Tin tức ASEAN buổi sáng 8/7: Philippines đứng thứ 2 tại khu vực về số ca nhiễm Covid-19, ASEAN chìm trong tăng trưởng âm
Cập nhật tình hình Covid-19 tại ASEAN, ASEAN chìm trong tăng trưởng âm... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN ngày hôm nay.
Tính tới rạng sáng ngày 8/7, ASEAN có thêm 2.971 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, nâng tổng số lên 172.118 ca, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên 4.832 người. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 96.339 trường hợp.
Trong 24 giờ qua, Philippines tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới vượt qua cả Indonesia. Nước này cũng đã soán vị trí thứ hai khu vực của Singapore về tổng số ca bệnh Covid-19.
Mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến vẫn phức tạp, từ ngày 7/7, người phát ngôn của Tổng thống Philippines thông báo chính phủ nước này đã dỡ bỏ các hạn chế đi lại nước ngoài với người dân. Bên cạnh đó, chính phủ cũng áp dụng một số quy định. Cụ thể, những người ra nước ngoài bằng thị thực du lịch cần nộp vé khứ hồi, có bảo hiểm y tế du lịch phù hợp để trang trải chi phí đặt vé lại và lưu trú, trong trường hợp họ bị mắc kẹt ở nước ngoài.
Tuy nhiên, giới chức Bộ Y tế Philippines cho rằng số ca mắc bệnh sẽ còn tăng trong những ngày tới do việc lây nhiễm trong cộng đồng, đồng thời khuyến cao người dân cẩn trọng trước những diễn biến của dịch bệnh.
Tại Indonesia, lực lượng đặc trách chống Covid-19 xác nhận vaccine ngừa COVID-19 do nước này phát triển đã vượt qua được 8 giai đoạn thử nghiệm và sẽ trải qua 7 cuộc kiểm tra khác. Vaccine này do Viện Phân tử sinh học Eijkman, công ty PT Bio Farma, PT Kalbe Farma của Indonesia và một doanh nghiệp Hàn Quốc hợp tác sản xuất.
Theo tờ Straits Times, Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong ngày 7/7 cho biết nước này chưa chứng kiến làn sóng lây nhiễm thứ hai bất chấp số ca lây nhiễm trong cộng đồng đã tăng lên. Nguy cơ nằm ở số ca lây nhiễm tại Khối nhà 111 Đường 11, chùm lây nhiễm này có thể trở thành một ổ dịch nghiêm trọng tại Singapore. Đó là lý do nhà chức trách quyết định xét nghiệm toàn bộ những người sống hoặc đã tới khu vực. Tổng cộng 118 người được xét nghiệm đến nay đều cho kết quả âm tính.
Việt Nam tính đến sáng 8/7 có thêm 3 bệnh nhân khác được công bố khỏi bệnh. Đã 83 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
(TGVN/TTXVN)
ASEAN và Ấn Độ chìm trong tăng trưởng âm
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) và Nikkei vừa thực hiện khảo sát, thu thập 38 ý kiến từ các nhà kinh tế và phân tích về 5 nền kinh tế Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan (ASEAN-5) và Ấn Độ.
Do ảnh hưởng Covid-19 và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu, triển vọng phát triển kinh tế của các quốc gia này đã có chiều hướng xấu đi. Dự báo tăng trưởng của ASEAN5 trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 là -7,8%, giảm 9,7 điểm phần trăm so với khảo sát trước đó vào tháng 3. Tỷ lệ tăng trưởng âm trong quý II/2020 được dự báo cho cả 5 quốc gia giảm và dự kiến sụt hơn 10% đối với Malaysia, Thái Lan và Singapore.
Dự báo cho năm 2020 cũng như trong quý III và quý IV, vẫn là tăng trưởng âm cho các nền kinh tế được khảo sát. Thất nghiệp đang gia tăng. Các chuyên gia mong đợi sự phục hồi trong nửa cuối năm nay, nhưng kịch bản này dựa trên điều kiện đại dịch sẽ được kiểm soát đúng cách.
Trong khi đó, theo khảo sát của các chuyên gia kinh tế Bloomberg, tại khu vực Đông Nam Á, chỉ có nền kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng dương trong năm nay.
