Tin Thị trường: Trung Quốc tăng xuất khẩu nhiên liệu trong tháng tới
Trung Quốc sẽ tăng xuất khẩu nhiên liệu khi nhu cầu và lợi nhuận cao hơn; Doanh thu xuất khẩu dầu của Iraq trong tháng 8 cao kỷ lục...
Trung Quốc sẽ tăng xuất khẩu nhiên liệu
Giới phân tích cũng như các nguồn tin trong ngành cho rằng Trung Quốc dự kiến sẽ tăng xuất khẩu nhiên liệu trong tháng 10 do lợi nhuận lọc dầu và nhu cầu nhiên liệu máy bay quốc tế tăng, trong khi các nhà lọc dầu đang mong đợi một đợt hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu khác, theo Reuters.
Theo ước tính, xuất khẩu các sản phẩm dầu tinh chế của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trong tháng 10 so với tháng 9, trong đó xăng và nhiên liệu máy bay có mức tăng lớn nhất so với tháng trước đó.
Hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu đợt thứ ba cho các nhà máy lọc dầu cũng dự kiến sẽ dẫn tới xuất khẩu cao hơn trong tháng tới.
Hồi cuối tháng 8 vừa qua, Trung Quốc đã ban hành hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu lớn hơn dự kiến trong đợt phân bổ thứ ba trong năm nay khi các nhà chức trách tìm cách khuyến khích các nhà máy lọc dầu duy trì tăng trưởng kinh tế và bán sản phẩm nhiều hơn ra nước ngoài vào thời điểm nhu cầu nhiên liệu năm 2023 của Trung Quốc có thể đã đạt đỉnh.
Với những khoản phân bổ này, Trung Quốc phát tín hiệu muốn hỗ trợ hoạt động lọc dầu và bán hàng ra nước ngoài trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế trong nước có dấu hiệu chững lại, gây áp lực lên nhu cầu nhiên liệu và tăng trưởng kinh tế.
Tỷ suất lợi nhuận cao trên thị trường xuất khẩu và nhu cầu nội địa mùa hè đạt đỉnh đã thúc đẩy các nhà máy lọc dầu Trung Quốc tăng cường xử lý dầu thô lên mức cao kỷ lục 15,23 triệu thùng/ngày trong tháng 8, dữ liệu chính thức của Trung Quốc hồi đầu tháng này cho thấy.
Sun Jianan, nhà phân tích tại Energy Aspects, nói rằng các nhà máy lọc dầu kỳ vọng đợt hạn ngạch xuất khẩu thứ tư có thể sẽ được ban hành trong năm nay.
Doanh thu xuất khẩu dầu của Iraq trong tháng 8 cao kỷ lục
Dữ liệu từ Bộ Dầu mỏ Iraq được Iraq News trích dẫn, cho thấy doanh thu xuất khẩu dầu của Iraq đạt 9 tỷ USD trong tháng 8 khi giá dầu thô trung bình tăng hơn 6,5 USD/thùng trong tháng trước so với tháng 7.
Giá trung bình mỗi thùng dầu là 84,78 USD trong tháng 8, so với chỉ hơn 78 USD hồi tháng 7.
Theo thống kê của công ty Tiếp thị Dầu Nhà nước (SOMO), Iraq đã xuất khẩu tổng cộng 106,12 triệu thùng dầu trong tháng 8. Doanh thu xuất khẩu dầu trong tháng 8 đã vượt doanh thu của mỗi tháng trong những tháng trước đó vào năm nay khi doanh thu hàng tháng không vượt quá 8 tỷ USD.
Giá dầu thô quốc tế tăng trong tháng 8 khi các dấu hiệu bắt đầu xuất hiện cho thấy thị trường toàn cầu đang thắt chặt trong bối cảnh cắt giảm sản lượng của OPEC+ và những tín hiệu từ nền kinh tế Mỹ. Thị trường thắt chặt hơn và nhu cầu nhiên liệu cao điểm vào mùa hè đã đẩy giá dầu lên mức cao nhất trong 10 tháng vào đầu tháng 9, khi giá dầu thô Brent vượt trên 95 USD/thùng và giá dầu thô Mỹ WTI vượt 90 USD/thùng.
Iraq, nước khai thác lớn thứ hai của OPEC, hiện chỉ xuất khẩu dầu thông qua các kho cảng xuất khẩu dầu phía Nam. Khoảng 450.000 thùng dầu mỗi ngày được xuất khẩu từ các mỏ phía Bắc và từ khu vực bán tự trị của người Kurd tiếp tục bị đóng cửa do tranh chấp với Thổ Nhĩ Kỳ về xuất khẩu dầu của Iraq thông qua đường ống Iraq - Thổ Nhĩ Kỳ và cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ trên Địa Trung Hải.
Việc xuất khẩu dầu thô của Kurdistan đã bị chính phủ liên bang Iraq tạm đình chỉ vào ngày 25 tháng 3. Việc tạm dừng được đưa ra sau khi Phòng Thương mại Quốc tế ra phán quyết có lợi cho Iraq và chống lại Thổ Nhĩ Kỳ trong tranh chấp về dòng chảy dầu thô từ Kurdistan.
Ngành hàng không sẵn sàng ứng phó với chi phí nhiên liệu cao hơn
Willie Walsh, Tổng Giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) hôm 27/9 cho biết, ngành hàng không luôn sẵn sàng ứng phó với thực tế rằng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) sẽ luôn đắt hơn nhiên liệu máy bay đơn thuần.
Tại một hội nghị ở Lisbon, Bồ Đào Nha, người đứng đầu hiệp hội hàng không cho biết, SAF có thể luôn đắt hơn dầu hỏa ngay cả khi nguồn cung loại nhiên liệu này tăng quy mô từ khối lượng rất thấp hiện nay.
Walsh nói: "Tôi tin rằng ngành hàng không đã sẵn sàng đón nhận điều đó".
"Ngành hàng không nhận ra vấn đề, đang làm mọi thứ có thể để giải quyết điều đó, và chúng tôi sẽ đạt được các mục tiêu vì không có lựa chọn nào ở đây cả", ông Walsh đề cập đến tham vọng của các hãng hàng không trong việc đạt được mục tiêu giảm mức phát thải mặc dù chi phí SAF cao hơn.
Giới phân tích cho biết, bất chấp nhiều cam kết từ các hãng hàng không và sự hỗ trợ của chính phủ đối với việc sản xuất SAF, việc thay thế nhiên liệu máy bay được tinh chế từ dầu mỏ phải đối mặt với những thách thức về nguồn cung, chi phí và nguyên liệu thô.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), việc tăng cường sử dụng SAF từ dưới 0,1% trong tổng lượng nhiên liệu hàng không vào năm 2021 lên khoảng 10% vào năm 2030 theo Kịch bản Net Zero sẽ yêu cầu đầu tư vào năng lực sản xuất và các chính sách mới như thuế nhiên liệu, tiêu chuẩn nhiên liệu carbon thấp và tỷ lệ pha trộn bắt buộc.
Theo IATA, SAF có khả năng giảm lượng khí thải CO2 tới 80%.