Tin thế giới ngày 11/4: Trung Quốc viện trợ 137 triệu USD giúp Myanmar, Ukraine đẩy nhanh việc gia nhập EU, Pháp có thể công nhận nhà nước Palestine

Mỹ cắt giảm 5,1 tỷ USD chi tiêu quốc phòng, Australia tiết lộ mục đích mua tàu ngầm AUKUS, Hàn Quốc và Syria thiết lập quan hệ ngoại giao, Panama cho phép Mỹ triển khai quân tới khu vực kênh đào, Chủ tịch Trung Quốc thăm Campuchia…là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Chủ tịch Tập Cận Bình nói với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez trong chuyến thăm Bắc Kinh rằng Trung Quốc và EU phải cùng nhau bảo vệ toàn cầu hóa và phản đối "các hành động bắt nạt đơn phương". (Nguồn: Xinhua)

Chủ tịch Tập Cận Bình nói với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez trong chuyến thăm Bắc Kinh rằng Trung Quốc và EU phải cùng nhau bảo vệ toàn cầu hóa và phản đối "các hành động bắt nạt đơn phương". (Nguồn: Xinhua)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Châu Á-Thái Bình Dương

*Trung Quốc nâng thuế đối ứng lên 125% với hàng hóa Mỹ: Ủy ban Thuế quan Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố thông báo điều chỉnh biện pháp tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ Mỹ.

Theo Ủy ban, ngày 10/4, chính phủ Mỹ đã tuyên bố tiếp tục nâng mức "thuế đối ứng" lên 125% đối với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ.

Trung Quốc lên án mạnh mẽ việc Mỹ tùy tiện áp đặt mức thuế cao bất thường đối với Trung Quốc, coi đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy tắc thương mại quốc tế, bỏ qua trật tự kinh tế toàn cầu do chính Mỹ thiết lập sau Thế chiến II, đồng thời đi ngược lại các quy luật và nhận thức kinh tế cơ bản, hoàn toàn là hành vi bắt nạt và ép buộc đơn phương.(THX)

*Thủ tướng Australia tiết lộ mục đích mua tàu ngầm AUKUS: Thủ tướng Australia Anthony Albanese khẳng định mục đích mua tàu ngầm hạt nhân trong khuôn khổ hiệp ước AUKUS là nhằm tăng cường khả năng răn đe chiến lược. Phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh thỏa thuận an ninh ba bên Mỹ-Anh-Australia đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới.

Trong cuộc họp báo ngày 10/4, ông Albanese nhấn mạnh việc đầu tư vào tàu ngầm hạt nhân là để tăng cường năng lực an ninh quốc gia, trong đó khả năng tàng hình của loại tàu ngầm này được coi là lợi thế then chốt.

Tuy nhiên, thỏa thuận AUKUS đang đứng trước những thách thức mới do chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump. (Reuters)

*Trung Quốc viện trợ 137 triệu USD giúp Myanmar sau động đất: Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar cho biết nước này đã cam kết viện trợ nhân đạo khẩn cấp 1 tỷ nhân dân tệ (137 triệu USD) cho Myanmar sau trận động đất.

Trong một tuyên bố ngày 10/4, Đại sứ quán Trung Quốc thông báo số tiền này sẽ được dùng để cung cấp thực phẩm, thuốc men và nhà tiền chế khẩn cấp, cũng như chi trả cho các nhóm chuyên gia y tế, phòng dịch và đánh giá thiệt hại.

Trung Quốc, đã cử hơn 30 đội cứu hộ tới Myanmar, cho biết sẽ tham gia đánh giá thiệt hại do thảm họa và tái thiết. Hội Chữ thập Đỏ Trung Quốc cũng đã cung cấp khoảng 1,5 triệu nhân dân tệ (206.000 USD) tiền mặt.(Reuters)

*Nhật Bản, Mỹ tuần tra chung sau nhiều năm gián đoạn: Ngày 11/4, giới chức Nhật Bản và Mỹ thông báo hai bên sẽ cùng tiến hành tuần tra ở tỉnh Okinawa sau các vụ xâm hại tình dục liên quan đến binh sĩ Mỹ.

Một quan chức tỉnh Okinawa nói: "Cuộc tuần tra chung sẽ được tổ chức vào đêm 18/4, và có lẽ đây là sự kiện chung đầu tiên kể từ năm 1973”.