Theo dự báo, GDP Thái Lan sụt tới 6%, Singapore giảm 5,7%, Malaysia lao dốc 3,9%, Philippines và Indonesia hạ lần lượt 3,5% và 1%. Về triển vọng năm 2021, nhóm chuyên gia Bloomberg nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhất Đông Nam Á với mức tăng GDP 8,1%. Đứng sau là Philippines với 7,5%, Malaysia 5,7%, Indonesia 5%, Singapore 4,8% và cuối cùng là Thái Lan 4%.
(Nikkei/Bloomberg)
Phụ nữ Đông Nam Á cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn để trở thành doanh nhân
Theo Khảo sát doanh nhân toàn cầu năm 2020 của công ty dinh dưỡng toàn cầu Herbalife Nutrition cho thấy, phụ nữ ở Đông Nam Á có khát vọng kinh doanh mạnh mẽ hơn so với phụ nữ trên toàn cầu. Theo kết quả điều tra, 4 trong số 5 phụ nữ (81%) ở Đông Nam Á khao khát trở thành doanh nhân, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 72%. Mong muốn trở thành doanh nhân được thể hiện rõ nhất ở phụ nữ từ 18 đến 39 tuổi.
Khảo sát được Herbalife thực hiện với 9.000 phụ nữ đến từ 15 quốc gia trên thế giới, trong đó có 2.000 người đến từ các quốc gia Đông Nam Á là Malaysia, Philippines và Singapore về thái độ của họ đối với tinh thần kinh doanh.
Tuy nhiên, theo Stephen Conchie, Giám đốc điều hành của Herbalife Châu Á-Thái Bình Dương, phụ nữ Đông Nam Á cần nhiều yếu tố hỗ trợ để có thể khởi nghiệp, ngoài nguồn thu nhập từ gia đình. Kết hợp các khu vực công và tư nhân để cung cấp cơ hội, nguồn lực, giáo dục và đào tạo để hỗ trợ các doanh nhân nữ sẽ giúp họ thoát ra khỏi các chuẩn mực văn hóa và xã hội và đặt nền tảng cho tăng trưởng kinh tế toàn diện hơn.
(Yahoo News)
Việt Nam sẽ tổ chức tốt SEA Games 31
Theo báo cáo của Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn, về quy mô, dự kiến SEA Games 31 sẽ tổ chức các môn thi đấu nằm chủ yếu trong chương trình thi đấu của Olympic như: Điền kinh, Thể thao dưới nước, Thể dục, Bắn súng, Bắn cung, Cử tạ, Vật, Đấu kiếm, Rowing, Canoeing/Kyak, Bóng bàn.
Bên cạnh đó là các môn nằm trong chương trình thi đấu của SEA Games, Asian Games như Wushu, Xe đạp, Taekwondo, Karatedo, Bi sắt, Thể hình…
Các môn thể thao tập thể được đông đảo người hâm mộ yêu mến như Bóng đá, Bóng chuyền… ASEAN Para Games dự kiến tổ chức các môn như Điền kinh, Bơi, Cử tạ, Bóng bàn, Cầu lông, Cờ vua, Boccia, Quần vợt, Judo người khiếm thị, Bóng lăn cho người khiếm thị, Bắn cung…
Dự kiến SEA Games 31 sẽ được tổ chức từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12/2021. ASEAN Para Games tổ chức trong khoảng 11 ngày, sau thời gian tổ chức SEA Games 31.
Chỉ đạo tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải nhấn mạnh rằng, từ tiền đề thành công trong việc tổ chức SEA Games 22 năm 2003, năm 2021, Việt Nam sẽ cố gắng tổ chức Đại hội tốt hơn, để lại ấn tượng tốt với các vị khách đến dự.
Thứ trưởng lưu ý rằng việc tổ chức SEA Games 31 sẽ diễn ra trong bối cảnh thế giới nói chung, khu vực Đông Nam Á và Việt Nam nói riêng vừa phải đối phó với đại dịch Covid-19. Công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội cần phải được tiến hành trên tinh thần tiết kiệm, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
(Thanh tra)