Tin tức ASEAN buổi sáng 27/7: ASEAN ghi nhận hơn 4.000 ca nhiễm mới Covid-19, Việt Nam đang phát huy năng lực phát ngôn lớn hơn về RCEP
Cập nhật tình hình Covid-19 tại ASEAN, Việt Nam tập hợp tiếng nói của ASEAN và cô đọng nội dung đàm phán RCEP... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN ngày hôm nay.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Manila, Philippines, ngày 15/7. (Nguồn: THX)
Tình hình Covid-19 tại ASEAN
Tính tới rạng sáng ngày 27/7, ASEAN có thêm 4.034 ca mắc bệnh Covid-19 tại 7 quốc gia, nâng tổng số lên 242.613 ca, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên 6.925 người.
Nước có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất trong 24 giờ qua là Philippines với 2.110 ca, tiếp đó là Indonesia với 1.492 ca, Singapore 481 ca.
Ngày 26/7, Bộ Y tế Indonesia thông báo ghi nhận 1.492 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca bệnh lên 98.778 người. Trong khi đó, con số tử vong tăng thêm 67 ca, lên tổng số 4.781 ca.
Cùng ngày, Philippines ghi nhận thêm 2.110 ca nhiễm mới và 39 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên 80.448 và 1.932 ca tử vong.
Singapore có thêm 481 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc tại đây lên thành 50.369 người. Trong số các ca nhiễm mới có 5 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 4 ca từ bên ngoài vào, số còn lại sống trong các khu lao động nước ngoài đã được khoanh vùng cách ly. Đến nay, Singapore đã có 45.352 người được chữa khỏi và xuất viện, 27 ca tử vong.
Trước đó, ngày 25/7, Bộ Y tế Singapore tuyên bố thêm 11 khu ký túc xá cho lao động nước ngoài đã "sạch" virus SARS-CoV-2. Bộ này lưu ý thêm sẽ xóa bỏ hoàn toàn dịch tại tất cả các khu ký túc công nhân từ đầu tháng 8 tới.
Tại Campuchia, Thủ tướng Hun Sen đã chấp thuận đề xuất của Bộ Y tế tạm thời đình chỉ các chuyến bay từ Indonesia và Malaysia từ ngày 1/8 cho đến khi tình hình dịch bệnh Covid-19 tại 2 quốc gia kể trên giảm bớt.
Bộ Y tế Campuchia cho biết từ ngày 20/6 đến 25/7 đã phát hiện số lượng hành khách đến Campuchia nhiễm Covid-19 trên các chuyến bay từ Malaysia và Indonesia gia tăng. Đã có 55 trường hợp trong tổng số 108 trường hợp nhiễm Covid-19 là hành khách từ Malaysia.
Malaysia ngày 26/7 tuyên bố sẽ tái áp đặt các lệnh phong tỏa trong trường hợp các ca lây nhiễm mới vượt quá 100 ca/ngày. Lần gần đây nhất Malaysia ghi nhận trên 100 ca nhiễm mới trong ngày là vào 4/7, với 277 ca. Tổng số ca bệnh tại nước này hiện là 8.897 ca, trong đó có 124 ca tử vong.
Tại Việt Nam, theo Bản tin 6h ngày 27/7 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến nay, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới, vẫn có 420 ca bệnh, gần 12.000 người cách ly chống dịch.
Tuy nhiên, trong ngày 26/7, Việt Nam ghi nhận thêm 3 ca lây nhiễm cộng đồng, gồm 2 ca tại Đà Nẵng và 1 ca tại Quảng Ngãi.
(TGVN/TTXVN)
Việt Nam tập hợp tiếng nói của ASEAN và cô đọng nội dung đàm phán RCEP
Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nước đi đầu trong các hiệp định thương mại tự do (FTA). Do vậy, Việt Nam đóng vai trò là quốc gia tập hợp tiếng nói của 10 nước thành viên ASEAN và cô đọng các nội dung đàm phán. Đây là nhận định của Giáo sư Ryo Ikebe, một chuyên gia về thương mại quốc tế của Đại học Senshu (Nhật Bản).
Tính trung tâm của ASEAN thể hiện qua tiếng nói của 10 nước thành viên rất được chú ý trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Tuy nhiên, là quốc gia đi đầu trong các FTA, Việt Nam đang phát huy được năng lực phát ngôn lớn hơn.
Trong thời điểm xuất hiện một số quốc gia đi ngược lại chủ nghĩa thương mại tự do và chủ nghĩa bảo hộ gây ra quan ngại đối với trật tự thương mại thế giới, RCEP, với trung tâm là châu Á, nếu được các nước ký kết, có thể quảng bá cho thế giới thấy hình ảnh một châu lục đang hướng tới thương mại tự do.
Mặt khác, với tư cách là thành viên ASEAN, Việt Nam đã có FTA với tất cả các nước tham gia RCEP, nên cơ hội trực tiếp mà RCEP mang lại cho Việt Nam là không lớn. Mặc dù vậy, việc ký kết RCEP sẽ phát đi hình ảnh Việt Nam tích cực đối với thương mại tự do, từ đó, Việt Nam có thể thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều hơn.
(Vietnamplus)
Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đang phục hồi
Ông Steve Cochrane, nhà kinh tế học khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Moody’s Analytics, cho biết khu vực châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn cũng có thể đang bước vào giai đoạn phục hồi. Theo ông, các nền kinh tế ở Trung Quốc, Australia và New Zealand đang cải thiện. Đó là bởi các hoạt động kinh tế được nối lại, việc phong tỏa và hạn chế bị gỡ bỏ giúp giảm áp lực từ phía nguồn cung, ông nói.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có suy nghĩ tích cực như vậy. Ông Vishnu Varathan, người đứng đầu bộ phận kinh tế và chiến lược tại Ngân hàng Mizuho cho biết, sự phục hồi về kinh tế trong nửa đầu năm 2020 có thể đã bị "cường điệu" bởi những yếu tố khác nhau như việc đầu cơ đầu tư bất động sản, và thực tế là Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên xuất hiện tình trạng này sau phong tỏa.
(CNBC)
Nở rộ xu hướng du lịch nông thôn
Theo các chuyên gia du lịch, các điểm đến trong khu vực sẽ trở nên vô cùng hấp dẫn và trong tương lai gần, sẽ có sự gia tăng về du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Đặc biệt, du lịch nông thôn, loại hình du lịch mà du khách chủ yếu là những người sống ở thành phố muốn tìm tới chốn yên tĩnh để nghỉ ngơi hoặc tìm về kí ức của tuổi thơ, sẽ phát triển mạnh mẽ, nhất là tại những nơi có cảnh quan nông thôn phong phú như Đông Nam Á.
Đi du lịch nông thôn, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động làm nông như trồng trọt, bón phân, tưới nước, chăn gia súc và tham gia các lớp học nấu ăn...
Theo ông Tim Cordon, Phó Chủ tịch tập đoàn khách sạn Radisson tại Đông Nam Á, xu hướng du lịch nông thôn phải mất 5-10 năm mới có thể hiện thực hóa trong thời kỳ tiền đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại, các loại hình du lịch thiên nhiên đang trở thành xu hướng du lịch mới, khi du khách tìm tới những điểm đến mới lạ, xa thành phố đông đúc, để có trải nghiệm đặc biệt hơn.
(SCMP)