Tin thế giới ngày 24/8: Mỹ-Thổ ồ ạt đưa khí tài tới Syria, Tổng thống Belarus 'kè kè' súng trường. Nga lại cấp phép vaccine Covid-19 mới?
Tình hình Syria, Libya, Belarus; quan hệ Trung Quốc với Australia và Ấn Độ; Israel-Palestine và thông tin về vaccine Covid-19 thứ 2 của Nga sắp sửa được phê chuẩn là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Tình hình Syria
Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đưa thêm thiết bị quân sự đến các căn cứ ở Syria
Ngày 23/8, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, các lực lượng Mỹ đã điều 40 xe tải chở các thiết bị quân sự và xe bọc thép từ Iraq đến các căn cứ Mỹ ở tỉnh Hasakah, phía Đông Bắc Syria.
Theo SOHR, đoàn xe vận tải của Mỹ xuất phát từ khu vực của người Kurd ở Iraq đã tiến vào lãnh thổ Syria thông qua cửa khẩu al-Walid hôm 22/8.
Đây là chuyến hàng mới nhất được chuyển đến các căn cứ Mỹ ở tỉnh Hasakah. Hiện Wasshington đang duy trì một số căn cứ trong các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd dẫn đầu ở tỉnh Hasakah.
Trong khi đó, SOHR cũng cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai hơn 450 phương tiện quân sự gồm xe bọc thép và các vũ khí hạng nặng tới Tây Bắc Syria trong bối cảnh hồi giữa tháng, máy bay của lực lượng Nga đã tấn công các vị trí của phiến quân ở Syria tại "chảo lửa" Idlib. (THX, Syriahr)
Toàn lãnh thổ Syria bị mất điện do nổ đường ống khí đốt
Ngày 24/8, hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA) dẫn lời Bộ trưởng Điện lực Muhammad Zuhair Kharboutli cho biết, vụ nổ đường ống khí đốt Arab dẫn tới tình trạng mất điện trên toàn lãnh thổ nước này.
Theo quan chức trên, vụ nổ xảy ra tại đường ống dẫn khí đốt chính kết nối miền Nam Syria với các địa phương khác, cụ thể là đoạn ở khu vực Ad Dumayr và Adra.
Hiện chưa có thêm thông tin chi tiết về vụ nổ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Dầu mỏ Suleiman Al Abbas nhận định đây có thể là một hành động khủng bố. (Reuters)
Tình hình Libya
Biểu tình chống Chính phủ GNA ở Tripoli và Misrata, LNA bác lệnh ngừng bắn
Ngày 23/8, truyền thông Bắc Phi đưa tin, các cuộc biểu tình chống Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) đã nổ ra ở thủ đô Tripoli và thành phố Misrata nhằm phản đối điều kiện sống nghèo nàn và tình trạng tham nhũng.
Theo những đoạn video được các nhà hoạt động ở Libya đăng tải trên mạng xã hội, người biểu tình đã đổ về Quảng trường Liệt sĩ, nơi đặt các trung tâm thương mại chính của thủ đô Tripoli, hô vang các khẩu hiệu đòi lật đổ chế độ, thậm chí cố gắng trèo qua tường tòa nhà Chính phủ tại thủ đô, song đã bị lượng lượng an ninh chặn lại.
Trước đó, Thủ tướng GNA Fayez al-Sarraj đã tuyên bố lệnh ngừng bắn trên khắp cả nước, đồng thời kêu gọi phi quân sự hóa thành phố chiến lược Sirte đang ở trong tình trạng tranh chấp giữa các lực lượng đối lập.
Chính phủ cũng hối thúc lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tự xưng chấm dứt lệnh phong tỏa mỏ dầu, đồng thời kêu gọi tổ chức bầu cử Tổng thống và Quốc hội vào tháng 3/2021.
