Tin thị trường: Khảo sát mới nhất của Reuters cho thấy giá dầu Brent bình quân năm 2021 dự kiến giảm

Tại kỳ họp định kỳ ngày 01/09, OPEC+ quyết định giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng +400.000 bpd trong tháng 10.

Trước đó, Ủy ban Kỹ thuật (JTC) nhận định thị trường dầu thế giới thiếu hụt khoảng 900.000 bpd trong năm 2021 (nhu cầu phục hồi 5,95 triệu bpd so với năm 2020), tuy nhiên, tình hình sẽ đảo ngược trong năm 2022. Dư thừa nguồn cung năm 2022 ở mức 1,6 triệu bpd trong khi nhu cầu tiêu thụ được dự báo tiếp tục tăng 4,2 triệu bpd. Kỳ họp tiếp theo dự kiến được tổ chức ngày 04/10. LB Nga được phép tăng sản lượng 100.000 bpd trong tháng 9 và tháng 10 tới, cả năm 2021 dự kiến khai thác 506 triệu tấn, xấp xỉ sản lượng 2020.

Khảo sát Reuters mới nhất cho thấy, giá dầu Brent bình quân năm 2021 dự kiến ở mức 68,02 USD/thùng, giảm 0,74 USD/thùng so với kết quả tháng 7. Đây là lần điều chỉnh giảm nhận định đầu tiên kể từ tháng 11/2020.

Theo ước tính của Reuters, sản lượng khai thác dầu thô khối OPEC trong tháng 8 tăng 210.000 bpd lên 26,93 triệu bpd, trong đó, KSA tăng 180.000 bpd, Iraq - 70.000 bpd, Angola - 50.000 bpd, UAE – 40.000, ở chiều ngược lại, Nigeria giảm -100.000 bpd, Libya -30.000 bpd. Tỷ lệ tuân thủ hạn ngạch cắt giảm OPEC+ của khối đạt 115%. Tính chung kể từ thời điểm đáy khủng hoảng (tháng 6/2020) đến nay, khối OPEC đã tăng sản lượng khai thác 5 triệu bpd từ 22,5 lên 27 triệu bpd, giá dầu thế giới phục hồi từ 20 USD/thùng lên 70 USD/thùng.

Thị trường vận chuyển dầu thô biển năm 2021 dự báo tiếp tục suy giảm so với năm 2020, khi khối lượng thương mại dầu thô đường biển chỉ đạt 2,032 tỷ tấn, giảm 6,2% so với năm 2019. Kết quả 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy, tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn, khối lượng vận chuyển dầu thô đường biển toàn cầu giảm 8,9% xuống còn 964,8 triệu tấn. Đáng chú ý, thị phần của LB Nga bị sụt giảm nhiều nhất, nếu năm 2019 nước này xuất khẩu được 225,1 triệu tấn dầu thô đường biển, thì năm 2020 chỉ xuất được 191 triệu tấn (-15,1%). Trong khi đó, KSA nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, chiếm 10,7% thị trường chỉ giảm -3,2% xuống 217 triệu tấn. Nguyên nhân chính là do cơ cấu khách hàng, KSA tập trung xuất khẩu tới 80% sang thị trường châu Á, châu Âu khoảng 6-7%, LB Nga tập trung 61% vào thị trường châu Âu, nơi nhu cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh năm ngoái, châu Á chỉ chiếm 30%.

Viễn Đông

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/tin-thi-truong-khao-sat-moi-nhat-cua-reuters-cho-thay-gia-dau-brent-binh-quan-nam-2021-du-kien-giam-624465.html