Tin tức đặc biệt trên báo in Hànôịmới ngày 26-11-2024

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Thảo luận, thống nhất nhiều vấn đề quan trọng; Thực hiện Chương trình số 09-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội: Bảo đảm quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; Tạo sức bật phát triển hệ thống đường sắt đô thị; Thương mại điện tử: 'Đòn bẩy' giúp doanh nghiệp bứt phá; Cháy rừng ở Sóc Sơn ngày càng khó kiểm soát… là những thông tin đáng chú ý trên Báo Hànôịmới số ra ngày 26-11-2024.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Thảo luận, thống nhất nhiều vấn đề quan trọng

Ngày 25-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp để xem xét, quyết định một số vấn đề.

Với tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm cao, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành nhiều nội dung công việc. Trung ương đã thảo luận, thống nhất các vấn đề quan trọng, trong đó đáng chú ý Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết tâm mạnh mẽ sớm tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; cơ bản thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội…

Quang cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh TTXVN

Quang cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh TTXVN

Thực hiện Chương trình số 09-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội: Bảo đảm quốc phòng, an ninh trong tình hình mới

Sau 3 năm ban hành, Chương trình số 09-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025" đã được quán triệt, triển khai thực hiện toàn diện. Đặc biệt, lực lượng vũ trang Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả trong nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ thành phố vững chắc trong tình hình mới.

Lực lượng vũ trang Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tham gia diễn tập khu vực phòng thủ. Ảnh Hữu Thu

Lực lượng vũ trang Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tham gia diễn tập khu vực phòng thủ. Ảnh Hữu Thu

Tạo sức bật phát triển hệ thống đường sắt đô thị

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến 2030 tầm nhìn đến 2050, hệ thống đường sắt đô thị có 10 tuyến với trên 410km. Thành phố đang điều chỉnh Quy hoạch chung, bổ sung 5 tuyến đường sắt dài 200km. Như vậy, mục tiêu đến năm 2045 tầm nhìn đến 2065, Hà Nội sẽ có 15 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 617km.

Luật Thủ đô 2024 đã tạo ra khung pháp lý thuận lợi cho việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội. Đây có thể coi là chiếc "chìa khóa vàng" mở cánh cửa giải quyết những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo sức bật, thúc đẩy mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị, góp phần vào sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Cầu Giấy. Ảnh Đỗ Tâm

Tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Cầu Giấy. Ảnh Đỗ Tâm

Thương mại điện tử: “Đòn bẩy” giúp doanh nghiệp bứt phá

Theo Bộ Công Thương, quy mô nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 36 tỷ USD trong năm 2024, tăng 16% so với năm 2023. Trong đó, thương mại điện tử đóng góp 22 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2023 và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế số. Thương mại điện tử là lĩnh vực tiên phong, trụ cột của nền kinh tế số và là động lực phát triển kinh tế tại Việt Nam. Do đó, cần có cơ chế, giải pháp hỗ trợ, tạo "đòn bẩy" cho doanh nghiệp tiếp tục bứt phá thông qua thương mại điện tử.

Một gian hàng tại sự kiện Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới năm 2024. Ảnh Nguyễn Vĩnh

Một gian hàng tại sự kiện Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới năm 2024. Ảnh Nguyễn Vĩnh

Nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm

Năm 2024, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tăng cường vai trò quản lý và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực an toàn thực phẩm. Qua đó, nhận thức của người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng đã từng bước được nâng cao, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người dân.

Cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội xét nghiệm nhanh mẫu bát đĩa tại một nhà hàng ở quận Long Biên. Ảnh Thu Trang

Cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội xét nghiệm nhanh mẫu bát đĩa tại một nhà hàng ở quận Long Biên. Ảnh Thu Trang

Hà Nội bảo đảm nguồn cung nông sản dịp Tết

Theo Chi cục trưởng Chi cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, với gần 10 triệu dân cư trú thường xuyên cùng hàng triệu khách du lịch mỗi năm, Hà Nội là một trong 3 địa phương tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, sản lượng một số sản phẩm nông, lâm, thủy sản của thành phố mới đáp ứng 20-70% nhu cầu người dân (tùy loại). Lượng còn lại, Hà Nội phải nhập từ nhiều tỉnh, thành phố và nước ngoài. Trong bối cảnh thị trường cuối năm, sức tiêu thụ có thể tăng 20-30%, để chủ động sản xuất, cân đối nguồn hàng, Hà Nội sớm chủ động xây dựng nguồn nông sản, không để xảy ra tình trạng thiếu - thừa cục bộ...

Chăm sóc rau tại Hợp tác xã Rau hữu cơ xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Nguyễn Quang

Chăm sóc rau tại Hợp tác xã Rau hữu cơ xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Nguyễn Quang

Cháy rừng ở Sóc Sơn ngày càng khó kiểm soát

Hơn 1 tháng qua, huyện Sóc Sơn xảy ra 10 vụ cháy rừng, thiệt hại hơn 23ha rừng. Trong đó, phần lớn cơ quan chức năng không tìm được nguyên nhân, truy ra được thủ phạm, dẫn đến nguy cơ cháy rừng ở địa phương này ngày càng phức tạp, khó kiểm soát. Do vậy, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cần được huyện Sóc Sơn, lực lượng kiểm lâm, công an quan tâm đặc biệt để giữ rừng, bảo vệ rừng.

Hoàng Cường

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tin-tuc-dac-biet-tren-bao-in-hanoimoi-ngay-26-11-2024-685575.html