Tin thế giới ngày 1/12: Trung Quốc vận hành tàu sân bay thứ 3, Nga tiếp tục giam giữ nữ nhà báo Mỹ, EU thành lập lực lượng không gian mạng
Nga phá hủy tàu không người lái Ukraine, Indonesia tăng ngân sách quốc phòng, EU muốn thành lập lực lượng không gian mạng, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc thăm Lào, Campuchia... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á- Thái Bình Dương
*Tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc bắt đầu vận hành: Ngày 30/11, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho hay tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc mang tên Phúc Kiến đang trong quá trình thử nghiệm neo đậu. Ông Ngô Khiêm nêu rõ: “Chúng tôi sẽ thúc đẩy sự phát triển đều đặn theo kế hoạch”.
Trung Quốc trình làng tàu sân bay thứ 3 vào tháng 6/2022. Tàu sân bay này được đặt tên theo tỉnh Phúc Kiến, phía Đông Trung Quốc, do Trung Quốc thiết kế và chế tạo hoàn toàn.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là Liêu Ninh Type 001 và tàu sân bay thứ hai có tên Sơn Đông. Hiện Trung Quốc đang đóng tàu sân bay thứ 4, dự kiến đưa vào biên chế từ giữa những năm 2030. (SCMP)
*Hàn Quốc chuẩn bị phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên bằng SpaceX: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo nước này sẽ phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên của mình bằng tên lửa đẩy SpaceX Falcon 9 vào sáng 2/12, đẩy mạnh cuộc chạy đua trên không gian vũ trụ ở khu vực bán đảo Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng phóng vệ tinh quân sự đầu tiên vào quỹ đạo hồi tháng trước.
Phát biểu với báo giới ngày 1/12, một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay tên lửa SpaceX Falcon 9 mang theo vệ tinh do thám của nước này sẽ được phóng từ Căn cứ Lực lượng Vũ trụ Vandenberg ở Nam California, Mỹ vào lúc 3h19 ngày 2/12 theo giờ Seoul.
Hàn Quốc có kế hoạch phóng thêm 4 vệ tinh do thám trước cuối năm 2025 với mục đích nâng cao năng lực do thám của mình đối với Triều Tiên. (AFP)
*Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc thăm Campuchia, Lào: Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 1/12 thông báo, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương nước này Hà Vệ Đông (He Weidong) sẽ thăm Campuchia và Lào trong nửa đầu tháng 12.
Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, chuyến thăm nhằm mục đích tăng cường “liên lạc hữu nghị” giữa quân đội Trung Quốc và hai nước Đông Nam Á. (Reuters)
*Mỹ, Australia trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên: Theo thông cáo báo chí từ Văn phòng Ngoại trưởng Australia, Canberra lên án vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên hôm 21/11, coi đây là hành động liều lĩnh làm suy yếu nghiêm trọng an ninh và ổn định trong khu vực. Việc sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Ngày 1/12, Australia áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính có chủ đích và cấm đi lại đối với thêm 7 cá nhân và một thực thể có liên quan đến chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc tên lửa và vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên.
Các biện pháp trừng phạt này được ban hành phối hợp với các chỉ định mới được công bố bởi Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Cùng với các đối tác của mình, Australia kêu gọi Triều Tiên tham gia đối thoại mang tính xây dựng và hướng tới hòa bình và ổn định lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.
Trước đó, ngày 30/11, Bộ Tài chính Mỹ thông báo nước này đã áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với nhóm tin tặc KIMSUKY có liên quan đến Triều Tiên và 8 cá nhân khác.(Yonhap)
*Indonesia tăng 20% ngân sách quốc phòng: Tổng thống Indonesia Joko Widodo vừa phê duyệt ngân sách quốc phòng năm 2024 với mức tăng 20%, từ 20,75 tỷ USD lên 25 tỷ USD, nhằm nâng cấp khí tài và ứng phó với các diễn biến địa chính trị.
Trong thời gian qua, Indonesia đã thúc đẩy một loạt thương vụ mua sắm trang thiết bị quân sự, bao gồm 42 chiến đấu cơ Dassault Rafale với tổng trị giá 8,1 tỷ USD, 12 máy bay không người lái mới trị giá 300 triệu USD của Công ty hàng không Thổ Nhĩ Kỳ và 12 chiến đấu cơ Mirage 2000-5 đã qua sử dụng với tổng trị giá 800 triệu USD.
Ngoài ra, trong tháng 8 vừa qua, Indonesia cũng đã ký thỏa thuận mua 24 máy bay trực thăng vận tải từ nhà sản xuất vũ khí Lockheed Martin của Mỹ với tổng giá trị không được tiết lộ. (Straits Times)
Trung Đông – Châu Phi
*Israel và Hamas nhất trí kéo dài thỏa thuận ngừng bắn: Ngày 1/12, tờ Wall Street Journal đưa tin Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của người Palestine đã nhất trí kéo dài thỏa thuận ngừng bắn tạm thời thêm ngày thứ 8, thỏa thuận sẽ bao gồm việc thả thêm các con tin Israel để đổi lấy những tù nhân Palestine. Hiện Israel và Hamas đều chưa bình luận gì về thông tin trên.
