Tin thế giới ngày 8/6: Mỹ biểu tình quy mô lớn; số người nhiễm Covid-19 vượt 2 triệu người
Mỹ có hơn 2 triệu người nhiễm virus Corona; hàng chục nghìn người dân Mỹ đã ra đường biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc và đòi công bằng cho George Floyd; hàng chục nghìn người biểu tình ở London là những tin thế giới mới nhất hôm nay.
Số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ vượt 2 triệu người
Với hơn 18.000 ca mắc mới trong 24h qua, số ca nhiễm virus Corona tại Mỹ đã lên tới 2.006.608 người. Số ca tử vong tại Mỹ vì Covid-19 cũng đạt tới 112.458.
Theo Bộ Y tế Mỹ, khoảng 1.000 người Mỹ tử vong mỗi ngày trong tháng 6 này, giảm so với đỉnh điểm 2.000 ca mỗi ngày hồi tháng 4 vừa qua.
Hiện Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới. Brazil hiện là nước thứ 2 với 678.000 ca. Nga hiện ở vị trí thứ 3 với 467.000 ca.
Một số bang tại Mỹ đang ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng cao như Alabama, South Carolina và Virginia. Số ca nhiễm mới đã tăng 35% tại những bang này kể từ 31/5 tới nay.
Cả thế giớ hiện có hơn 7 triệu ca nhiễm và 400.000 ca tử vong vì Covid-19.
Brazil mới đây cũng đưa ra quyết định dừng công bố các số liệu liên quan tới Covid-19. Nước này vẫn đang ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong vì Covid-19 tăng cao trong tuần qua.
Biểu tình quy mô lớn tại Mỹ phản đối phân biệt chủng tộc
Biểu tình tại Washington hôm 7/6. Ảnh: Reuters
Tại Washington, hàng chục nghìn người đã xuống đường, hô vang khẩu hiệu "Tôi không thể thở" và "Đừng bắn, tôi đầu hàng!". Đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ hơn 10 ngày qua, sau cái chết của George Floyd.
Một thông điệp chung được truyền tải là quyết tâm thay đổi định kiến phân biệt chủng tộc trong xã hội hiện đại của Mỹ, đồng thời lên án các hành động miệt thị với các cộng đồng thiểu số tại nước này.
"Tôi cảm thấy rằng tôi sẽ là một phần của lịch sử, của những người đang cố gắng thay đổi thế giới vì mọi người", Jamilah Muahyman, một cư dân của Washington cho hay.
Các cuộc biểu tình lần này đã bớt căng thẳng hơn so với tuần trước, đặc biệt khi các hành vi trộm cướp và đập phá đã bị lên án mạnh mẽ.
Căng thẳng cũng được giảm bớt sau khi các công tố viên đã đáp lời lại mong muốn của người biểu tình, quyết định truy tố cả 4 sĩ quan có liên quan tới vụ việc, đồng thời nâng mức án từ giết người cấp độ 3 lên cấp độ 2 đối với Derek Chauvin, người đã ghì đầu gối lên cổ George Floyd.
Việc biểu tình diễn ra tại thành phố nhỏ mang tên Vidor ở Texas cho thấy phong trào này đang thật sự thay đổi xã hội. Vài thập kỷ trước, thành phố nhỏ này từng là 1 trong số hàng trăm cộng đồng của Mỹ không cho phép người da đen ra đường sau khi trời tối.
Đây cũng là một trong những nơi mà tổ chức Ku Klux Klan, một trong những hội kín phân biệt chủng tộc, kỳ thị người da màu nổi tiếng nước Mỹ, phát triển mạnh mẽ.
Dự kiến, đám tang của George Floyd sẽ được tổ chức vào thứ Ba tới.
Hàng chục nghìn người biểu tình tại London
Dòng người biểu tình tại Anh hôm 7/6. Ảnh: Reuters
Hàng chục nghìn người đã xuống đường tại London phản đối hành động bạo lực của cảnh sát Mỹ với George Floyd, đồng thời kêu gọi không phân biệt chủng tộc.
Những người biểu tình đã tụ tập tại trung tâm London để biểu tình trong hòa bình. Tuy nhiên, một số nhỏ những người quá khích đã va chạm với cảnh sát gần phố Downing.
27 cảnh sát đã bị thương trong vụ việc. Cảnh sát trưởng thành phố Cressida Dick gọi vụ việc này là "sốc và không thể chấp nhận được". Hai người đang bị thương nặng sau khi ngã khỏi ngựa và đang phải phẫu thuật.
Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cũng kêu gọi người biểu tình không tụ tập tại London, cảnh báo khả năng virus lây lan. Tuy nhiên, hàng chục nghìn người vẫn tụ tập biểu tình trước đại sứ quán Mỹ dọc bên bờ sông Thames.
"Giờ là thời điểm chúng ta phải hành động. Hành động phân biệt chủng tộc được sinh ra từ nước Anh với các thuộc địa cũ và chủ nghĩa da trắng lên ngôi", Hermione Lake, 28 tuổi, cho hay. "Chúng ta cần thay đổi mạnh mẽ".
Rất nhiều người biểu tình cũng đã quỳ gối, hành động được phổ biến trên toàn thế giới như phương thức biểu tình của người da màu. Rất nhiều cảnh sát cũng đã tiến hành biểu tình theo hình thức này, kể cả khi đang làm nhiệm vụ.
Tại Bristol, tượng của Edward Colston, một người trao đổi nô lệ vào thế kỷ 17 cũng bị những người biểu tình gỡ bỏ.