Tin tức Đời sống 14/10: Điều ít biết về loại quả đang được thu mua giá cao kỷ lục

Cập nhật tin tức đời sống ngày 14/10: Những người có nguy cơ diễn biến nặng khi mắc sốt xuất huyết; 'Bắt pen'để tìm cảm giác 'phê' là hành động nguy hiểm...

Những người có nguy cơ diễn biến nặng khi mắc sốt xuất huyết

Theo số liệu mới nhất công bố bởi Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm, cả nước có 74.800 người mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 11 ca tử vong, tăng hơn 34.000 ca so với báo cáo cuối tháng 6.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá sốt xuất huyết là một trong 10 gánh nặng y tế toàn cầu, xếp mức độ 3 (mức độ cao nhất) về khẩn cấp y tế. Sốt xuất huyết gây ra các biến chứng nguy hiểm như tụt huyết áp, sốc mất máu, suy đa tạng, xuất huyết não, hôn mê… có thể tử vong.

Các đối tượng có nguy cơ trở nặng cao hơn khi mắc sốt xuất huyết là trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính, béo phì… Thực tế, trong 11 ca tử vong vì sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay, không ít ca là trẻ nhỏ, diễn biến bệnh lý rất nhanh và nặng.

Trong số các bệnh nhân nhập viện điều trị sốt xuất huyết, không ít ca là trẻ em. Ảnh: BSCC

Trong số các bệnh nhân nhập viện điều trị sốt xuất huyết, không ít ca là trẻ em. Ảnh: BSCC

Tại Hà Nội, tới đầu tháng 10, Thủ đô ghi nhận 206 ổ dịch sốt xuất huyết, gần 40 ổ còn hoạt động. Tổng cộng số ca sốt xuất huyết được ghi nhận là hơn 3.800. Riêng tuần đầu tiên của tháng 10, Hà Nội ghi nhận tới hơn 280 ca rải rác khắp 29 quận, huyện, thị xã, tiếp tục ghi nhận tăng so với tuần liền kề trước đó.

Nhận định đây là giai đoạn cao điểm dịch sốt xuất huyết hằng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cảnh báo số ca mắc sốt xuất huyết có thể gia tăng nhanh trong thời gian tới.

Các chuyên gia dự báo số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng tiếp tục gia tăng. Hiện sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư… Ngoài ra, tại một số địa phương mưa đã xuất hiện trên diện rộng, mưa đan xen nắng là điều kiện thuận lợi sản sinh bọ gậy.

Ngoài yếu tố diễn thời tiết, khí hậu, theo Bộ Y tế, việc chủ quan, lơ là, chưa tự giác thực hiện hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết của người dân đang dẫn đến nguy cơ dịch bệnh bùng phát trong thời gian tới.

Để phòng, chống sốt xuất huyết, người dân cần chú ý diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Trong đó, thực hiện vệ sinh nơi ở, xử lý, loại bỏ, lật úp các dụng cụ có thể chứa nước để muỗi đẻ trứng như: Lọ hoa, chai lọ, bể cá, khu vực rác thải…; Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Chủ động diệt bọ gậy, loăng quăng là cách hiệu quả nhất để loại bỏ muỗi, phòng bệnh sốt xuất huyết. Người dân cũng cần phòng muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay, ngủ màn cả ban đêm và ban ngày, dùng kem, tinh dầu xua muỗi… Để phòng muỗi đốt gây sốt xuất huyết cho trẻ em, cha mẹ có thể dùng thêm những vật dụng giúp xua muỗi như tã trẻ em hay khăn lau xua muỗi...

"Bắt pen"để tìm cảm giác "phê" là hành động nguy hiểm

PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não - Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), cảnh báo như vậy sau thông tin nhiều bạn trẻ lan truyền trào lưu "bắt pen" trên mạng xã hội.

Theo đó, "bắt pen" là từ khóa được lên xu hướng tìm kiếm trên mạng xã hội. Trong các video xuất hiện đa số là học sinh với hành động một người dùng tay ấn mạnh vào động mạch cảnh ở vùng cổ của người còn lại. Sau đó, người được ấn sẽ có cảm giác lơ mơ, thiếu tỉnh táo, thậm chí ngất lịm đi cho đến khi được gọi mới tỉnh lại.

Với hành động này, BS Thắng phân tích việc cung cấp máu lên não bộ có 2 hệ thống mạch máu chính. Trong đó, 2 động mạch cảnh (tuần hoàn trước) chịu trách nhiệm 70%-80% nhu cầu của não bộ và động mạch sống - nền (tuần hoàn sau) chịu trách nhiệm 20%-30% nhu cầu máu còn lại.

"Các hệ thống mạch máu phía trước-sau và 2 bên được liên kết với nhau qua đa giác Willis (giống như vòng xoay giao thông) nhằm đảm bảo nhu cầu máu lên não luôn ổn định khi một bên bị sự cố. Bên cạnh đó, tại 2 động mạch cảnh trong đoạn cổ, còn có xoang cảnh có tác động điều chỉnh nhịp tim và huyết áp", BS Thắng nói.

Bác sĩ cảnh báo việc dùng tay ấn vào cổ để ép động mạch cảnh trong 2 bên chỉ để tìm cảm giác "phê" bị lịm đi, mất ý thức trong ít giây là những hành động nguy hiểm.

Bác sĩ cảnh báo việc dùng tay ấn vào cổ để ép động mạch cảnh trong 2 bên chỉ để tìm cảm giác "phê" bị lịm đi, mất ý thức trong ít giây là những hành động nguy hiểm.

