Tin thế giới tối 23/7: Động thái gây tranh cãi của Ukraine, Mỹ sẽ đưa tên lửa đến Philippines, Israel sắp hoàn thành các mục tiêu chiến tranh
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h.

Phái đoàn Nga và Ukraine đàm phán tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 16/5. (Nguồn: TASS)
Châu Âu
* Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký luật gây tranh cãi, tước bỏ quy chế độc lập của Cục Chống tham nhũng quốc gia (NABU) và Văn phòng Công tố viên chống tham nhũng chuyên biệt (SAPO).
Theo đạo luật, SAPO sẽ bị đặt dưới quyền của Tổng công tố, người có thể can thiệp vào hoạt động của NABU. Ngoài ra, luật cũng bãi bỏ quy định cấm chuyển giao hồ sơ điều tra từ NABU sang các cơ quan khác, đồng nghĩa với việc Tổng công tố có quyền rút các vụ án khỏi NABU và giao cho những công tố viên khác xử lý.
Khoảng 2.000 người đã tập trung biểu tình tại Kiev để phản đối luật này. Các cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra tại Lvov, Dnepr, Odessa, Poltava, Ternopol và Rovno.
Kêu gọi Ukraine cân nhắc lại đạo luật, Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Pháp Benjamin Haddad nói rõ, là ứng cử viên gia nhập Liên minh châu Âu (EU), Ukraine được kỳ vọng "phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định trong lĩnh vực chống tham nhũng, thượng tôn pháp luật, tôn trọng các nhóm thiểu số, phe đối lập chính trị và độc lập tư pháp". Ông lưu ý "sẽ theo dõi sát sao vấn đề này". (TASS)
* Các phái đoàn Nga và Ukraine lên đường đến Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, để tham gia cuộc hòa đàm mới, diễn ra vào tối 23/7.
Phái đoàn Ukraine sẽ bao gồm 14 thành viên, do Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng quốc gia Rustem Umerov dẫn đầu, trong khi phái đoàn Nga do ông Vladimir Medinsky, Trợ lý tổng thống, dẫn đầu.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, tại vòng đàm phán mới, Nga và Ukraine sẽ tập trung thảo luận dự thảo bản ghi nhớ về giải quyết xung đột mà hai bên đã trao đổi tại vòng hòa đàm trước đó. (TASS)
* Nga bắt đầu cuộc tập trận July Storm trên các vùng biển Thái Bình Dương, Bắc Băng Dương, biển Baltic và biển Caspi, diễn ra từ ngày 23-27/7. Tham gia cuộc tập trận có hơn 150 tàu chiến và tàu hỗ trợ, 120 máy bay, 10 hệ thống tên lửa phòng thủ ven biển, khoảng 950 thiết bị quân sự chuyên dụng và hơn 15.000 binh sĩ.
Cuộc tập trận nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng của các nhóm tàu hải quân khi ứng phó với các tình huống tác chiến phi tiêu chuẩn cũng như sử dụng tích hợp vũ khí tầm xa chính xác cao, hệ thống không người lái và các công nghệ quân sự tiên tiến khác. (RIA)
* Thủ tướng Czech Petr Fiala kêu gọi giải pháp toàn châu Âu để đối phó hiệu quả với làn sóng di cư bất hợp pháp, đồng thời cho rằng, việc Đức kiểm soát biên giới với nước này không nên kéo dài.
Phát biểu sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Đức Friedrich Merz tại Berlin ngày 22/7, theo ông Fiala, châu Âu cần cải thiện chính sách hồi hương và thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn với các quốc gia thứ ba. Mục tiêu cuối cùng là khôi phục đầy đủ không gian Schengen, khu vực đi lại tự do không biên giới nội khối.