Trước đó, ngày 30/11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi gia hạn lệnh ngừng bắn giúp tạm dừng giao tranh giữa Hamas và Israel ở Gaza trong 7 ngày qua. Phát biểu sau chuyến thăm Israel và khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn thấy quá trình này tiếp tục tiến triển. Chúng tôi muốn có ngày thứ 8 và hơn thế nữa".
Tuy nhiên, cũng trong ngày 1/12, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) tố cáo phong trào Hồi giáo Hamas vi phạm lệnh ngừng bắn và tiếp tục các vụ phóng tên lửa vào lãnh thổ quốc gia Do Thái. (AFP)
*Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt thủ lĩnh người Kurd ở Bắc Iraq: Ngày 30/11, Hãng thông tấn Anadolu đưa tin tổ chức Tình báo Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (MIT) đã tiêu diệt một thành viên cấp cao của đảng Công nhân người Kurd (PKK) trong một chiến dịch xuyên biên giới ở miền Bắc Iraq,
Theo Anadolu, thành viên PKK bị tiêu diệt tên là Mehmet Akin bị cáo buộc đang âm mưu tấn công các căn cứ của lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Iraq. Akin đã được PKK huấn luyện để tấn công phá hoại ở khu vực Avasin phía Bắc Iraq và tham gia các cuộc tấn công chống lại lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực phạm vi "Chiến dịch Claw-Lock".
Tháng 4/2022, Thổ Nhĩ Kỳ phát động Chiến dịch Claw-Lock để chống lại PKK ở khu vực phía Bắc Iraq, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. PKK, bị Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) liệt vào danh sách tổ chức khủng bố, đã nổi dậy chống lại chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn 3 thập kỷ. (Reuters)
*Taliban ‘phản đối’ vì không được mời tham dự hội nghị COP28 tại UAE: Ngày 30/11, chính quyền Taliban ở Afghanistan đã lên án việc đại diện của họ không được mời tham dự Hội nghị lần thứ 28 của các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) khai mạc vào ngày 1/12 ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Tuyên bố của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Quốc gia (NEPA) Afghanistan cho biết, mặc dù có những “nỗ lực toàn diện” để giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu ở nước này nhưng các đại biểu Afghanistan vẫn chưa nhận được lời mời bởi “yếu tố chính trị”.
Theo NEPA, “mặc dù Afghanistan đóng góp tối thiểu 0,08% vào lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu... song nước này vẫn là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước những tác động có hại của biến đổi khí hậu”. Taliban trở lại cầm quyền ở Afghanistan hơn hai năm trước, nhưng cho đến nay chưa có quốc gia nào chính thức công nhận chính quyền Taliban. (Express Tribune)
Châu Âu
*Nga phá hủy tàu không người lái của Ukraine: Bộ Quốc phòng Nga thông báo ngày 1/12, Hải quân nước này đã phá hủy một tàu hải quân không người lái của Ukraine đang hướng về phía bán đảo Crimea.
Thông cáo của bộ trên xác nhận: "Vào khoảng 8h (theo giờ Moscow), một tàu hải quân không người lái của Ukraine đã bị phát hiện ở phía Tây Biển Đen và đang di chuyển tới Crimea. Mục tiêu dã bị phá hủy". Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine hồi năm 2014.
Trong khi đó cùng ngày, Không quân Ukraine cho biết quân đội nước này đã bắn hạ 18/25 máy bay không người lái được triển khai từ Nga vào đêm qua. (Reuters)
*EU muốn thành lập lực lượng không gian mạng: Tại Hội nghị hàng năm của Cơ quan Quốc phòng Châu Âu (EDA) diễn ra ở thủ đô Brussels của Bỉ, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, Charles Michel, ngày 30/11 đã trình bày dự án Lực lượng không gian mạng châu Âu và tuyên bố đây sẽ là “một yếu tố cơ bản” trong nền quốc phòng Châu Âu.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng nhấn mạnh chiến tranh mạng trở thành một phần trong nhiệm vụ của Liên minh Châu Âu (EU), không chỉ riêng của các quốc gia thành viên, trong khuôn khổ tái cơ cấu quốc phòng của Liên minh.
Hồi tháng 4 vừa qua, EU đã công bố các kế hoạch mới để tự bảo vệ mình trước các cuộc tấn công mạng, giao phó một phần quốc phòng cho các công ty tư nhân. Trong khi các kế hoạch này tập trung vào phòng ngừa và phản ứng, khả năng "tấn công" do Chủ tịch Hội đồng Charles Michel đề xuất cho thấy Liên minh có thể xem xét các hoạt động có mục tiêu trong không gian mạng. (DW)
*Estonia khuyến cáo công dân tránh đến Nga, có thể đóng cửa biên giới: Estonia ra cảnh báo công dân của nước này tránh “bất kỳ chuyến du lịch nào” đến Nga và có thể tạm thời đóng cửa biên giới với Nga do lo ngại dòng người di cư từ ngày 30/11.