Tướng Roger Turner, Tư lệnh Lực lượng viễn chinh thủy quân lục chiến III kiêm Điều phối viên khu vực Okinawa cho biết cuộc tuần tra này thể hiện "cam kết liên tục của chúng tôi về quan hệ đối tác, trách nhiệm giải trình và tôn trọng lẫn nhau". (AFP)

*Chủ tịch Trung Quốc thăm Campuchia: Theo hãng thông tấn quốc gia Campuchia (AKP), nhiều văn kiện sẽ được ký kết trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Vương quốc Campuchia trong hai ngày 17-18/4.

Theo AKP, chuyến thăm này là sự kiện quan trọng góp phần củng cố hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống được xây dựng bởi lãnh đạo hai nước, cũng như nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng của quan hệ hữu nghị sắt son và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia. (AKP)

*Hàn Quốc và Syria thiết lập quan hệ ngoại giao: Ngày 11/4, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết nước này và Syria đã ký thỏa thuận nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao, qua đó đánh dấu việc mở ra quan hệ mới giữa Seoul và Damascus - đồng minh truyền thống của Triều Tiên.

Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, sự kiện này đánh dấu cột mốc cho Seoul, khi nước này đã có quan hệ với 191 thành viên của Liên hợp quốc và "mở ra chương mới trong hợp tác song phương với Syria, quốc gia vẫn giữ khoảng cách với Hàn Quốc do quan hệ thân thiết với Triều Tiên.

Kể từ khi cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị lật đổ vào tháng 12 năm ngoái, Triều Tiên đã hạn chế đưa tin về Syria, ngoại trừ một lần nhà lãnh đạo Kim Jong-un đề cập lướt qua đến "cuộc khủng hoảng ở Trung Đông". (Yonhap)

Châu Âu

*Đức hỗ trợ quân sự 11 tỷ euro cho Ukraine đến năm 2029: Ngày 11/4, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cho biết Đức sẽ cung cấp 11 tỷ euro hỗ trợ quân sự cho Kiev đến năm 2029.

Trong bài đăng trên nền tảng xã hội X, Bộ trưởng Umerov tuyên bố các đợt chuyển giao theo kế hoạch trong năm nay sẽ giúp tăng cường hoạt động phòng không cho Ukraine và hỗ trợ quân đội Kiev trên chiến trường. (Reuters)

*EU và Trung Quốc tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Bắc Kinh: Ngày 11/4, người phát ngôn Hội đồng châu Âu cho biết các quan chức cấp cao EU và lãnh đạo Trung Quốc dự kiến sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh tiếp theo đánh dấu 50 năm quan hệ tại Trung Quốc vào tháng 7.

Một quan chức tại Hội đồng - cơ quan đại diện cho 27 quốc gia thành viên EU - phát biểu: "Chúng tôi đang phối hợp với Trung Quốc để ấn định ngày họp, dự kiến diễn ra tại Trung Quốc trong nửa cuối tháng 7".

EU đang phải đối mặt với tình thế khó xử khi vừa cần đàm phán với đồng minh khó đoán ở Washington để tránh thuế quan và đa dạng hóa đối tác thương mại, vừa phải giữ vững lập trường về các quan ngại thương mại của riêng mình đối với Trung Quốc. (AFP)

*Nga - Mỹ tiếp tục đối thoại về trao đổi tù nhân: Ngày 11/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố việc trao đổi tù nhân giữa Nga và Mỹ giúp củng cố niềm tin giữa hai nước vào thời điểm hai bên đang cố gắng xây dựng lại mối quan hệ.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) Sergei Naryshkin cũng nhấn mạnh, Moscow sẽ tiếp tục đối thoại với chính quyền Mỹ, bao gồm các cuộc đàm phán về trao đổi tù nhân.

Trước đó, Axios dẫn nguồn thạo tin và dữ liệu từ FlightRadar cho biết đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff ngày 11/4 đã tới Nga và dự kiến sẽ gặp Tổng thống Vladimir Putin sau đó cùng ngày. (Reuters)

*Ukraine muốn đẩy nhanh việc gia nhập EU: Ngày 10/4, tại Brussels Bỉ) đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp EU-Ukraine kéo dài 2 ngày. Mục tiêu của hội nghị là tăng cường quan hệ kinh tế giữa châu Âu với Ukraine, đẩy nhanh quá trình phục hồi của Ukraine và hỗ trợ con đường gia nhập và hội nhập vào thị trường chung EU của nước này.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết việc nước ông gia nhập EU sẽ có lợi cho chính khối này. Ukraine đã nộp đơn xin gia nhập EU vào ngày 28/2/2022, chỉ 4 ngày sau khi Nga mở cuộc tấn công toàn diện đất nước này. (TASS)

Trung Đông-châu Phi

*Đức kêu gọi "giải pháp ngoại giao" trước thềm đàm phán hạt nhân Iran-Mỹ: Ngày 11/4, Đức đã kêu gọi đạt được một "giải pháp ngoại giao" trong bối cảnh Mỹ và Iran chuẩn bị xúc tiến đàm phán vào cuối tuần này tại Oman nhằm đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Tehran.