Về phần mình, Thủ tướng Đức Friedrich Merz khẳng định, Berlin và Prague có cùng mục tiêu nhằm khôi phục một châu Âu không còn biên giới nội địa. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng cho đến khi EU kiểm soát hiệu quả biên giới bên ngoài, kiểm soát tạm thời ở các biên giới trong khối vẫn là cần thiết. (DW)
Châu Á-Thái Bình Dương
* Mỹ sẽ triển khai tên lửa và thiết bị bay không người lái (UAV) tối tân tại Philippines, nhấn mạnh mục tiêu xây dựng “một lá chắn răn đe thực sự” ở khu vực, theo xác nhận của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tại cuộc gặp với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. ngày 21/7.
Về phần mình, Tổng thống Marcos Jr. đã nhấn mạnh vai trò then chốt của liên minh Philippines-Mỹ trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực Biển Đông và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khẳng định liên minh giữa hai nước không chỉ góp phần bảo vệ hòa bình ở Biển Đông mà còn mở rộng tầm ảnh hưởng ra toàn bộ khu vực. (SCMP, pco.gov.ph)
* Brunei và Malaysia rà soát tiến độ phân định biên giới và các vấn đề song phương khác trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Brunei Jaya Haji Mohd Yusof tới Malaysia chiều 22/7 và gặp người đồng cấp nước chủ nhà Mohamad bin Haji Hasan. Hai bên cũng thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác kinh tế.
Chuyến thăm diễn ra nhân dịp Hội nghị lần thứ 26 về thực hiện Thư trao đổi hợp tác (EOL), do Ngoại trưởng hai nước đồng chủ trì vào ngày 23/7. Hội nghị thường niên EOL là cơ chế song phương quan trọng nhằm giải quyết các vấn đề tồn đọng và mở rộng các lĩnh vực hợp tác mới giữa Malaysia và Brunei. (Bernama)
* Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru phủ nhận thông tin từ chức, sau một cuộc gặp với các nhân vật cấp cao trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) gồm Cố vấn cấp cao Aso Taro, Phó Chủ tịch Suga Yoshihide, cựu Thủ tướng Kishida Fumio và Tổng thư ký Hiroshi Moriyama.
Phát biểu họp báo sau cuộc gặp, Thủ tướng Ishiba một lần nữa bày tỏ ý định tiếp tục tại vị và nhấn mạnh không muốn tạo ra khoảng trống chính trị để tập trung giải quyết các vấn đề chính sách cấp bách, trong đó có thỏa thuận thuế quan với Mỹ. (NHK)
* Ngoại trưởng Lào Thongsavanh Phomvihane sẽ thăm chính thức Vương quốc Campuchia từ ngày 24-25/7, theo lời mời của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn.
Chuyến thăm tái khẳng định cam kết chung nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa nhân dân hai nước. (AKP)
* Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm chính thức Vương quốc Anh từ ngày 23-24/7. Hai bên sẽ rà soát quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (CSP) cũng như trao đổi quan điểm về các vấn đề quan trọng trong khu vực và toàn cầu.
Sau Anh, Thủ tướng Modi sẽ thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Maldives từ ngày 25-26/7 theo lời mời của Tổng thống Mohamed Muizzu. (The Times of India)
* Chính phủ New Zealand thông qua một đạo luật mới có tên Dự luật Sửa đổi Hoạt động tầm cao ngoài không gian, chính thức có hiệu lực từ 29/7, nhằm tăng cường giám sát các cơ sở hạ tầng vũ trụ trên mặt đất.
Luật quy định các trạm theo dõi vệ tinh, hệ thống đo từ xa và các cơ sở hạ tầng liên quan sẽ phải tuân thủ các yêu cầu an ninh nghiêm ngặt, gồm việc đánh giá đối tác và bảo đảm có các thỏa thuận bảo vệ phù hợp. (Reuters)
Trung Đông-châu Phi
* Israel sắp hoàn thành các mục tiêu chiến tranh, cân nhắc nối lại chiến dịch quân sự nhằm vào Iran,theo thông tin được tiết lộ từ cuộc họp cấp cao giữa Bộ trưởng Quốc phòng Israel Katz và các nhân vật then chốt trong bộ máy quân sự và an ninh Israel, bao gồm Tổng Tham mưu trưởng Eyal Zamir, Phó Tổng Tham mưu trưởng Tamir Yadai, cùng đại diện cấp cao từ Cục Tình báo Quân sự IDF, cơ quan tình báo Mossad và Cơ quan An ninh Nội địa Shin Bet.
