Tin Thị trường: Lợi nhuận của 'ông lớn' Aramco giảm mạnh trong năm 2023
Lợi nhuận ròng của ông lớn năng lượng Saudi Aramco giảm mạnh trong năm 2023; Nhật Bản tăng cường phụ thuộc vào nguồn cung LNG từ các đồng minh Australia, Mỹ...
Chìa khóa cho tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu
Bất chấp sự gia tăng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm 2024, vẫn còn quá sớm để nhận định việc mua của nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới sẽ tác động như thế nào đến nhu cầu và giá dầu toàn cầu trong năm nay.
Một điều chắc chắn là tác động, theo cả hai hướng, sẽ được cảm nhận trên toàn thị trường. Theo dữ liệu chính thức của Trung Quốc công bố trong tuần này, nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng trong tháng 1 và tháng 2 năm nay so với hai tháng cùng kỳ năm ngoái. Nhưng cơ sở để so sánh với đầu năm 2023 là thấp và xu hướng so với tháng 12 năm 2023 là nhập khẩu thấp hơn.
Thời gian sẽ cho biết bao lâu nữa nhập khẩu của Trung Quốc sẽ đảo ngược xu hướng này và liệu giá dầu thô quốc tế cũng như hạn ngạch nhập khẩu dầu thô và hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu của Trung Quốc có ảnh hưởng nhiều hơn đến hoạt động mua hàng của các nhà máy lọc dầu so với nhu cầu dầu cơ bản trong nước ở Trung Quốc hay không.
Vào đầu năm 2024, nhập khẩu dầu thô có nhiều xu hướng khác nhau. Dữ liệu của chính phủ Trung Quốc mới đây cho thấy nhập khẩu dầu thô của nước này đã tăng 5,1% trong tháng 1 và tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái, do nhu cầu nhiên liệu tăng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng trước.
Theo tính toán của Reuters, Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã chứng kiến lượng dầu tăng lên tổng cộng 10,74 triệu thùng/ngày trong hai tháng đầu năm 2024, so với khoảng 10,4 triệu thùng/ngày trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 2 năm 2023, dựa trên dữ liệu tính bằng tấn được báo cáo hôm nay bởi Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Do giá gần đây đã tăng trở lại trên 80 USD/thùng và OPEC+ báo hiệu việc gia hạn cắt giảm sẽ tìm cách thắt chặt thị trường trong Quý II, nên nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 4 và tháng 5 có thể vẫn ở mức thấp.
Lợi nhuận của Saudi Aramco giảm mạnh trong năm 2023
Ông lớn dầu khí Ả Rập Xê-út - Saudi Aramco vừa thông báo lợi nhuận năm 2023 của tập đoàn này giảm tới 24,7% so với năm trước đó, do cả giá và sản lượng đều giảm.
Theo báo cáo hoạt động năm 2023 được Saudi Aramco nộp lên thị trường chứng khoán Ả Rập Xê-út, tổng doanh thu ròng của tập đoàn trong năm ngoái chỉ đạt 454,7 tỷ riyal (121,25 tỷ USD), giảm mạnh so với mức 604,01 tỷ riyal (161,07 tỷ USD) của năm 2022. Nguyên nhân là do giá dầu thô giảm mạnh, sản lượng bán ra thấp hơn, trong khi biên độ lợi nhuận các sản phẩm lọc và hóa dầu cũng suy yếu.
Mặc dù vậy, theo Giám đốc điều hành Saudi Aramco, Amin H. Nasser, doanh thu ròng năm 2023 vẫn ở mức cao thứ 2 trong lịch sử doanh thu của tập đoàn. Ngoài ra, Aramco vẫn đang có nguồn tiền mặt ổn định và lợi nhuận ở mức cao, dù bối cảnh kinh tế chung không thực sự thuận lợi.
Việc giá dầu giảm xuống 85 USD/thùng khiến lợi nhuận 3 quý đầu năm 2023 giảm lần lượt 19,25%, 38% và 23% so với cùng kỳ năm trước. Năm nay, với việc giá dầu được dự báo tăng lên 88 USD/thùng hoặc thậm chí 90 USD/thùng vào thời điểm cuối năm, doanh thu của tập đoàn sẽ được cải thiện rõ rệt.
Trước đó, Saudi Aramco ghi nhận mức lợi nhuận cao kỷ lục trong năm 2022, giúp Ả Rập Xê-út - với nguồn thu ngân sách chủ yếu từ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ - lần đầu đạt thặng dư ngân sách sau 10 năm.
Đầu tháng này, quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới thông báo cắt giảm tự nguyện 1 triệu thùng dầu xuất khẩu/ngày đến hết tháng 6. Giới chuyên gia nhận định rằng, vì Ả Rập Xê-út là thành viên khai thác lớn nhất trong khối OPEC và OPEC+ nên phải chịu áp lực lớn nhất trong việc cắt giảm sản lượng.
Nhật Bản tăng phụ thuộc vào nguồn cung LNG từ các đồng minh
Nhật Bản, quốc gia khan hiếm tài nguyên, đang tăng cường tìm kiếm nguồn cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng dài hạn từ các đồng minh thân cận Australia và Mỹ khi các hợp đồng quan trọng từ các nhà cung cấp trong đó có Nga sắp hết hạn vào đầu những năm 2030.
Nhà sản xuất điện lớn nhất Nhật Bản JERA vào tháng trước đã đồng ý mua 15,1% cổ phần của Woodside Energy - một khởi đầu cho dự án Scarborough ở Australia. Đây là thỏa thuận mới nhất trong một loạt thỏa thuận, trong bối cảnh hậu quả từ cuộc xung đột Nga - Ukraine có nguy cơ làm gián đoạn việc tiếp cận khí đốt từ nước láng giềng phía bắc, khiến việc tìm nguồn cung cấp dài hạn đáng tin cậy trở nên cấp thiết hơn.
LNG chiếm khoảng 1/3 sản lượng điện của Nhật Bản và là nước nhập khẩu lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Điều này vẫn đóng vai trò là một phần quan trọng trong cơ cấu năng lượng của Nhật Bản mặc dù nhập khẩu đã giảm 8% trong năm ngoái xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009 do nước này đã tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và khởi động lại một số lò phản ứng hạt nhân.
Kể từ năm 2022, những người mua LNG Nhật Bản đã đạt được các thỏa thuận cổ phần trong 5 dự án ở Australia và Mỹ, bao gồm cả một lô thăm dò. Theo tính toán của Reuters, họ đã đảm bảo các hợp đồng bao tiêu 10 đến 20 năm từ các quốc gia đó với hơn 5 triệu tấn hàng năm, tương đương 8% lượng tiêu thụ năm 2023 của Nhật Bản, làm lu mờ các giao dịch ở những nơi khác trên thế giới.