Tin thế giới 9/7: Ukraine hứng chịu cuộc tấn công UAV lớn nhất, Nga muốn hàn gắn với Mỹ, Tổng thống Trump 'ưu ái' Anh hơn EU?

Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h qua.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo có thể áp thuế quan 70% với hàng hóa nhập khẩu từ một số quốc gia. (Nguồn: India Today)

Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo có thể áp thuế quan 70% với hàng hóa nhập khẩu từ một số quốc gia. (Nguồn: India Today)

Châu Âu

* Ukraine cáo buộc Nga mở cuộc tấn công tên lửa và thiết bị bay không người lái (UAV) lớn nhất trong hơn 3 năm xung đột, chủ yếu nhắm vào miền Tây.

Không quân Ukraine cho biết, Nga đã tấn công bằng 728 UAV và 13 tên lửa, đồng thời cho biết thêm hệ thống phòng không Ukraine đã chặn được 711 UAV và ít nhất 7 tên lửa đã bị phá hủy.

Bộ Tư lệnh Tác chiến các lực lượng vũ trang Ba Lan và các đồng minh đã kích hoạt máy bay từ sáng sớm để bảo đảm an toàn không phận sau vụ việc. (The Guardian)

* Khả năng Mỹ áp thuế Liên minh châu Âu (EU) cao hơn Anh, trong bối cảnh các nhà đàm phán EU đang tiến gần đến thỏa thuận thương mại với Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo đó duy trì mức thuế “đối ứng” 10%. Ông Trump cũng yêu cầu mức thuế 17% đối với sản phẩm nông nghiệp EU.

Dù EU tự tin sức mạnh kinh tế sẽ tạo lợi thế, các nhà ngoại giao thừa nhận, liên minh này không giành được quyền tiếp cận thị trường Mỹ ngang bằng Anh về thép, ôtô và nhiều mặt hàng khác. EU chưa được Mỹ bảo đảm sẽ cắt giảm thuế thép từ mức 50% hiện tại, hay miễn trừ thuế tương lai đối với dược phẩm, chất bán dẫn.

Hai bên vẫn đang bàn cách giảm thuế ôtô từ 25% và xóa thuế rượu, linh kiện máy bay. EU còn cam kết mua thêm khí hóa lỏng, vũ khí Mỹ để giảm thặng dư thương mại. Nếu không đạt thỏa thuận trước 1/8, thuế áp lên EU sẽ tăng lên 20-50%.

Một nhà ngoại giao nói: “Thỏa thuận của Anh tốt hơn, điều này thật bất ngờ”.

Thủ tướng Anh Keir Starmer đã đạt thỏa thuận với Mỹ từ tháng 5. Anh được chấp thuận hạn ngạch 100.000 ôtô chịu thuế 10% (giảm từ mức 25%), miễn thuế thép nhôm và cam kết ưu đãi lớn về thuế dược phẩm. Đổi lại, Anh sẽ đáp ứng yêu cầu của Mỹ về chuỗi cung ứng liên quan Trung Quốc, miễn thuế đối với 13.000 tấn thịt bò và 1,4 tỷ lít nhiên liệu ethanol sinh học. (Financial Times)

* Nga muốn tiếp tục nỗ lực hàn gắn quan hệ với Mỹ và "bình tĩnh" trước những chỉ trích của Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 9/7.

Trả lời báo giới, ông Peskov nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục đối thoại với Washington và duy trì đường lối khắc phục mối quan hệ song phương vốn đang khá đổ vỡ”. Theo ông Peskov, Tổng thống Trump đã nhận thức được rằng xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ không dễ giải quyết

Trước đó 1 ngày, Tổng thống Trump xác nhận ông đã phê duyệt đề xuất gửi vũ khí phòng thủ của Mỹ cho Ukraine và đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Moscow, thể hiện sự thất vọng đối với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. (TASS)

* Ukraine trừng phạt 5 công ty Trung Quốc bị cáo buộc cung cấp linh kiện cho Nga sản xuất vũ khí, đặc biệt là UAV Shahed.

Trên trang web chính thức, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố: “Chúng tôi đang tiếp tục công tác trừng phạt ở Ukraine... Chúng tôi có bằng chứng rõ ràng về việc này. Chi tiết được tìm thấy trong các mảnh vỡ của những chiếc Shahed bị bắn hạ”.

