Tin Thị trường: Giá dầu thế giới bật tăng sau 2 tuần giảm liên tiếp

Giá dầu thô bật tăng sau hai tuần giảm liên tiếp; Giá khí tự nhiên tăng vọt gần 9%...

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Giá dầu thế giới bật tăng mạnh

Tính đến đầu giờ chiều nay 3/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 73,94 USD/thùng - tăng 1,94%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 76,41 USD/thùng - tăng 0,98%.

Sau 2 tuần giảm liên tiếp, giá dầu có thể tìm được động lực tăng giá trong tháng 2 này, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh áp thuế toàn diện đối với hàng hóa từ 3 nước Canada, Mexico, Trung Quốc từ ngày 1/2.

Các nhà phân tích nhận định, việc Mỹ áp thuế 25% đối với hàng xuất khẩu từ Canada và Mexico, 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về gián đoạn nguồn cung dầu thô từ hai nhà cung cấp lớn cho Mỹ, dẫn đến việc giá dầu tăng tương đối mạnh.

Việc giá dầu thô tăng có thể làm tăng chi phí cho các nhà máy lọc dầu của Mỹ, đặc biệt là đối với loại dầu thô nặng hơn, giảm lợi nhuận và có thể dẫn đến việc cắt giảm sản xuất. Điều này càng làm gia tăng lo ngại về nguồn cung dầu, góp phần đẩy giá lên cao hơn.

Tuy nhiên, triển vọng về nhu cầu nhiên liệu giảm đã hạn chế mức tăng của giá dầu. Các nhà phân tích cho rằng, mặc dù các yếu tố địa chính trị đang đẩy giá dầu lên nhưng nhu cầu yếu và nguồn cung tăng có thể kìm hãm đà tăng này trong tương lai.

Giá khí tự nhiên tăng vọt

Giá khí tự nhiên hôm nay 3/2, ghi nhận mức tăng 8, 94% tương đương 3.316 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí giao tháng 2/2025.

Theo Reuters, giá khí đốt ở Châu Âu đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2023, do gián đoạn nguồn cung sau khi Ukraine từ chối gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt với Nga. Ngoài ra, dự báo thời tiết lạnh hơn đã làm trầm trọng thêm mối lo ngại đối với thị trường năng lượng vốn đã eo hẹp.

Trước đó, Kiev đã quyết định chấm dứt hợp đồng vận chuyển khí đốt kéo dài 5 năm với gã khổng lồ năng lượng Nga Gazprom, cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống của Nga tới Hungary, Romania, Ba Lan, Slovakia, Áo, Ý và Moldova.

Các dữ liệu cho thấy, mức dự trữ khí đốt của EU đã giảm xuống còn khoảng 55%, thấp hơn đáng kể so với mức 72% được ghi nhận cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn mức trung bình 5 năm là 62%.

EU đã phải đối mặt với tình trạng sụt giảm mạnh lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga, vốn trước đây chiếm 40% tổng nguồn cung của khối, do các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraine và vụ phá hoại đường ống Nord Stream năm 2022.

Các quan chức EU hiện đang thảo luận về khả năng nối lại hoạt động nhập khẩu khí đốt của Nga như một phần của thỏa thuận tiềm năng nhằm giải quyết xung đột tại Ukraine, theo Financial Times.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, một động thái như vậy có thể làm suy yếu những nỗ lực đang diễn ra nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp của Nga.

Ý bắt đầu nạp khí đốt trong tháng 2

Ý, nền kinh tế lớn thứ ba của EU và là quốc gia nắm giữ không gian lưu trữ khí đốt tự nhiên lớn thứ hai trong khối, có kế hoạch bắt đầu nạp lại khí tại các địa điểm của mình sớm nhất là vào tháng 2, để tránh giá tăng đột biến vào cuối năm, Bộ trưởng An ninh Năng lượng Ý, Gilberto Pichetto Fratin, mới đây cho biết.

Nhiều quốc gia và công ty thường mua khí đốt để nạp vào kho lưu trữ trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 10, được gọi là mùa bơm khí, khi nhu cầu khí đốt của hộ gia đình thấp hơn sau khi mùa đông ở bán cầu Bắc kết thúc.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, Ý muốn tránh giá tăng đột biến, điều này có thể xảy ra vào mùa hè vì Châu Âu đang sử dụng kho lưu trữ khí đốt với tốc độ nhanh nhất trong nhiều năm.

Giá tại trung tâm giao dịch TTF của Hà Lan, chuẩn mực cho giao dịch khí đốt Châu Âu, đã đạt mức giá như hồi tháng 10 năm 2023 vào đầu tuần này, trong bối cảnh Ukraine dừng trung chuyển khí đốt của Nga và nhiệt độ dưới 0 độ C ở nhiều nền kinh tế tiêu thụ khí đốt lớn nhất ở Tây Bắc Âu đang làm cạn kiệt mức dự trữ với tốc độ nhanh nhất trong tám năm.

Bộ trưởng Pichetto cũng thúc giục EU một lần nữa gia hạn mức trần giá khí đốt tự nhiên nhưng đặt mức trần ở mức thấp hơn nhiều để tránh những cú sốc mới về hóa đơn năng lượng.

Mức trần giá khí đốt, được biết đến là "cơ chế điều chỉnh thị trường", sẽ được kích hoạt nếu giá TTF trước 1 tháng trên 185 USD (180 euro) cho mỗi MWh trong ba ngày làm việc.

Theo Bộ trưởng Ý, mức trần giá khí đốt tự nhiên cần được hạ xuống còn 51-62 USD (50-60 euro) cho mỗi MWh.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/tin-thi-truong-gia-dau-the-gioi-bat-tang-sau-2-tuan-giam-lien-tiep-723742.html