Tin theo quảng cáo mỹ miều 'Dùng viên giải rượu là yên tâm uống rượu suốt dịp Tết': Chuyên gia cảnh báo sự thật quý ông phải đối mặt
Nhiều quý ông cho rằng uống viên giải rượu có thể chống say rượu, cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh sau mỗi cuộc vui là nhận định vô cùng sai lầm.
Quảng cáo hoa mỹ từ viên giải rượu làm nhiều quý ông hoa mắt, chỉ muốn thủ sẵn để dùng cả Tết
Vào những dịp lễ Tết, nhất là Tết Nguyên Đán được nghỉ dài ngày, tiệc tùng liên miên, văn hóa uống rượu là chuyện không thể thiếu. Đặc biệt là ở Việt Nam, đôi ba lời chúc là cũng đi liền đến cả chục chén rượu, một vài lon bia. Làm thế nào để vừa có thể uống rượu no say vừa giữ vững phong độ trên bàn tiệc? Nhiều quý ông đã tích trữ sẵn cho mình những viên giải rượu.
Viên giải rượu bia được quảng cáo trên thị trường hiện nay không phải là thần dược như nhiều người nghĩ.
Trên mạng xã hội cũng như nhiều cửa hàng trực tuyến hiện nay rao bán vô vàn viên giải rượu các loại. Nào là thuốc giải rượu Nhật Bản, viên giải rượu hàng nhập từ Mỹ, Anh... Quảng cáo về những loại viên giải rượu thì vô cùng mĩ miều, như: chỉ cần uống một viên là nhậu la đà từ đêm đến sáng, uống rượu bia không biết say, không bao giờ bị nôn... Tất cả những quảng cáo ấy đưa viên giải rượu lên một tầm cao mới, trở thành mặt hàng khiến các quý ông vô cùng thích thú.
Nhất là từ ngày Luật phòng chống tác hại của rượu bia và nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, số tiền xử phạt vi phạm tăng so với nghị định 46/2016/NĐ-CP, viên giải rượu càng khiến quý ông mờ mắt.
Nhiều người không tiếc tiền, từ việc mua những sản phẩm được rao bán đầy mật ngọt trên mạng xã hội lẫn những mặt hàng xách tay có giá không hề rẻ. Đây là cách để họ đối phó với việc không bị mất tiền vì tin rằng có thể giải rượu bia nhanh chóng và nhậu hoài không say. Vào những ngày Tết cổ truyền, nhu cầu này càng cao hơn.
Vậy, viên giải rượu thực chất có công dụng tuyệt vời đến đâu?
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), rượu là một dung dịch được cấu thành từ 2 thành phần chính: nước và ethanol, trong đó ethanol chiếm từ 1 – 50%.
Tùy từng nhà sản xuất, bên cạnh 2 thành phần chính trên, rượu sẽ được bổ sung một lượng nhỏ chất riêng biệt để mang màu sắc và hương vị đặc thù. Khi đi vào cơ thể, rượu có tốc độ hấp thu nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào dạ dày người uống no hay đói, nếu đói thì tốc độ hấp thu của rượu nhanh hơn, khiến người ta mau say và ngược lại.
Nhiều quý ông tìm đến viên giải rượu vào dịp Tết như một giải pháp kéo dài cuộc vui trên bàn tiệc. Tuy nhiên, chuyên gia khẳng định: "Viên giải rượu bia được quảng cáo trên thị trường hiện nay không phải là thần dược như nhiều người nghĩ. Đây chỉ là dạng thực phẩm chức năng hỗ trợ đào thải rượu chứ cũng không hẳn là thuốc chữa bệnh".
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, thành phần chủ yếu của những sản phẩm giải rượu này là đường, vitamin B1, B6, PP, acid glutamic, acid fumaric, acid succinic và cácenzyme. Nó có tác dụng tạm thời, hạn chế chuyển hóa nhanh rượu thành những chất không gây độc như CO2 và nước.
Nhiều quý ông tìm đến viên giải rượu vào dịp Tết như một giải pháp kéo dài cuộc vui trên bàn tiệc.
"Trong trường hợp người uống quá nhiều rượu, những loại thuốc giải rượu này sẽ không thể hóa giải hết lượng rượu, lượng cồn trong rượu nên người uống vẫn say xỉn và ngộ độc rượu như thường", chuyên gia khẳng định.
Do đó, đừng lạm dụng viên giải rượu để giữ vững phong độ trên bàn tiệc. "Hiện nay chưa có một loại sản phẩm nào được khoa học công nhận giúp chống say rượu hay giải rượu nhanh. Trên thế giới cũng chưa có một công trình nghiên cứu nào khẳng định có thuốc giải được rượu, chống say rượu", ông Thịnh chia sẻ thêm.
Việc tùy tiện sử dụng viên giải rượu có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, có thể dẫn đến nguy cơ mất mạng vì tác dụng giả tạo của nó. Uống rượu song hành với việc bổ sung viên giải rượu, người dùng sẽ nhanh chóng bị sa sút về nhận thức, có thể xuất hiện những rối loạn trong hành vi, làm tăng gánh nặng cho não bộ...
Loại thuốc giải rượu tốt nhất chính là uống ít rượu nhất có thể.
Chuyên gia khuyên, ngày Tết uống rượu tuyệt đối không sử dụng viên giải rượu vì nó không có tác dụng giải rượu mà còn gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người uống. Để chống say rượu bia dịp Tết, tốt nhất không được quá chén. Tuyệt đối không uống khi đói. Nên uống trước bột sắn dây hoặc sữa để bảo vệ niêm mạc dạ dày để giúp hạn chế hấp thu rượu bia.
Trong trường hợp say rượu thì nên uống trà xanh, nước đậu xanh, atisô, nhân trần… nhằm cung cấp lượng nước lớn cho cơ thể, giúp quá trình đào thải rượu nhanh chóng. "Loại thuốc giải rượu tốt nhất chính là uống ít rượu nhất có thể. Đó mới là điều mọi người cần ghi nhớ để uống rượu bia vẫn khỏe mạnh, phong độ suốt kỳ nghỉ Tết dài", chuyên gia nhắn nhủ.
Theo Nhịp Sống Việt