Tuy nhiên, người phát ngôn LNA Ahmed Mismari đã ngay lập tức bác bỏ lệnh ngừng bắn, cho rằng: “Sáng kiến mà ông Sarraj đã ký là để tiếp thị truyền thông… Có hoạt động xây dựng lực lượng quân đội và chuyển giao thiết bị để nhắm mục tiêu vào lực lượng của chúng tôi ở Sirte. Nếu ông Sarraj muốn ngừng bắn, ông ta sẽ phải rút lực lượng của mình, không tiến về phía các đơn vị của chúng tôi ở Sirte”. (Reuters, Aljazeera)
Tình hình Belarus
Tổng thống Lukashenko di chuyển bằng trực thăng, 'kè kè' súng trường
Chiều 23/8, một cuộc biểu tình lớn đã nổ ra tại Quảng trường Độc lập ở thủ đô Minsk, ước tính có sự tham gia của khoảng 200.000 người. Người biểu tình sau đó tuần hành tới một quảng trường khác và tiến về gần khu dinh thự của Tổng thống Alexander Lukashenko, song nơi này đã được bảo vệ nghiêm ngặt bởi lực lượng cảnh sát chống bạo động.
Theo đoạn video mà hãng tin Belta của Belarus đăng tải, một trực thăng của Chính phủ Belarus đáp xuống khuôn viên dinh thự riêng của Tổng thống Lukashenko. Ông Lukashenko được nhìn thấy bước xuống từ trực thăng, cầm theo một khẩu súng trường loại Kalashnikov và mặc áo chống đạn.
Cũng theo Belta, khẩu súng có vẻ không có đạn, điều này cho thấy ông Lukashenko có thể chỉ mang theo khẩu súng nhằm thị uy.
Hình ảnh này gây chú ý trong bối cảnh thủ đô Minsk tiếp tục rung chuyển bởi các cuộc biểu tình kể từ sau bầu cử Tổng thống hồi đầu tháng. Kết quả bầu cử cho thấy, ông Lukashenko đắc cử nhiệm kỳ thứ 6 với 80% phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, phe đối lập phản đối kết quả này. (AP)
Trung Quốc-Australia
Australia dọa 'đấu' tới cùng với Trung Quốc
Ngày 23/8, Bộ trưởng Nông nghiệp Australia David Littleproud khẳng định, Australia sẵn sàng chống lại cáo buộc các nhà sản xuất rượu vang nước này đã bán phá giá các chai rượu vang dưới 2 lít vào thị trường Trung Quốc, đồng thời tuyên bố sẽ bảo vệ quyết liệt và nếu cần thiết, "chúng tôi sẽ xem xét quy trình và đưa lên WTO”.
Trước đó, ngày 18/8, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố khởi động cuộc điều tra chống bán phá giá rượu vang nhập khẩu từ Australia đối với các chai rượu dưới 2 lít được sản xuất từ năm 2019. Đối với thị trường xuất khẩu rượu vang lớn nhất và là đối tác thương mại lớn nhất của Australia này, bất kỳ động thái chống bán phá giá nào của Bắc Kinh cũng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới Caberra.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham gọi cuộc điều tra của Trung Quốc là động thái “đáng thất vọng” và “gây rắc rối”, đồng thời tuyên bố Australia sẵn sàng theo đuổi vụ việc này. Ông Birmingham cảnh báo cuộc điều tra là “mối đe dọa đối với tất cả nhà sản xuất rượu vang xuất khẩu” của Australia.
Lời kêu gọi điều tra của Trung Quốc nhằm vào rượu vang của Australia diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước leo thang sau khi Canberra kêu gọi điều tra quốc tế về nguồn gốc Covid-19.
Hồi tháng 5, Trung Quốc đã áp thuế với lúa mạch nhập khẩu từ Australia, cấm cửa 4 nhà sản xuất thịt bò hàng đầu của Australia, đồng thời cảnh báo sinh viên và khách du lịch Trung Quốc cẩn trọng khi tới Australia vì nguy cơ phân biệt chủng tộc. (SMH)
Trung Quốc-Ấn Độ
Ấn Độ đã sẵn sàng phương án tác chiến với Trung Quốc
Tổng tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ Bipin Rawat tuyên bố, quân đội Ấn Độ đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án tác chiến để đối phó với các hoạt động xâm phạm lãnh thổ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tại Ladakh, nhưng sẽ chỉ triển khai thực hiện nếu các cuộc đàm phán giữa quân đội hai nước và giải pháp ngoại giao thất bại.
Tướng Rawat nói: "Những vụ vi phạm xảy ra dọc theo đường Ranh giới thực tế (LAC) là do nhận thức khác nhau. Lực lượng quân đội có nhiệm vụ quản lý, giám sát và ngăn chặn những hành vi vi phạm đó biến thành các vụ xâm nhập".
