Tin Thị trường: Châu Âu cần tiếp tục cắt giảm nhu cầu khí đốt
Châu Âu cần tiếp tục cắt giảm nhu cầu khí đốt để tránh thiếu hụt; Các ngân hàng Mỹ chịu áp lực cắt giảm tài trợ vốn cho nhiên liệu hóa thạch...
Châu Âu cần tiếp tục cắt giảm nhu cầu khí đốt
Châu Âu đã cố gắng giảm tiêu thụ khí đốt tự nhiên nhiều hơn so với mục tiêu đặt ra vào mùa hè năm ngoái, song lục địa này có thể phải cắt giảm nhu cầu nhiều hơn nữa trong năm nay và những năm tới để bù đắp cho tình trạng thiếu nguồn cung khí đốt qua đường ống của Nga, tránh sự thiếu hụt và cân bằng thị trường khí đốt.
Nhằm đối phó với thực trạng nguồn cung thấp từ Nga, trong khi nhiều nước EU không nhận được khí đốt từ xứ sở Bạch Dương, châu Âu đã bù đắp cho sự sụt giảm vào năm 2022 bằng cách giảm 57 bcm mức tiêu thụ, McKinsey & Company cho biết trong một phân tích.
Các nhà phân tích của McKinsey cho rằng với việc giảm nhu cầu hơn nữa và các nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên mới, châu Âu có thể duy trì sự cân bằng trong vài năm tới.
McKinsey cho hay: "Nhiều nguyên nhân có thể tạo ra một kịch bản nguồn cung thấp và châu Âu sẽ cần giảm mức tiêu thụ từ mức năm 2022 thêm 55 bcm vào năm 2023 để ổn định thị trường".
Các nguyên nhân có thể dẫn đến nguồn cung ở châu Âu thấp hơn bao gồm nhu cầu LNG của châu Á tăng đột biến, ngừng hoàn toàn lượng khí đốt ít ỏi của Nga vốn vẫn chảy sang châu Âu qua đường ống, và mùa đông bình thường so với một mùa đông ấm áp hơn của năm 2022 - 2023.
Các ngân hàng Mỹ chịu áp lực cắt giảm tài trợ vốn cho nhiên liệu hóa thạch
Các cổ đông của Citigroup, Bank of America và Wells Fargo mới đây đã tiến hành bỏ phiếu về các nghị quyết không ràng buộc do các nhóm môi trường và nhà đầu tư ESG đề xuất để giảm bớt hoặc loại bỏ dần tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch.
Tại các cuộc họp cổ đông của một số ngân hàng lớn nhất nước Mỹ diễn ra năm ngoái, các nghị quyết tương tự đã giành được không quá 13% sự ủng hộ, Reuters lưu ý.
Đầu năm nay, As You Sow, Harrington Investments, The Sierra Club Foundation (SCF) và Trillium Asset Management đã đệ trình hai đề xuất cổ đông tại 6 trong số các ngân hàng hàng đầu của Mỹ nhằm hướng họ tới các chính sách thân thiện với khí hậu hơn, phù hợp hơn với cam kết về mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Khoản tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch từ 60 ngân hàng lớn nhất thế giới đạt 673 tỷ USD vào năm 2022. Các ngân hàng này đã tài trợ 5,5 nghìn tỷ USD cho các dự án nhiên liệu hóa thạch trong 7 năm kể từ khi Thỏa thuận Paris được thông qua, theo báo cáo ngân hàng hàng năm về sự hỗn loạn khí hậu do các nhóm môi trường công bố đầu tháng này.
Nhìn chung, các ngân hàng Mỹ chiếm ưu thế trong việc tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch, chiếm 28% tổng số khoản tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch vào năm 2022. JPMorgan vẫn là nhà tài trợ lớn nhất thế giới cho nhiên liệu hóa thạch kể từ Thỏa thuận Paris, trong khi Citi, Wells Fargo và Bank of America nằm trong số 5 nhà tài trợ hàng đầu cho nhiên liệu hóa thạch kể từ năm 2016.
Dầu Nga vẫn chảy mạnh tới châu Á
Nikkei Asia dẫn phân tích dữ liệu vận chuyển trong tháng 3/2023 cho thấy, nguồn cung cấp dầu của Nga hiện chiếm tới 30% tổng lượng dầu nhập khẩu vào Ấn Độ, nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ ba thế giới.
Theo đó, quốc gia Nam Á đã mua hơn 6 triệu tấn dầu thô từ Moscow vào tháng 3. Con số này phản ánh lượng dầu thô, dầu nhiên liệu và các sản phẩm tinh chế được theo dõi qua các tàu chở dầu từ các cảng của Nga đến Ấn Độ vào cuối tháng 3.
Mức độ phụ thuộc 30% vào dầu mỏ của Nga theo báo cáo dự kiến sẽ tăng lên 50% trong tháng 4 này, đánh dấu mức cao mới trong quan hệ thương mại giữa New Delhi và Moscow.
Trong khi đó, Trung Quốc đã mua hơn 4,7 triệu tấn dầu mỏ của Nga trong tháng 3, chỉ đứng sau Ấn Độ. Sự phụ thuộc vào dầu Nga của Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, đạt 10%.
Giá dầu Trung Quốc nhập khẩu từ Nga hiện đang dao động quanh ngưỡng 62 USD/thùng, thấp hơn tới 30% so với giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế.