Tin Thị trường: Nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc tăng mạnh
Nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc tăng mạnh; Các khách hàng không vội mua LNG giao ngay...
Nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc tăng mạnh
Trung Quốc đã nhập khẩu khối lượng dầu thô cao hơn trong tháng 9 so với cùng kỳ năm 2022, trong khi nhập khẩu các mặt hàng năng lượng khác vẫn tăng mạnh và nhập khẩu đồng chưa gia công đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay.
Nền kinh tế Trung Quốc đã cho thấy những tín hiệu phục hồi, với hoạt động của nhà máy - được đo bằng Chỉ số nhà quản lý mua hàng chính thức - mở rộng vào tháng 9 lần đầu tiên sau 6 tháng.
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc được Reuters trích dẫn, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 9 đã tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, lên 11,13 triệu thùng/ngày.
Trên thực tế, nhập khẩu trong tháng 9 thấp hơn so với khối lượng dầu thô cập cảng trong tháng 8. Theo dữ liệu Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu dầu thô tăng lên 12,43 triệu thùng/ngày trong tháng 8, cao hơn 20,9% so với tháng 7 và tăng 30,9% so với tháng 8 năm ngoái.
Nhập khẩu dầu thô tăng mạnh trong tháng 9 là do các nhà máy lọc dầu tích trữ trước kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần ở Trung Quốc từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10, trong đó hoạt động đi lại thường gia tăng và nhu cầu nhiên liệu cao.
Từ tháng 1 đến tháng 9, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đạt trung bình 11,34 triệu thùng/ngày, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2022, giai đoạn quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới vẫn đang bị phong tỏa nghiêm ngặt bởi đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, nhập khẩu khí đốt tự nhiên vào Trung Quốc đạt trên 10 triệu tấn trong tháng 9, về cơ bản không thay đổi trong năm. Nhập khẩu than của Trung Quốc giảm trong tháng 9 so với mức cao kỷ lục của tháng 8, với 42,1 triệu tấn.
Các khách hàng không vội mua LNG giao ngay
Trong bối cảnh dự trữ ở mức khá dồi dào ở thời điểm này trong năm, người mua LNG châu Á đã đứng ngoài thị trường giao ngay trong tuần trước, với hy vọng đợt tăng giá khí đốt tự nhiên sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel sẽ giảm dần.
Giá khí đốt tự nhiên ở cả châu Á và châu Âu tăng vọt vào tuần trước, sau vụ nghi ngờ phá hoại đường ống dẫn khí đốt ngoài khơi ở châu Âu và mối đe dọa gián đoạn nguồn cung từ phía đông Địa Trung Hải trong trường hợp xung đột Hamas - Israel tiếp tục leo thang.
Các khách hàng châu Á trong tuần trước không vội mua LNG giao ngay cho mùa đông với mức giá hiện đã tăng lên cao nhất trong 8 tháng, các nhà giao dịch nói với Bloomberg.
Hai tuần trước, giá LNG giao ngay tại châu Á giao tháng 11 đã giảm 10% so với tuần trước xuống 13,5 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (MMBtu) trong bối cảnh nhu cầu yếu và thời tiết ấm áp, các nguồn tin trong ngành nói với Reuters.
Tuần trước, các lô hàng LNG giao ngay được chào bán cao hơn. Với lượng dự trữ dồi dào, người mua ở châu Á đang chờ đợi khả năng giảm bớt căng thẳng ở Trung Đông.
An ninh vận chuyển khí đốt đến châu Âu cũng được chú trọng trong tuần trước, khi nghi ngờ có vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt ngoài khơi Balticconnector nối Phần Lan - Estonia.
Ngoài ra, thị trường khí đốt toàn cầu phải đối mặt với lo ngại về nguồn cung từ phía đông Địa Trung Hải vốn có thể gặp nguy hiểm sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel và khả năng căng thẳng leo thang hơn nữa ở Trung Đông.
Hợp đồng tương lai giao trước 1 tháng tại trung tâm TTF của Hà Lan, chuẩn cho giao dịch khí đốt của châu Âu, đã tăng 30% kể từ đầu tuần.
Pháp cân nhắc gia hạn thuế lợi tức phụ thu với các ông lớn dầu mỏ
Nhà chức trách Pháp đang xem xét gia hạn thuế lợi tức phụ thu đối với các gã khổng lồ dầu mỏ và năng lượng, theo nhà lập pháp Jean-Rene Cazeneuve.
Kế hoạch này do Ủy ban Tài chính của Quốc hội Pháp đưa ra, là một phần trong đề xuất sửa đổi dự luật ngân sách của Pháp cho năm 2024, sẽ giúp bù đắp chi phí cao hơn cho người tiêu dùng xăng, dầu diesel và điện của Pháp.
Dự luật ngân sách cần được Quốc hội Pháp thông qua để chính thức có hiệu lực.
Tháng 11 năm ngoái, khi kế hoạch thuế lợi tức phụ thu ban đầu đang được xây dựng, có thông tin cho rằng tập đoàn năng lượng EDF sẽ phải trả hơn 5 tỷ USD tiền thuế trong suốt năm 2023.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Hội đồng châu Âu đã đồng ý áp dụng thuế lợi tức phụ thu tạm thời đối với các công ty năng lượng có "lợi nhuận chịu thuế trung bình hàng năm tăng trên 20% kể từ năm 2018", bên cạnh bất kỳ khoản thuế nào mà các công ty này đã nộp tại từng quốc gia riêng lẻ.
ExxonMobil đã đệ đơn kiện EU về khoản thuế lợi tức phụ thu 33% áp dụng vào tháng 12 năm ngoái, tuyên bố rằng khoản thuế này có thể khiến công ty phải tiêu tốn 2 tỷ USD.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết vào tháng trước rằng thuế lợi tức phụ thu có thể giúp giảm bớt gánh nặng giá tiêu dùng tăng cao và đặt ra câu hỏi về việc các nhà máy lọc dầu mang lại lợi nhuận bao nhiêu.
Ở thời điểm này năm ngoái, Pháp đang ở giữa một cuộc khủng hoảng lọc dầu khi các công nhân nhà máy lọc dầu đình công, đòi một phần lợi nhuận lọc dầu lớn hơn từ các công ty bao gồm TotalEnergies và ExxonMobil.
Hồi tháng 6 vừa qua, TotalEnergies báo cáo lợi nhuận trung bình từ hoạt động lọc dầu giảm hơn một nửa trong quý 2 xuống còn 42,7 USD/tấn so với quý 1, và giảm 2/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Total cho biết hoạt động lọc dầu ở châu Âu đã bị ảnh hưởng bởi xuất khẩu tăng cao của Trung Quốc và khả năng của Nga trong việc tìm kiếm thị trường mới cho các sản phẩm dầu mỏ của mình.