Theo Tướng Rawat, cách tiếp cận của Chính phủ Ấn Độ là giải quyết hòa bình mọi vi phạm như vậy và ngăn chặn hành vi xâm nhập, tuy nhiên, ông khẳng định: "Lực lượng quân đội luôn chuẩn bị sẵn sàng cho các hoạt động quân sự nếu nỗ lực khôi phục nguyên trạng dọc theo LAC không thành công". (The Hindustan Times)
Israel-Palestine
Israel xua đuổi tàu của ngư dân Palestine, cấm hàng hóa và phương tiện vận chuyển ra vào Dải Gaza
Các nguồn tin an ninh Palestine cho biết, một tàu tuần dương của Israel ngày 23/8 đã xua đuổi các tàu của ngư dân Palestine trong khu vực khoảng 1 hải lý ngoài khơi Dải Gaza.
Ông Zakaria Baker, điều phối viên các hiệp hội ngư dân ở Dải Gaza đã lên án những hành vi của Israel nhằm chống lại ngư dân Palestine và kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực buộc Israel chấm dứt “những hành vi vi phạm đối với ngư dân Palestine”.
Cũng theo ông Baker, kể từ khi Israel quyết định đóng cửa khu vực đánh cá, lực lượng hải quân nước này đã thực hiện khoảng 50 vụ vi phạm đối với ngư dân Palestine.
Trong khi đó, cùng ngày, các nguồn tin an ninh Palestine cho biết, chính quyền Israel ngày 23/8 đã cấm vận chuyển hàng hóa và các phương tiện hiện đại ra/vào cửa khẩu thương mại duy nhất Kerem Shalom nằm ở phía Nam giữa nước này với Dải Gaza trừ việc vận chuyển thực phẩm và các thiết bị, vật tư y tế.
Mặc dù nhà chức trách Israel chưa chính thức bình luận về động thái mới, song theo đài phát thanh công cộng Israel, quyết định được đưa nhằm đáp trả hành động liên tục thả bóng bay gây cháy từ Gaza vào lãnh thổ Israel. Cũng theo đài này, 18 quả rocket tự chế đã được bắn từ Dải Gaza vào các thị trấn của Israel trong tuần qua. (THX, Anadolu)
Covid-19
Nga sắp phê chuẩn vaccine ngừa Covid-19 thứ hai
Ngày 22/8, hãng tin Times of India đưa tin, các thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa Covid-19 EpiVacCorona được nghiên cứu, phát triển bởi Trung tâm nghiên cứu Virus học và Công nghệ sinh học Vecto tại Siberia, dự kiến hoàn tất vào tháng 9.
Hãng tin Interfax cho hay, 57 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm được theo dõi tại bệnh viện trong 23 ngày và hiện đều khỏe mạnh, không ghi nhận bất cứ tác dụng phụ nào.
Vaccine EpiVacCorona nhằm mục đích tạo phản ứng miễn dịch sau 2 mũi tiêm cách nhau từ 14 đến 21 ngày. Đến nay, Trung tâm nghiên cứu Virus học và Công nghệ sinh học Vecto đã và đang nghiên cứu, phát triển 13 loại vaccine ngừa Covid-19.
Giới chức Nga hy vọng sẽ đăng ký EpiVacCorona vào tháng 10 và đưa vào sản xuất từ tháng 11 năm nay. Nếu EpiVacCorona được phê chuẩn, đây sẽ là vaccine ngừa Covid-19 thứ hai của Nga được “bật đèn xanh” để đưa vào sản xuất.
Hôm 11/8, Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn vaccine ngừa Covid-19 có tên gọi Sputnik-V sau khi hoàn tất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2.
Moscow cho biết, ngay sau khi phê chuẩn, Nga đã nhận được đơn đặt hàng 1 tỷ liều Sputnik-V của hơn 20 quốc gia. Giai đoạn thử nghiệm lâm sàng lần 3 với Sputnik-V dự kiến diễn ra từ tuần tới với sự tham gia của khoảng 40.000 tình nguyện viên. Nga dự kiến tiêm chủng đại trà Sputnik-V từ tháng 9 và có thể bắt đầu xuất khẩu vaccine này từ đầu năm 2021.