Các biện pháp trừng phạt thường bao gồm phong tỏa tài sản tại Ukraine, thu hồi giấy phép, hủy các chuyến thăm chính thức, cấm chuyển giao sở hữu trí tuệ, chấm dứt thỏa thuận thương mại, trao đổi văn hóa, hợp tác khoa học và tước bỏ mọi danh hiệu nhà nước của Kiev. (RIA)

* Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm Anh, kêu gọi hợp tác bảo vệ trật tự quốc tế trong bài phát biểu trước Quốc hội Anh. Nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh: “Chúng ta phải cùng nhau phối hợp để bảo vệ chủ nghĩa đa phương hiệu quả và để bảo vệ trật tự quốc tế hiện nay”.

Trong bài phát biểu về nhiều chủ đề này, Tổng thống Macron cũng tuyên bố các nước châu Âu sẽ “không bao giờ bỏ rơi Ukraine” trong cuộc chiến với Nga, đồng thời yêu cầu một lệnh ngừng bắn vô điều kiện tại Dải Gaza.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo châu Âu tới Anh kể từ sau sự kiện London rời EU (Brexit). (The Guardian)

Châu Á-Thái Bình Dương

* Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ thăm Triều Tiên từ ngày 11-13/7 theo lời mời của Bộ Ngoại giao nước chủ nhà. Trong chuyến thăm, ông Lavrov nhiều khả năng sẽ gặp Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son-hui và có cuộc chào xã giao Chủ tịch Kim Jong Un.

Dự kiến, chủ đề chính được thảo luận là chuyến thăm của ông Kim Jong Un tới Nga. (KCNA)

* Trung Quốc phủ nhận việc chuyển giao hệ thống phòng không cho Iran, khẳng định Bắc Kinh “không bao giờ xuất khẩu vũ khí cho các quốc gia tham chiến và duy trì kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu các mặt hàng lưỡng dụng”, theo tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc tại Israel.

Trước đó ngày 7/7, trang Middle East Eye đưa tin, thiết bị phòng không của Trung Quốc đã được gửi đến Iran sau khi Tehran đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Israel vào tháng 6. (THX)

* Hàn Quốc sẽ tuân thủ thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng với Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump chỉ trích đồng minh Đông Bắc Á “gần như không chi trả gì” cho hoạt động hỗ trợ quân sự của Mỹ và Seoul nên tự chi trả cho việc bảo vệ đất nước. (Yonhap)

* Nhật Bản mở căn cứ mới ở Tây Nam để tiếp nhận phi đội vận tải Osprey, trong nỗ lực tăng cường phòng thủ đảo xa. Chiếc V-22 Osprey đầu tiên dự kiến sẽ tới căn cứ Saga mới, nằm tại tỉnh cùng tên trên đảo chính Kyushu, vào cuối ngày 9/7. Căn cứ mới đi vào hoạt động với biên chế khoảng 420 binh sĩ. (Kyodo)

* Nhật Bản-Canada ký một thỏa thuận nhằm thúc đẩy trao đổi thông tin mật, nhắm mục tiêu làm sâu sắc hơn hợp tác an ninh giữa hai nước trong cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng hai nước tại Tokyo.

Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Nhật Bản Takeshi Iwaya khẳng định, việc ký kết thỏa thuận có ý nghĩa “vô cùng quan trọng” trong bối cảnh Nhật Bản đối mặt với “các điều kiện địa chính trị khắc nghiệt”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Canada Anita Anand cho biết thỏa thuận sẽ giúp hai nước củng cố quan hệ đối tác an ninh. (Kyodo)

Trung Đông-châu Phi

* Israel-Hamas thu hẹp bất đồng trong quá trình đàm phán ngừng bắn ở Dải Gaza, theo Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff ngày 8/7. Quan chức Mỹ đồng thời bày tỏ "hy vọng đến cuối tuần sẽ có cơ hội đạt thỏa thuận”.

Khó khăn chính hiện nay trong các cuộc đàm phán về trao đổi con tin đang diễn ra tại Qatar là cách thức triển khai quân đội Israel (IDF) trong thời gian ngừng bắn.