Trong cuộc họp, Bộ trưởng Katz nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì ưu thế trên không của Israel, đồng thời kêu gọi xây dựng kế hoạch ngăn chặn toàn diện, nhằm ngăn Iran phục hồi các chương trình hạt nhân và tên lửa.
Tuyên bố Israel “đang ở thời điểm gần nhất để đạt được các mục tiêu của chiến tranh”, hiện còn hai mặt trận đang mở tại Dải Gaza và Yemen, ông lưu ý cần tiếp tục hành động để “giải quyết hoàn toàn” hai mặt trận này. (Times of Israel)
* Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff đến Trung Đông nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Israel và Hamas về thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza và việc thả con tin, theo lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce ngày 22/7.
Bà Bruce cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio chỉ thông báo rằng ông Witkoff sẽ đến “khu vực gần Gaza”. (Axios)
* Liên minh châu Phi (AU) công bố lộ trình đầy tham vọng có tên khuôn khổ Tầm nhìn, kế hoạch và chính sách công nghệ giáo dục châu Phi 2030 (Africa EdTech 2030)nhằm thúc đẩy học tập kỹ thuật số trên toàn châu lục, đổi mới địa phương và tăng trưởng toàn diện vào năm 2030.
Africa EdTech 2030 nhằm vượt qua những trở ngại về cơ sở hạ tầng giáo dục truyền thống, khai thác các công cụ kỹ thuật số để đưa tài liệu hướng dẫn đến cho trẻ em và thanh thiếu niên thiệt thòi, mở rộng khả năng tiếp cận kỹ thuật số thông qua các thiết bị giá rẻ, giải pháp năng lượng Mặt trời, công nghệ ngoại tuyến đầu tiên, nâng cao kỹ năng cho giáo viên, nghiên cứu và quyền riêng tư dữ liệu. (THX)
Châu Mỹ
* Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sớm thăm Trung Quốc để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. Phát biểu với báo giới, Tổng thống Trump nói: “Chủ tịch Tập đã mời tôi tới Trung Quốc và có thể chúng tôi sẽ thực hiện chuyến đi đó trong tương lai không xa”.
Các trợ lý của Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã thảo luận về khả năng tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo trong chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ vào cuối năm nay. (CNBC)
* Mỹ tịch thu gần 2 triệu USD tiền kỹ thuật số được sử dụng để hỗ trợ tài chính cho Hamas, theo tuyên bố của Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) ngày 22/7.
Số tiền mặt được giữ trong các tài khoản của Tether Limited và Binance Holdings LTD, có liên quan đến Buy Cash Money and Money Transfer Company – một công ty chuyển tiền có trụ sở tại Gaza. (The Jerusalem Post)
* Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố một thỏa thuận thương mại với Nhật Bản, theo đó Tokyo sẽ đầu tư 550 tỷ USD vào Mỹ trong khi Washington áp dụng mức thuế đối ứng 15%.
Trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump cho biết, Nhật Bản sẽ mở cửa thị trường thương mại, bao gồm các mặt hàng như ô tô, xe tải, gạo và một số sản phẩm nông nghiệp. (CBS)
* Mỹ đạt thảo thuận thương mại thuế quan với Philippines sau cuộc hội đàm giữa tổng thống hai nước, theo đó, Washington giảm thuế suất đối với hàng xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á này từ 20% xuống còn 19%. Đổi lại, "Philippines sẽ mở thị trường với Mỹ và áp thuế bằng 0%" và hai bên sẽ hợp tác về quân sự. (CNBC)