Tin tức Đời sống 11/3: Cảnh giác với bệnh thận mạn tính
Cập nhật tin tức đời sống ngày 11/3: Cảnh giác với bệnh thận mạn tính; Viêm màng não nặng do phế cầu khuẩn...
Cảnh giác với bệnh thận mạn tính
Hiện nay nước ta có khoảng 10 triệu người đang bị bệnh thận mạn tính và mỗi năm có thêm 8.000 ca mắc mới. Tỷ lệ tử vong do bệnh thận mạn tính đứng thứ 8 trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam.
Theo thông tin từ Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, bệnh thận mạn tính là tình trạng suy giảm chức năng thận. Tùy vào mức độ bệnh, chức năng thận có thể suy giảm một phần hoặc mất hoàn toàn chức năng, không thể đào thải chất độc hại và dịch thừa ra khỏi máu. Bệnh thận mạn tính vô cùng nguy hiểm vì thường không gây ra triệu chứng gì cho tới khi đã tiến triển. Ngay cả khi có các triệu chứng cũng tiến triển chậm và không có biểu hiện rõ ràng, khó nhận biết.
Vì vậy, nhiều người khi phát hiện, bệnh đã ở giai đoạn nặng, chức năng thận gần như mất hoàn toàn, phải thực hiện chạy thận nhân tạo cả đời hoặc ghép thận nếu muốn duy trì sự sống. Bệnh thận mạn tính được xác định là tổn thương thận kéo dài trên 3 tháng. Trong giai đoạn tiến triển bệnh thận mạn tính có các triệu chứng mất ngủ, chán ăn, buồn nôn, viêm miệng, mất khẩu vị, tiểu đêm nhiều lần, mệt mỏi, ngứa, suy giảm về tinh thần, sụt cân không rõ nguyên nhân, chuột rút, giữ nước, co giật, mắt cá chân và bàn chân sưng vù...
Các ghi nhận cho thấy người bị bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, viêm cầu thận, bệnh thận đa nang, bệnh bẩm sinh đường tiết niệu, bệnh phì đại và ung thư tuyến tiền liệt... thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao dễ phát triển bệnh thận mạn tính. Vì vậy, các bác sĩ lưu ý nhóm đối tượng dễ mắc bệnh thận mạn tính nêu trên cần cảnh giác, khi thấy các biểu hiện nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn điều trị.
Viêm màng não nặng do phế cầu khuẩn
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (huyện Bình Chánh, TP.HCM) vừa tiếp nhận và điều trị cho một bé trai (13 tuổi) bị viêm màng não nặng do vi khuẩn phế cầu.
Bệnh nhi nhập viện sau kỳ nghỉ Tết, với bệnh cảnh khởi phát cấp tính trong 2 ngày, các triệu chứng nổi bật như sốt cao, đau đầu, nôn ói, kèm co gồng toàn thân và rối loạn tri giác diễn tiến nhanh.
Nhận thấy đây là một trường hợp nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương nặng, các bác sĩ khoa Nhiễm đã nhanh chóng xử trí cấp cứu, đặt nội khí quản thở máy cho bệnh nhi do tình trạng tri giác xấu dần, chụp CT Scan sọ não và tiến hành thủ thuật chọc dò thắt lưng lấy dịch não tủy làm xét nghiệm.
Kết quả dịch não tủy ghi nhận, số lượng tế bào bạch cầu trong dịch não tủy rất cao; đồng thời các chỉ số sinh hóa trong dịch não tủy cũng thay đổi điển hình của một ca viêm màng não do vi khuẩn. Qua các xét nghiệp, chụp PCR, kết quả dự đoán ban đầu là phế cầu, đây là nhóm vi khuẩn gây các bệnh cảnh viêm phổi, viêm màng não nặng rất thường gặp ở trẻ em.
Trong thời gian đầu điều trị, bệnh nhi sốt cao liên tục, bé được hạ sốt, truyền kháng sinh liều cao và nhiều chế phẩm thuốc đảm bảo quá trình điều trị tích cực cho bệnh nhi.
