Tin Thị trường: Doanh thu xuất khẩu dầu của Nga sẽ tăng trong năm nay
Doanh thu xuất khẩu dầu của Nga sẽ tăng trong năm nay bất chấp cơ chế trần giá; Chính phủ Pháp sẽ yêu cầu ngành nhiên liệu bán theo giá gốc...
Doanh thu xuất khẩu dầu của Nga sẽ tăng trong năm nay
Nga dự kiến sẽ tạo ra doanh thu cao hơn từ xuất khẩu dầu trong năm nay bất chấp mức giá trần do G7 và EU áp đặt lên nước này, liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Phân tích dữ liệu vận chuyển được trích dẫn bởi Financial Times cho thấy Nga hiện đang vận chuyển 3/4 lượng dầu ra nước ngoài mà không có bảo hiểm phương Tây - một trong những công cụ mà G7 và EU sử dụng để thực thi mức trần 60 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu ngày càng tăng và dầu thô Nga cũng không ngoại lệ. Dầu thô Urals đang giao dịch ở mức gần 79 USD/thùng và ESPO, loại dầu pha trộn ở Viễn Đông, đang giao dịch ở mức trên 88 USD/thùng.
FT trích dẫn dữ liệu của Kpler cho biết, Nga đã vận chuyển một nửa lượng dầu xuất khẩu của mình mà không có bảo hiểm phương Tây, điều này cho thấy "Moscow đang trở nên thành thạo hơn trong việc phá vỡ giới hạn".
Những tiết lộ này được đưa ra trong bối cảnh Bộ Tài chính Mỹ liên tục đảm bảo rằng mức giá trần đang hoạt động hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cho biết hồi tháng 6: "Chỉ trong sáu tháng, mức trần giá đã góp phần khiến doanh thu của Nga sụt giảm đáng kể".
Tháng 8 vừa qua, quyền Trợ lý Bộ trưởng Chính sách Kinh tế Eric Van Nostrand cũng nói rằng ông tin tưởng mức trần giá đang đạt được hai mục tiêu là hạn chế doanh thu của Nga đồng thời giúp ổn định thị trường năng lượng.
Tuy nhiên, Trường Kinh tế Kyiv đã ước tính rằng Nga sẽ ghi nhận doanh thu từ xuất khẩu dầu tăng thêm 15 tỷ USD trong năm nay nhờ việc lách giới hạn giá của G7 và EU.
Chính phủ Pháp sẽ yêu cầu ngành nhiên liệu bán theo giá gốc
Tổng thống Emmanuel Macron cho biết vào cuối tuần này rằng Chính phủ Pháp sẽ yêu cầu ngành nhiên liệu bán các sản phẩm của mình theo giá gốc nhằm giảm bớt tác động của giá dầu cao hơn đối với người tiêu dùng cuối cùng.
Ông Macron nói với truyền thông Pháp: "Thủ tướng sẽ tập hợp tất cả các công ty trong lĩnh vực này trong tuần này và chúng tôi sẽ yêu cầu họ bán với giá gốc".
Để hạn chế tác động đến những người lao động nghèo phải lái xe đi làm, ông Macron cho biết chính phủ sẽ cấp cho họ khoản hỗ trợ hàng năm. Tổng thống Pháp tiếp tục lập luận rằng việc đóng băng giá ở mức hiện tại không hiệu quả bằng việc bán theo giá gốc.
Hãng Reuters lưu ý trong báo cáo của mình rằng cũng đã có những ý tưởng buộc các nhà tiếp thị nhiên liệu phải điều chỉnh giá, điều mà ngành này đã thẳng thừng bác bỏ. Dù vậy, Bloomberg cho rằng Macron đã để ngỏ khả năng buộc họ phải bán lỗ, trong khi Thủ tướng Elisabeth Borne sẽ thảo luận về ý tưởng khác.
Đề xuất bán lỗ sẽ chỉ mang tính tạm thời, kéo dài trong 60 ngày. Tuy nhiên, ý tưởng này không nhận được sự tán thành khi các nhà bán lẻ nhiên liệu nhỏ phản đối nó, cho rằng họ sẽ không thể cạnh tranh với các nhà tiếp thị nhiên liệu lớn hơn, mặc dù Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire đã hứa hỗ trợ từ kho bạc của nhà nước. Bên cạnh đó, các nhà bình luận lưu ý, nếu các nhà bán lẻ xăng dầu buộc phải bán lỗ thì họ sẽ bù đắp bằng cách tăng giá các mặt hàng khác.
Năm ngoái, chính phủ Pháp đã giải quyết vấn đề nhạy cảm về giá nhiên liệu bằng cách trợ cấp rất nhiều. Năm nay, ông Macron thừa nhận không có tiền cho việc đó. Ông cũng cho biết chính phủ không đủ khả năng chi trả cho việc cắt giảm thuế nhiên liệu để giảm bớt cú sốc giá tăng vì chính phủ cần tiền để tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng và phúc lợi.
Mỏ khí Groningen của Hà Lan ngừng khai thác hoàn toàn vào đầu tháng 10
Mỏ khí đốt Groningen khổng lồ của Hà Lan sẽ đóng cửa hoàn toàn vào ngày 1/10 tới, cuộc họp hồi cuối tuần vừa qua của các Bộ trưởng đã đưa ra quyết định cuối cùng về số phận của mỏ khí này.
Hội đồng cũng quyết định rằng tất cả các địa điểm khai thác ở Groningen sẽ bị phá bỏ vào tháng 10/2024, nhằm đảm bảo việc các mỏ sẽ không thể khởi động lại sau ngày đó.
Ngày 22/9 là thời điểm cuối cùng để các quan chức chính phủ nêu lên quan ngại về dự thảo quyết định dừng toàn bộ hoạt động khai thác khí đốt từ mỏ Groningen.
Trên thực tế, cho đến ngày phá dỡ chính thức, mỏ Groningen vẫn sẽ hoạt động trong trường hợp có nhu cầu cấp thiết. Hội đồng lưu ý rằng: "Chỉ trong những tình huống đặc biệt, chẳng hạn như thời tiết quá lạnh, người ta mới có thể khai thác khí đốt tạm thời và ở một mức độ hạn chế trong mùa đông sắp tới", đồng thời cho biết thêm rằng chỉ trong những trường hợp này mới có thể tạm thời khởi động một hoặc nhiều địa điểm khai thác.
Cách đây vài năm, Hà Lan đã đồng ý ngừng khai thác khí đốt tại Groningen do các trận động đất được cho là có liên quan đến hoạt động khai thác khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, giá khí đốt tăng cao trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng trong hai mùa đông vừa qua đã làm nảy sinh đồn đoán rằng tỉnh có thể duy trì hoạt động của các mỏ này thêm một thời gian nữa. Hiện nay, luật yêu cầu các mỏ khí phải bị phá bỏ kể từ tháng 10 tới.
Tỉnh này đã chứng kiến hơn một nghìn trận động đất trong vài thập kỷ qua, trong khi chính phủ đã thu về số tiền tương đương 360 tỷ euro hiện nay từ việc bán khí đốt. 66 tỷ euro khác đến từ các công ty dầu khí Shell và Exxon. Shell và Exxon đã được thông báo vào năm 2013 rằng họ phải bắt đầu giảm sản lượng và chuẩn bị đóng cửa hoàn toàn mỏ này.