. Sau sự phản đối của Nhật Bản, quân đội Mỹ sau đó đã thay đổi tuyên bố gọi vùng biển này là "biển Nhật Bản". (Yonhap)

Mỹ sẵn sàng cho các hoạt động ngoại giao với Triều Tiên

Ngày 7/4, tại họp báo thường kỳ, người phát ngôn của Nhà Trắng Jen Psaki đã khẳng định cam kết của Mỹ trong vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Người phát ngôn này cũng cho biết, mặc dù Mỹ sẽ vẫn duy trì các lệnh trừng phạt và tiếp tục tham vấn với các đối tác, song Washington đã sẵn sàng xem xét một số biện ngoại giao nếu điều này giúp hướng tới lộ trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Cùng ngày, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby khẳng định, việc duy trì khả năng phòng vệ đóng vai trò rất quan trọng trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như nêu bật tầm quan trọng của các cuộc tập trận tại đây. Mỹ cần phải đảm bảo rằng liên minh duy trì được năng lực phòng thủ và sẵn sàng bảo vệ các lợi ích của hai nước trong mọi thời điểm. (Yonhap)

Mỹ nhất trí rút lực lượng chiến đấu khỏi Iraq

Ngày 7/4, trong cuộc đối thoại chiến lược Mỹ-Iraq do ngoại trưởng hai nước chủ trì, Mỹ đã nhất trí với Iraq rằng, Washington sẽ rút toàn bộ các lực lượng chiến đấu còn lại ra khỏi Iraq, vốn được triển khai trước đó nhằm chống các phần tử cực đoan của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tuy nhiên, các lực lượng Mỹ sẽ vẫn thực hiện nhiệm vụ huấn luyện cho quân đội Iraq.

Hai Ngoại trưởng cũng đã tái khẳng định mối quan hệ song phương bền vững giữa hai nước, vì lợi ích của người dân Mỹ và Iraq. (AFP)

Thỏa thuận hạt nhân Iran: Hoãn đàm phán IAEA-Iran về manh mối vật liệu hạt nhân

Ngày 7/4, một số nguồn tin cho biết, cuộc đàm phán giữa Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Iran - nhằm tìm kiếm câu trả lời từ Tehran về các dấu vết uranium đã qua xử lý tại 3 địa điểm mà Iran chưa công bố - đã bị hoãn lại vài tuần so với dự kiến ban đầu là tháng 4.

Điều này có khả năng thu hẹp cơ hội đạt được tiến triển, thậm chí là phá vỡ nỗ lực làm dịu căng thẳng với phương Tây.

Các quan chức Iran hiện chưa đưa ra bình luận nào về vấn đề này.

Liên quan việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, cùng ngày, Mỹ thông báo chuẩn bị dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Iran, bao gồm các lệnh trừng phạt không phù hợp đối với thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, nhằm nối lại việc Tehran tuân thủ thỏa thuận đó. (Reuters)

Quan chức sứ quán Mỹ treo cổ trong khách sạn ở Kenya

Ngày 7/4, New York Post dẫn thông tin từ cảnh sát và nhân chứng cho biết, thi thể của một quan chức sứ quán Mỹ tại Nairobi, Keny đã được phát hiện trong một khách sạn tại thủ đô Nairobi trong tư thế treo cổ.

New York Times dẫn lời cảnh sát địa phương cho hay, quan chức này dường như đã tử vong rất lâu trước khi lực lượng an ninh có mặt tại hiện trường. Cảnh sát cũng tìm thấy một lá thư tuyệt mệnh gần giường ngủ.

Đại sứ quán Mỹ tại Nairobi đã ra thông cáo xác nhận cái chết của quan chức trên, song không cung cấp chi tiết về danh tính của người này. (New York Post)

Trung Quốc và Ấn Độ tổ chức đối thoại cấp tư lệnh quân đoàn

Ngày 8/4, một nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, nước này và Trung Quốc đã ấn định tổ chức đối thoại cấp tư lệnh quân đoàn vào sáng ngày 9/4 (theo giờ địa phương) tại làng Chushul của Ấn Độ, một trong 5 điểm Họp Nhân sự Biên giới được thống nhất giữa quân đội hai bên.

Trước đó cũng trong ngày 8/4 truyền thông đưa tin, Ấn Độ và Trung Quốc có thể tổ chức vòng đàm phán tiếp theo giữa các chỉ huy quân đội hai bên về việc rút binh sĩ dọc cái gọi là Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) phân chia lãnh thổ giữa hai nước trên dãy Himalaya tại khu vực Ladakh. (Sputnik)

EU-Trung Quốc: Chủ tịch Trung Quốc đề nghị Đức, EU hợp tác với Bắc Kinh

Ngày 7/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, trong đó ông kêu gọi Đức và EU cùng nỗ lực với Bắc Kinh thúc đẩy phát triển ổn định quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Trong cuộc điện đàm, ông Tập Cận Bình khẳng định, việc tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc và Đức nói riêng cũng như giữa Trung Quốc và EU nói chung có thể mang lại những kết quả quan trọng, đồng thời hy vọng hai nước sẽ tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực theo tinh thần tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích chung và cùng thắng, qua đó tạo niềm tin và động lực cho hợp tác Trung Quốc-EU cũng như sự phục hồi của kinh tế thế giới.

Ông Tập Cận Bình cho rằng, mối quan hệ giữa Trung Quốc và EU đang đứng trước cả những cơ hội mới và cả những thách thức, do đó, hai bên cần tuân thủ định hướng chung và nguyên tắc chủ đạo trong mối quan hệ song phương.

Về phần mình, Thủ tướng Merkel khẳng định sự cần thiết của việc tăng cường đối thoại giữa EU và Trung Quốc, đồng thời cho biết, Berlin sẵn sàng đóng vai trò tích cực trong vấn đề này.

Theo bà, Đức sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để chuẩn bị cho vòng tham vấn liên chính phủ Đức-Trung mới, sớm nối lại trao đổi nhân sự và tăng cường trao đổi và hợp tác trong các lĩnh vực, trong đó có cuộc chiến chống Covid-19, biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học. (THX)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-84-nga-hanh-dong-khung-gan-ukraine-canh-giac-cao-voi-my-trung-quoc-co-ky-luc-o-bien-dong-he-lo-vu-quan-chuc-my-tu-tu-o-kenya-141706.html