Sau 1 tuần điều trị, tình trạng bệnh nhi cải thiện hơn khi giảm sốt, tri giác cải thiện. Các chỉ số xét nghiệm máu và dịch não tủy những lần sau đều cho kết quả khả quan, đáp ứng điều trị. Sau gần 3 tuần điều trị, bệnh nhi đã hồi phục hoàn toàn, tỉnh táo, ăn uống và vận động tốt.
Theo các bác sĩ, viêm màng não là một dạng của nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, có thể xảy ra ở tất cả các lứa tuổi và lứa tuổi nào cũng đều có nguy cơ bệnh nặng. Với trẻ em, bệnh chủ yếu là các ca riêng lẻ, xuất hiện quanh năm.
Nguyên nhân chủ yếu do vi khuẩn như Haemophillus influenza nhóm B (HiB), não mô cầu, phế cầu, lao, Escheria coli (E.coli)… một số ít do virus, ký sinh trùng, nấm…
Theo các bác sĩ phế cầu vẫn là tác nhân chiếm tỷ lệ hàng đầu của viêm màng não. Viêm màng não do phế cầu là một bệnh cảnh nặng, có nhiều biến chứng và nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, phế cầu khuẩn có thể gây ra một số căn bệnh nguy hiểm, như viêm phổi (nhiễm trùng phổi), nhiễm trùng tai, nhiễm trùng xoang, nhiễm khuẩn huyết, trong đó, viêm phổi là gánh nặng bệnh tật lớn mà chúng ta đang đối mặt.
Theo thống kê của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), năm 2014, tỷ lệ mắc viêm phổi ở nước ta là 561/100.000 người dân, đứng hàng thứ hai, sau tăng huyết áp; tỷ lệ tử vong do viêm phổi là 1,32/100.000 người dân, đứng hàng đầu trong các nguyên nhân gây tử vong.
Viêm phổi có 2 loại, viêm phổi mắc phải trong bệnh viện và viêm phổi mắc phải trong cộng đồng. Hai tác nhân gây bệnh viêm phổi thường gặp do vi khuẩn là streptococcus pneumoniae (phế cầu khuẩn) và haemophilus influenza.
Các tác nhân gây bệnh này thường biến đổi và cũng thường gây ra tình trạng kháng thuốc. Bệnh thường xảy ra trên cơ địa những người bị suy giảm sức đề kháng.
Viêm phổi ảnh hưởng đến khoảng 450 triệu người trên thế giới mỗi năm. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở các nhóm tuổi. Tỷ lệ tử vong cao nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 75 tuổi.
Viêm phổi mắc phải trong cộng đồng có nhiều triệu chứng lâm sàng tương đồng với các bệnh lý hô hấp khác, cần được chẩn đoán phân biệt sớm. Phế cầu khuẩn chiếm 75% trong số các tác nhân gây viêm phổi ở cộng đồng.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh lý viêm phổi thường tăng cao ở thời điểm giao mùa, do thời tiết và nhiệt độ thay đổi, mưa nắng thất thường tạo môi trường cho virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh. Ngoài ra, chất lượng không khí thường xuyên ở mức có hại cho sức khỏe cũng khiến hệ hô hấp khó phục hồi khi bị nhiễm trùng.
Các chuyên gia cho biết, bệnh nhân cao tuổi mắc viêm phổi thường rất nặng. Nguyên nhân là người cao tuổi thường có nhiều bệnh kết hợp như phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc bệnh tim mạch, bệnh chuyển hóa như đái tháo đường.
