Tin thế giới ngày 6/7: Trung Quốc-Canada căng thẳng, Tehran 'mập mờ' với Bắc Kinh, Huawei 'bám' vào Anh và căng thẳng Israel-Palestine

Vấn đề Hong Kong, quan hệ Iran-Trung Quốc, xung đột Israel-Palestine, Huawei và đại dịch Covid-19 là các sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h qua.

Vấn đề Hong Kong

Ngày 6/7, Trung Quốc cảnh báo nước này có quyền đưa ra hành động bổ sung nhằm đáp trả việc Canada tạm đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Đặc khu hành chính Hong Kong. Tuyên bố trên được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đưa ra trong một cuộc họp báo hàng ngày.

Hôm 3/7, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố Ottawa sẽ tạm dừng hiệp ước dẫn độ với Hong Kong do luật an ninh quốc gia mới được áp đặt tại thành phố này - động thái bị Bắc Kinh lên án là hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Trước đó, Liên minh Nghị viện Quốc tế về Trung Quốc (IPAC), tổ chức được nghị sĩ từ các nước thành lập hồi tháng 6 nhằm đối phó với Trung Quốc, đã kêu gọi các quốc gia dừng thỏa thuận dẫn độ với Hong Kong nhằm đáp trả Bắc Kinh.

Trong thông điệp phát đi hôm 4/7, 16 thành viên chủ chốt của IPAC đã “cam kết các nỗ lực kết hợp để đảm bảo không một ai phải đối mặt với việc bị dẫn độ về Hong Kong”.

Có 9 quốc gia có đại diện trong IPAC là Australia, Canada, CH. Czech, Pháp, Đức, Hà Lan, New Zealand, Anh và Mỹ đã và đang ký hiệp ước dẫn độ với Hong Kong. (Reuters, SCMP)

Bạn có thể quan tâm:

Iran-Mỹ-Trung Quốc

Iran thiết lập nhiều căn cứ tên lửa bí mật, 'mập mờ' nói về thỏa thuận 25 năm với Trung Quốc

Ngày 5/7, hãng Thông tấn Tasnim dẫn tuyên bố của Tư lệnh lực lượng hải quân thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Ali Reza Tangsiri cho biết, Iran đã thiết lập các căn cứ tên lửa ngầm bí mật ở gần bờ biển và ngoài khơi dọc bờ biển thuộc vùng Vịnh và Biển Oman. Theo ông Tangsiri, những cơ sở phóng tên lửa nổi trên mặt nước sẽ được công bố theo quyết định của nhà chức trách Iran.

Bên cạnh đó, hải quân của IRGC đã thành lập lực lượng hải quân Basij, hay còn được gọi các lực lượng quân tình nguyện, ở dọc các bờ biển phía Nam có chiều dài 2.200 km. Lực lượng gồm có 428 đội tàu nhỏ và hơn 23.000 thành viên. Ông Tangsiri lưu ý: “Nếu các lực lượng Mỹ phạm phải bất kỳ sai lầm nào, họ sẽ bị truy kích đến tận Vịnh Mexico”.

Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố, Tehran đang đàm phán một thỏa thuận 25 năm với Trung Quốc, trong đó các điều khoản sẽ được công bố ngay khi đạt được thỏa thuận.

Trung Quốc là một thị trường chủ chốt để Iran xuất khẩu dầu thô, tuy nhiên hoạt động này đã bị cản trở do các biện pháp trừng phạt được Mỹ áp đặt sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran vào năm 2018. (THX, Reuters, AFP)

Bạn có thể quan tâm:

Huawei

Tìm cách bám vào Anh, Huawei loay hoay đối phó Mỹ

Ngày 5/7, tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc tuyên bố vẫn để ngỏ khả năng thảo luận với Chính phủ Anh, đồng thời đang phối hợp chặt chẽ với các khách hàng nhằm tìm cách giải quyết những biện pháp hạn chế được Mỹ đề xuất để Anh có thể giữ vững vị thế đi đầu trong mạng 5G.

Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ thông báo sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế đối với Huawei trong việc mua các chất bán dẫn là sản phẩm trực tiếp của một số công nghệ và phần mềm Mỹ.

Trong tuyên bố ngày 5/7, Phó Chủ tịch Huawei Victor Zhang cho biết: "Chúng tôi tin rằng, còn quá sớm để xác định những tác động của các biện pháp hạn chế được đề xuất. Những hạn chế này không về an ninh mà về vị thế thị trường. Tất cả các sản phẩm hàng đầu thế giới của chúng tôi sử dụng công nghệ và thành phần đã được Chính phủ Anh giám sát chặt chẽ. Công nghệ của chúng tôi đã được sử dụng rộng rãi trong mạng lưới 5G trên khắp nước này và đã giúp người dân kết nối trong suốt giai đoạn phong tỏa (do dịch Covid-19)".