Phát biểu họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Christian Wagner nêu rõ: "Chúng ta cần một giải pháp ngoại giao", đồng thời nhấn mạnh đây là " diễn biến tích cực khi có một kênh đối thoại giữa Iran và Mỹ". (AFP)

*Gần 1.000 phi công Israel từ chối tiếp tục chiến đấu ở Gaza: Tờ báo tiếng Do Thái Yedioth Ahronoth ngày 10/4 đã đăng một báo cáo cho biết Tổng tham mưu trưởng mới của quân đội Israel, Eyal Zamir, và Tư lệnh lực lượng Không quân, Tomer Bar, đã ngăn chặn việc công bố bản kiến nghị, có chữ ký của 950 phi công chiến đấu dự bị và đã nghỉ hưu, từ chối tham gia nghĩa vụ quân sự, trong bối cảnh cuộc chiến ở Dải Gaza vẫn tiếp diễn.

Các sĩ quan này lập luận rằng việc tiếp tục chiến tranh “chỉ phục vụ cho những lợi ích cá nhân và chính trị hẹp hòi” và làm suy yếu các cơ sở quân sự. (Al Jazeera)

*Tàu sân bay thứ hai của Mỹ đã có mặt ở Trung Đông: Tàu sân bay thứ hai của Mỹ đã đến Trung Đông, nơi các lực lượng của Washington đang tiến hành các cuộc không kích gần như hằng ngày nhằm vào phiến quân Houthi ở Yemen.

Quân đội Mỹ ngày 10/4 cho biết tàu sân bay USS Carl Vinson - được trang bị máy bay chiến đấu tàng hình F-35C - hiện đang hoạt động cùng với tàu sân bay USS Harry S. Truman trong khu vực.

Tuần trước, Lầu Năm Góc thông báo sẽ tăng số lượng tàu sân bay của Mỹ ở Trung Đông sau khi phát động đợt không kích mới nhất chống lại phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn từ hồi tháng 3 nhằm chấm dứt mối đe dọa mà nhóm vũ trang này gây ra đối với các tàu dân sự và tàu quân sự trong khu vực. (AFP)

*Pháp có thể công nhận nhà nước Palestine: Quan chức cấp cao của Hamas, ông Mahmud Mardawi, ngày 10/4 cho biết nhóm chiến binh này hoan nghênh thông báo của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng nước này có thể công nhận nhà nước Palestine vào tháng 6 tới, ca ngợi đây là một "bước tiến quan trọng".

Ngày 9/4, Tổng thống Macron cho biết cần tiến tới việc công nhận nhà nước Palestine trong vài tháng tới. Theo ông Macron, việc này có thể được tiến hành tại một hội nghị sắp tới của Liên hợp quốc nhằm giải quyết xung đột Israel - Palestine, dự kiến sẽ được tổ chức ở New York (Mỹ) vào tháng 6.

Theo hãng tin Reuters, gần 150 nước đã công nhận Palestine là một quốc gia có chủ quyền nhưng nhiều cường quốc phương Tây, trong đó có Mỹ, Pháp, Anh và Đức, cũng như Nhật Bản không công nhận. (Al Jazeera)

Châu Mỹ - Mỹ Latinh

*Pháp khẳng định vai trò không thể thay thế của Mỹ: Thủ tướng Pháp Francois Bayrou cho biết việc nghĩ rằng Trung Quốc có thể thay thế Mỹ trở thành một đối tác thương mại là ngây thơ và nguy hiểm, đồng thời kêu gọi các thành viên Liên minh châu Âu (EU) đoàn kết trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu hiện nay.

Phát biểu với các phóng viên ngày 11/4, Thủ tướng Bayrou nhấn mạnh: "Ý tưởng cho rằng có thể thay thế Mỹ bằng Trung Quốc là một ý tưởng vô cùng nguy hiểm".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez rằng Trung Quốc và EU phải cùng nhau bảo vệ toàn cầu hóa và phản đối "các hành động bắt nạt đơn phương", rõ ràng nhắm vào chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.(Reuters)

*Nga, Mỹ thảo luận về đầu tư: Hãng tin TASS đưa tin ông Kirill Dmitriev - Đặc phái viên đầu tư của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp ông Steve Witkoff - Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Saint Peterburg trong ngày 11/4.