Để phòng chống viêm phổi do phế cầu khuẩn, bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, Hệ thống Tiêm chủng Safpo/Potec khuyến cáo, một số nhóm đối tượng nên tiêm vắc-xin phế cầu khuẩn là người trên 65 tuổi; người có hệ thống miễn dịch yếu;
Người bị bệnh tim, tiểu đường, hen suyễn hoặc COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), những người phải trải qua hóa trị liệu, người cấy ghép tạng, người nhiễm HIV/AIDS; người hút thuốc lá; nghiện rượu nặng; người bệnh trải qua phẫu thuật hoặc mắc bệnh nghiêm trọng.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải cho biết, có 2 loại vắc-xin phế cầu khuẩn được sử dụng để bảo vệ chống lại các loại nhiễm trùng khác nhau. Đó là PCV13 (hay vắc-xin Prevenar 13) giúp bảo vệ cơ thể tránh khỏi 13 loại vi khuẩn nguy hiểm nhất gây viêm phổi và PPSV23 (Pneumon 23) bảo vệ cơ thể chống lại thêm 23 loại vi khuẩn gây viêm phổi khác.
Những người cần tiêm vắc-xin phế cầu khuẩn nên tiêm cả hai mũi: Mũi thứ nhất tiêm PCV13 và một năm sau sau tiêm PPSV23. Ngoài ra, trẻ em nên tiêm đầy đủ một số loại vắc-xin có vai trò hỗ trợ ngăn ngừa viêm phổi, như vắc-xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và bệnh viêm phổi - viêm màng não do HIB), vắc-xin cúm, phế cầu, ho gà...
Bé 13 tháng tuổi phải mổ cấp cứu trong đêm khi phát hiện 'sinh vật lạ' lấp ló trong mũi
Mới đây, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Khoa Tai Mũi Họng đã tiếp nhận một bé gái 13 tháng tuổi ngụ tại Bình Thuận. Bé nhập viện cấp cứu trong tình trạng tỉnh táo, quấy khóc, sinh hiệu ổn, chảy máu mũi trái hiện cầm, có dị vật động đậy ở cửa mũi trái sau đó chui vào trong hốc mũi.
Theo lời kể của người nhà, trước khi nhập viện khoảng 10 ngày, bé được đưa đi dã ngoại và có tắm suối cùng gia đình. Hơn một tuần sau, bé bắt đầu chảy máu mũi trái rỉ rả nhiều đợt. Lúc này, gia đình phát hiện sinh vật lạ lấp ló trong mũi trái của bé, nên đưa bệnh nhi đến một phòng khám tư kiểm tra.
Tại đây, bé được bác sĩ nội soi, phát hiện có con vắt trong mũi trái nhưng không lấy ra được, nên khuyên gia đình đưa đến Bệnh viện chuyên khoa nhi ở TPHCM để lấy dị vật.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ trực cho biết, vì bé còn quá nhỏ, chưa hợp tác tốt nên việc nội soi ngay lúc này khá khó khăn. Do đó, ekip quyết định lên kế hoạch gây mê phẫu thuật nội soi lấy dị vật.
Bé được ekip điều trị làm bộ xét nghiệm tiền mê khẩn và chuẩn bị chuyển phòng mổ. Cuộc nội soi lấy con vắt ra khỏi mũi bé diễn ra thuận lợi.
Qua kiểm tra, bác sĩ nhận định không có tổn thương nghiêm trọng, niêm mạc mũi của bé vẫn được bảo tồn. Sau mổ, tình trạng bé ổn định, chơi và bú bình thường.
ThS.BS chuyên khoa 1 Nguyễn Minh Trung - Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, dị vật sống (như vắt, đỉa…) rất nguy hiểm, nếu để lâu trong mũi có thể gây ra các biến chứng như nhiễm trùng, mất máu… Nghiêm trọng hơn, chúng có thể chui vào các cấu trúc khó tiếp cận như các xoang cạnh mũi, chui xuống thanh quản gây ho, khó thở. Do đó, việc phát hiện và loại bỏ sớm dị vật sống là cực kì quan trọng.
Phụ huynh cần hiểu rõ về các loại dị vật và đưa bé đi khám ngay khi nghi ngờ có dị vật trong mũi, như xuất hiện triệu chứng chảy máu mũi, chảy mũi hôi một bên. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần hạn chế cho các bé tắm rửa hay uống trực tiếp nước từ sông suối, để tránh vắt, đỉa xâm nhập vào cơ thể.
T.M (tổng hợp)