BS Thắng cảnh báo việc dùng tay ấn vào cổ để ép động mạch cảnh trong 2 bên chỉ để tìm cảm giác "phê" bị lịm đi, mất ý thức trong ít giây là những hành động nguy hiểm. Bởi ép chặt 2 bên động mạch cảnh sẽ gây giảm tưới máu não nghiêm trọng (do chịu trách nhiệm 70%-80% lượng máu lên não). Nếu bỏ tay nhanh, sẽ gây chóng mặt, ngất, mất ý thức thoáng qua. Trường hợp nếu ép quá lâu có thể gây đột quỵ do thiếu máu, đặc biệt khi đã có sẵn tình trạng tắc hẹp mạch máu trước đó (nhưng không biết); hoặc cũng có thể gây ra tổn thương não do hội chứng tăng tái tưới máu. Đặc biệt, việc ép cổ gây kích thích xoang cảnh có thể làm chậm nhịp tim, thậm chí ngưng tim.

"Trước đó, tôi cũng đã gặp một trường hợp một phụ nữ trẻ, nhập viện vì yếu nửa người. Khảo sát mạch máu cho thấy hình ảnh bóc tách động mạch cảnh trong. Khai thác bệnh sử trước đó, bệnh nhân chỉ bị cậu con trai bé bám vào cổ đòi bế. Đây là việc làm nguy hiểm cần phải ngăn chặn trên các mạng xã hội. Nó hoàn toàn không phải là "trò chơi" để có thể mạo hiểm thử tìm cảm giác. Các bạn trẻ có nhiều hoạt động vui chơi, tuy nhiên chớ "nghịch dại"", BS nhấn mạnh.

Quả cau có tác dụng gì với sức khỏe?

Khoảng 1 tuần trở lại đây, tại nhiều địa phương giá quả cau tươi tăng kỷ lục. Giá cau thương lái đang thu mua tại tỉnh Nam Định đạt mức giá kỷ lục 90.000 đồng/kg, cao nhất từ trước tới nay.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng, trong dân gian quả cau còn có nhiều công dụng chữa bệnh, tẩy giun, sán…

Lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông Y Thành phố Hà Nội cho biết, từ xa xưa, người dân dùng cau để ăn trầu, chữa bệnh răng miệng. Ngoài ra, các bộ phận từ quả cau như vỏ, hạt, cùi đều dùng làm thuốc hỗ trợ cho sức khỏe.

Y học hiện đại phân tích trong quả cau có các thành phần như alkaloid, saponin, sitosterol, dầu béo và khoáng chất. Trong Đông y, vỏ, cùi và rễ cau vị đắng chát, tính ôn và có tác dụng vào kinh vị, đại trường. Hạt cau có vị cay đắng, chát, tính ấm trị giun sán, sát trùng, tiêu tích.

Người dân có thể thu hái cau phơi khô, tách hạt bỏ lọ dùng dần hoặc sử dụng cau tươi.

Hạt cau: Để trị giun sán, bạn lấy hạt cau sắc lấy nước uống vào buổi sáng. Người lớn dùng 80g, trẻ nhỏ khoảng 30-40g.

Hạt cau còn dùng để trị các chứng xơ gan, báng bụng. Dùng hạt khô sắc với trần bì (vỏ quýt khô) theo tỷ lệ 2:1, sao vàng, tán bột mịn và uống lúc đói bụng cùng với mật ong chữa chứng ợ chua; đốt thành than nghiền bột mịn chấm vào chỗ nhiệt miệng. Người bị sốt rét có thể dùng 8g hạt cau kết hợp với thường sơn 4g, thảo quả 8g sắc nước uống sau ăn, 2 lần/ngày.

Vỏ và cùi cau dùng chữa chứng khó tiêu hóa, khó đi tiêu tiểu, hỗ trợ hạ huyết áp, phù thũng. Vỏ cau sắc lấy nước chấm lên mụn để giảm viêm, tiêu mụn.

Bài thuốc sử dụng phổ biến nhất là lấy cau ngâm rượu trị các bệnh răng miệng, viêm nướu. Dùng 20-25 quả cau bỏ vỏ, bổ tư và ngâm vào trong bình rượu trắng 1 lít. Khi rượu cau chuyển màu vàng cánh gián là dùng được. Lưu ý, rượu cau rất cay nên pha loãng ngậm trong miệng khoảng 10-15 phút rồi nhổ bỏ, không ăn thêm cho tới khi đi ngủ, có tác dụng ức chế vi khuẩn, làm sạch răng, thơm miệng.

Người dân tuyệt đối không uống rượu cau bởi có thể gây ngộ độc, ảnh hưởng tới sức khỏe thậm chí là tính mạng bản thân.

Cau nhiều tác dụng nhưng không dùng cho những người suy nhược cơ thể, mệt mỏi.

Lưu ý thêm, rễ cau cũng có tác dụng cho sức khỏe nhưng khác với rễ cây sâm cau (loại sâm có lá giống lá cau) trồng nhiều ở miền núi có tác dụng tỏa dương, tốt cho nam giới. Rễ cau ta có tác dụng kháng nấm, kháng vi khuẩn và diệt giun sán, tăng nhu động ruột, giúp điều trị chứng khó tiêu, đầy bụng hay táo bón.

Bạn nên tham khảo bác sĩ Đông y trước khi dùng các bài thuốc từ cau.

T.M

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tin-tuc-doi-song-14-10-dieu-it-biet-ve-loai-qua-dang-duoc-thu-mua-gia-cao-ky-luc-204241014115511708.htm