Ông Witkoff đã tới thành phố lớn thứ hai của Nga vào sáng 11/4 và có thể sẽ gặp Tổng thống Putin.Theo Interfax, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trước đó cho biết ông sẽ thông báo về bất kỳ cuộc gặp nào giữa Tổng thống Putin và Witkoff nếu lịch trình của nhà lãnh đạo Nga có thời gian cho cuộc gặp này. (Reuters)

*Mỹ cắt giảm 5,1 tỷ USD chi tiêu quốc phòng: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth ngày 10/4 thông báo bộ này sẽ cắt giảm 5,1 tỷ USD chi tiêu "lãng phí", bao gồm cả các sáng kiến về khí hậu và DEI (đa dạng, công bằng và hòa nhập).

Bộ trưởng Hegseth cho biết Cơ quan Hiệu quả Chính phủ (DOGE) sẽ có "quyền tiếp cận rộng rãi" để loại bỏ các chương trình từ chính quyền trước đó. Tháng trước, ông đã ra lệnh chấm dứt khoản chi tiêu 580 triệu USD chi tiêu, bao gồm các khoản tài trợ liên quan đến biến đổi khí hậu và các lĩnh vực DEI, cùng nhiều lĩnh vực khác.

Ngân sách Lầu Năm Góc năm 2025 vào khoảng 850 tỷ USD. Nếu được thực hiện đầy đủ, các khoản cắt giảm sẽ giảm ngân sách hàng chục tỷ USD mỗi năm xuống còn khoảng 560 tỷ USD vào cuối năm thứ 5. (AFP)

*Mỹ thay thế Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân: Thượng viện đã chính thức phê chuẩn việc bổ nhiệm Tướng Dan Caine vào vị trí Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân với tỷ lệ phiếu thuận 60-25. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump tiến hành một chiến dịch cải tổ chưa từng có trong giới lãnh đạo quân đội cấp cao.

Tuy nhiên, động thái này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ Đảng Dân chủ. Họ cáo buộc Tổng thống Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth đang cố gắng đặt những người trung thành vào các vị trí lãnh đạo quân sự quan trọng, một diễn biến có thể ảnh hưởng đến tính độc lập truyền thống của quân đội Mỹ. (AFP)

*Venezuela chỉ trích cách đối xử của Mỹ với người di cư: Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino Lopez ngày 10/4 tuyên bố cách đối xử của Mỹ với người di cư Venezuela, những người bị trục xuất và đang bị giam giữ tại El Salvador, là hành động "tấn công nhân quyền".

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 16 năm thành lập Lực lượng Dân quân Quốc gia Bolivar, ông Lopez bày tỏ: "Những gì đang xảy ra với người di cư Venezuela thật tàn nhẫn...".

Bộ trưởng Lopez nói thêm rằng Washington đang vi phạm các quyền cơ bản của con người, đồng thời áp đặt "một đợt trừng phạt mới đối với đất nước" nhằm bóp nghẹt nền kinh tế và tiếp tục gây bất ổn cho Venezuela. (THX)

*Panama cho phép Mỹ triển khai quân tới khu vực kênh đào: Theo văn bản thỏa thuận mà AFP thu thập được ngày 11/4, quân đội Mỹ sẽ có thể triển khai lực lượng tới một loạt cơ sở dọc theo kênh đào Panama. Đây được coi là sự nhượng bộ lớn dành cho Tổng thống Donald Trump trong nỗ lực tái thiết lập ảnh hưởng của Mỹ đối với tuyến đường thủy quan trọng này.

Kể từ khi trở lại nắm quyền vào tháng 1, ông Trump đã nhiều lần tuyên bố Trung Quốc có quá nhiều ảnh hưởng đối với kênh đào - tuyến đường vận chuyển khoảng 40% container của Mỹ và 5% thương mại toàn cầu. Chính quyền của ông đã cam kết sẽ "giành lại" quyền kiểm soát tuyến đường thủy chiến lược mà Mỹ đã tài trợ, xây dựng và kiểm soát cho đến năm 1999. (AFP)

Nhất Phong

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-ngay-114-trung-quoc-vien-tro-137-trieu-usd-giup-myanmar-ukraine-day-nhanh-viec-gia-nhap-eu-phap-co-the-cong-nhan-nha-nuoc-palestine-310778.html