Là một nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây và hiện là nước kiên định ủng hộ Ukraine, Estonia có chung đường biên giới dài 333 km với Nga với 6 trạm kiểm soát biên giới đang hoạt động.
Đầu tuần này, Phần Lan cũng tuyên bố đóng tất cả các cửa khẩu với Nga do làn sóng người di cư không có giấy tờ gia tăng. (AP)
*Nga gia hạn thời gian giam giữ nữ nhà báo Mỹ: Ngày 1/12, một tòa án của Nga đã gia hạn thời gian giam giữ trước khi xét xử đối với người Mỹ gốc Nga Alsu Kurmasheva - nhân vật bị giam giữ vì không đăng ký hoạt động dưới tư cách “đặc vụ nước ngoài” - cho đến ngày 5/2/2024.
Alsu Kurmasheva là nhà báo của Đài châu Âu Tự do/Đài Tự do (RFE/RL) có trụ sở tại Praha, được Quốc hội Mỹ tài trợ và được Nga chỉ định là cơ quan nước ngoài, nghĩa là họ nhận được tài trợ nước ngoài cho hoạt động được coi là chính trị. RFE/RL nêu rõ: “Một tòa án ở Kazan đã gia hạn việc giam giữ nhà báo Alsu Kurmasheva của Radio Liberty cho đến ngày 5/2/2024”.
Bà Kurmasheva là nhà báo Mỹ thứ hai bị bắt và buộc tội ở Nga kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch đặc biệt ở Ukraine, khiến quan hệ giữa Moscow và Washington xuống mức thấp nhất trong hơn 60 năm.
Sau khi phóng viên Evan Gershkovich của tờ Wall Street Journal bị bắt vào tháng 3 vì tội làm gián điệp, cáo buộc mà ông Gershkovich kiên quyết bác bỏ - gần như tất cả các nhà báo Mỹ khác đã rời khỏi Nga. Washington đã nhiều lần kêu gọi những người Mỹ khác rời khỏi Nga. (AFP)
Châu Mỹ
*Brazil sẽ gia nhập OPEC+ vào năm tới: Ngày 1/12, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) thông báo Brazil sẽ gia nhập liên minh giữa khối này và các đối tác, còn gọi là OPEC+, vào đầu năm 2024.
Trong một tuyên bố, OPEC cho biết Bộ trưởng Mỏ và Năng lượng Brazil, Alexandre Silveira de Oliveira, đã tham gia cuộc họp cấp bộ trưởng OPEC+ lần thứ 36 được tổ chức dưới hình thức trực tuyến.
OPEC kỳ vọng việc Brazil gia nhập OPEC+ sẽ giúp tăng cường ảnh hưởng và vị thế của khối này trên thị trường dầu mỏ thế giới. Brazil hiện là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất ở Nam Mỹ và nằm trong số 10 nước sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới. (TTXVN)
*Canada mua 16 máy bay P-8A Poseidon của Mỹ: CBC News đưa tin Chính phủ Canada đã hoàn tất thỏa thuận mua 16 máy bay Boeing P-8A Poseidon của Mỹ với tổng chi phí ước tính lên tới 10,4 tỷ CAD.
Bộ trưởng Quốc phòng Canada Bill Blair nhận xét P-8A Poseidon là loại máy bay duy nhất "sẵn có và được chứng minh là đáp ứng mọi yêu cầu hoạt động" của không quân Canada. Tất cả các đồng minh Ngũ Nhãn của Canada đều sử dụng loại máy bay này.
Phản ứng về thông báo này, hãng sản xuất máy bay Bombardier của Canada nói rằng họ thất vọng về quyết định của Chính phủ Canada. Hãng này cùng một số công ty khác và Thủ hiến tỉnh bang Ontario cũng như Quebec kêu gọi việc mở cuộc cạnh tranh công khai cho hợp đồng cung cấp này. (Reuters)
*Tấn công vũ trang tại Mexico làm nhiều cảnh sát thương vong: Ngày 1/12, các tay súng chưa rõ danh tính đã tấn công một đoàn xe tuần tra an ninh tại bang Zacatecas, Mexico, khiến giám đốc cảnh sát và một sĩ quan thiệt mạng cùng nhiều người bị thương.
Nguồn tin từ nhà chức trách địa phương cho biết các tay súng phục kích khi đoàn xe đang di chuyển trên trục đường chính của thành phố Fresnillo, giết chết Giám đốc cảnh sát thành phố, một sĩ quan an ninh và khiến nhiều cảnh sát bị thương. Ngoài ra, một người dân gần đó cũng bị thiệt mạng do đạn lạc.
Các lực lượng chức năng ngay sau đó đã có mặt tại hiện trường, đưa những người bị thương đến các cơ sở y tế gần nhất, đồng thời khẩn trương điều tra vụ việc. Hiện vẫn chưa có thông tin về danh tính của những kể tấn công. (AFP)