Trong khi đó, Bộ trưởng Văn hóa Anh Oliver Dowden cho rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể làm ảnh hướng đáng kể tới chất lượng của nguồn cung này: "Nếu Mỹ áp đặt trừng phạt như họ từng làm, chúng tôi tin rằng có thể gây ảnh hưởng đáng kể tới mực độ đáng tin cậy của trang thiết bị Huawei và liệu chúng tôi có thể sử dụng chúng an toàn hay không?".

Hồi tháng 1, Anh đã trao cho Huawei một vai trò có giới hạn trong mạng lưới 5G tương lai của nước này, tuy nhiên các quan chức của Trung tâm An ninh mạng Quốc gia từ đó đã nghiên cứu tác động từ những biện pháp của Mỹ, vốn được công bố hồi tháng 5. (THX, Reuters)

Bạn có thể quan tâm:

Israel-Palestine

Dải Gaza nổi sóng vì đánh bom và rocket, Palestine nỗ lực ngăn Israel sáp nhập Bờ Tây

Ngày 5/7, hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel đã đánh chặn một vật thể bay được phóng sang từ Dải Gaza. Theo người phát ngôn quân đội Israel, vật thể này là rocket được phóng sang nước này khoảng một giờ sau khi 2 quả khác được phóng từ khu vực của người Palestine nhằm vào miền Nam Israel, được cho là của phong trào Hamas.

Ít giờ đồng hồ sau đó, các lực lượng phòng vệ Israel (IDF) xác nhận đã tiến hành các cuộc ném bom bằng máy bay trực thăng và máy bay chiến đấu một số mục tiêu của Hamas tại Dải Gaza. IDF nhắc lại quan điểm rằng Hamas phải chịu trách nhiệm cao nhất cho "những gì xảy ra tại Dải Gaza và những gì xuất phát từ vùng lãnh thổ này".

Theo một số kênh thông tin tại Gaza, trong các đợt tấn công, quân đội Israel đã đánh trúng một trạm kiểm soát của Hamas và tấn công khu vực được gọi là "đất nông nghiệp" tại phía Đông Gaza.

Liên quan vấn đề Palestine muốn sáp nhập Bờ Tây, cùng ngày, chính quyền Palestine cho biết, đang tìm cách ngăn cản kế hoạch của Israel thông qua các nỗ lực ngoại giao trên toàn thế giới huy động một số quốc gia trong Đại hội đồng Liên hợp quốc thành lập một liên minh quốc tế chống lại kế hoạch này.

Phát biểu trên đài phát thanh chính thức của Palestine, ông Erekat cho hay, liên minh quốc tế sẽ đặt ra mục tiêu buộc Israel phải chịu trách nhiệm nếu nước này vẫn tiến hành kế hoạch sáp nhập.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng đã thông báo với các nhà lãnh đạo thế giới về hậu quả của kế hoạch sáp nhập và kết quả của việc Palestine đã hủy bỏ tất cả các thỏa thuận với Israel và Mỹ. (THX)

Bạn có thể quan tâm:

Dịch Covid-19

Các nhà khoa học kêu gọi WHO công nhận virus SARS-CoV-2 lây truyền qua không khí

Tờ New York Times đưa tin, gần 240 nhà khoa học từ 32 quốc gia lên tiếng kêu gọi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận việc virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 lây truyền qua các hạt có kích thước vô cùng nhỏ trong không khí là yếu tố quan trọng khiến căn bệnh truyền nhiễm này lây lan.

WHO tuyên bố, virus lây lan chủ yếu qua những giọt lớn thoát ra từ đường hô hấp của bệnh nhân do ho, hắt hơi hoặc khi giao tiếp và rơi xuống bề mặt nào đó. Theo các nhà khoa học, các bằng chứng hiện cho thấy virus có thể lây lan qua các hạt có kích thước vô cùng nhỏ tồn tại trong không khí bên trong nhà hay phòng kín.

Sang tuần tới, trên một tạp chí khoa học có thể công bố bức thư của 239 nhà khoa học gửi cho WHO yêu cầu tổ chức này sửa đổi các khuyến nghị về virus SARS-CoV-2. Đối với bản thân WHO, bằng chứng về việc virus SARS-CoV-2 lây lan qua không khí được cho là không thuyết phục.

Các tác giả của bài báo lưu ý, nếu lây truyền qua không khí thực sự là một yếu tố lây lan đáng kể, thì sẽ đưa phải ra một loạt biện pháp mới để ngăn chặn SARS-CoV-2, bao gồm đeo khẩu trang trong phòng thậm chí ngay khi đã duy trì giãn cách xã hội, các nhân viên y tế cần đeo khẩu trang đặc biệt có thể chặn được các hạt siêu nhỏ và sử dụng hệ thống thông gió ở những nơi công cộng, cũng như loại đèn cực tím có khả năng tiêu diệt các phần tử virus. (Sputnik)

Hoàng Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-ngay-67-trung-quoc-canada-cang-thang-tehran-map-mo-voi-bac-kinh-huawei-bam-vao-anh-va-cang-thang-israel-palestine-118860.html