Israel muốn duy trì hiện diện quân sự tại Hành lang Morag ở Dải Gaza như một phần trong các điều khoản thỏa thuận, song đây không phải là “lằn ranh đỏ” khiến đàm phán đổ vỡ. (Jerusalem Post)

* Ai Cập đề nghị Mỹ can thiệp để ngăn Quốc hội ở miền Đông Libya phê chuẩn thỏa thuận phân định ranh giới trên biển ở Đông Địa Trung Hải với Thổ Nhĩ Kỳ.

Cairo lo ngại nếu Quốc hội ở miền Đông Libya phê chuẩn thỏa thuận hàng hải, được chính phủ ở miền Tây Libya có trụ sở tại Tripoli ký với Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2019, điều này có thể gây căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải, giữa lúc Ai Cập đang phải vật lộn với những tác động tiêu cực từ các cuộc xung đột ở Dải Gaza và Sudan. (Middle East Eye)

* Chính quyền miền Đông Libya trục xuất phái đoàn châu Âu gồm Ủy viên EU phụ trách di cư Magnus Brunner và các Bộ trưởng Nội vụ Hy Lạp, Italy, Malta ngay khi họ đến Benghazi, với lý do "vi phạm nghi thức ngoại giao".

Trước đó, đoàn đã gặp Thủ tướng chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNU) tại Tripoli để thảo luận về di cư. Chính quyền miền Đông tuyên bố các đoàn ngoại giao phải xin phép trước và nhấn mạnh việc tôn trọng “chủ quyền Libya”. (Euronews)

Châu Mỹ

* Mỹ có thể áp thuế quan 70% với hàng hóa nhập khẩu từ một số quốc gia, theo lời Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp nội các tại Nhà Trắng ngày 8/7.

Ông Trump đã bảo vệ quyết định ấn định tỷ lệ thuế quan của mình thông qua thư tới lãnh đạo các nước, khẳng định việc gửi thư là cách tốt hơn, trong bối cảnh thời hạn chót 90 ngày đàm phán sắp hết, và ông không thể tiến hành đàm phán với tất cả các nước trên thế giới.

Cũng tại cuộc họp này, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ bảo vệ đồng USD như một đồng tiền thống trị thế giới. Theo đó, ông đã chuẩn bị áp thuế quan và trừng phạt những quốc gia thách thức vị thế của đồng USD như một đồng tiền dự trữ toàn cầu. (CBS News)

* Mỹ cân nhắc trừng phạt Tổng thống El Salvador vì Bitcoin, khi một nhóm Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ vừa trình lên Thượng viện dự luật yêu cầu áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Nayib Bukele liên quan việc sử dụng công quỹ để mua Bitcoin, cũng như nghi vấn sử dụng tiền điện tử nhằm né tránh các biện pháp trừng phạt quốc tế.

Bên cạnh đó, dự luật cũng yêu cầu điều tra về về việc liệu số tiền điện tử Bitcoin mà chính phủ El Salvador mua để phục vụ mục đích né tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ hoặc quốc tế hay không. (Bitcoin Insider)

* Tổng thống Brazil Lula da Silva hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Brasilia, trong đó, nhà lãnh đạo quốc gia Nam Mỹ tuyên bố “không thể chấp nhận được” việc hai nước chưa được đảm nhiệm ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Ông Lula da Silva đưa ra thông điệp hòa bình, chỉ trích việc gia tăng chi tiêu quân sự toàn cầu và khẳng định, cả Brazil và Ấn Độ đều có “tiềm năng phi thường”, xứng đáng có tiếng nói trong việc quản trị thế giới.

Đánh giá về quan hệ song phương, ông Lula da Silva gọi Ấn Độ là “đồng minh tự nhiên” trong các lĩnh vực như chống đói nghèo, biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng sạch. Ông đề xuất nâng kim ngạch thương mại song phương từ 12 lên 15 tỷ USD. (Anadolu)

Hoàng Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-97-ukraine-hung-chiu-cuoc-tan-cong-uav-lon-nhat-nga-muon-han-gan-voi-my-tong-thong-trump-uu-ai-anh-hon-eu-320457.html