Tin tức Đời sống 14/11: Hệ lụy từ làm đẹp 'cấp tốc'
Cập nhật tin tức đời sống ngày 14/11: Mất mạng, nhập viện cấp cứu vì ngộ độc do ăn thịt cóc; Ca bệnh đột quỵ tăng, bác sĩ lưu ý 'thời gian vàng'...
Mất mạng, nhập viện cấp cứu vì ngộ độc do ăn thịt cóc
Mới đây, BVĐK khu vực Long Khánh, Đồng Nai tiếp nhận và điều trị kịp thời cho 5 bệnh nhân bị nôn ói, tiêu lỏng, đau bụng do sau khi ăn thịt cóc. Các bệnh nhân là người cùng gia đình, trú tại ấp Bến Nôm, xã Phú Cường, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, nhập viện trong tình trạng bị nôn ói, tiêu lỏng, đau bụng. Cả 5 bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm chất độc từ thịt cóc. Sau khi điều trị tích cực, tình hình 5 bệnh nhân đã phục hồi và xuất viện.
Trước đó, BVĐK tỉnh Phú Thọ cũng đã tiếp nhận 3 mẹ con ở H.Thanh Sơn (Phú Thọ) nhập viện sau khi cùng ăn thịt và trứng cóc.
Cũng trong vài tuần qua tại nhiều cơ sở y tế đã ghi nhận không ít các trường hợp nhập viện vì ngộ độc do ăn thịt cóc. Trung tâm y tế huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai tiếp nhận 3 trường hợp trẻ em ngộ độc do ăn thịt cóc. Các cháu nhỏ cùng trú tại làng Tai Pêr, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh, Gia Lai đã tự làm thịt cóc ăn sau đó có biểu hiện nôn ói, đau đầu. Các bệnh nhân được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức cấp cứu - Trung tâm y tế huyện Chư Sê và sớm bình phục.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu ba Đồng Hới đã tiếp nhận nam thanh niên 24 tuổi, ở Quảng Bình vào cấp cứu tại với biểu hiện khó thở, mạch chậm, đau bụng. Y bác sĩ tích cực cấp cứu, truyền dịch, rửa dạ dày, đặt máy tạo nhịp..., nhưng tình trạng ngộ độc quá nặng, người bệnh đã tử vong trong đêm. Bác sĩ xác định nguyên nhân qua đời do ngộ độc thịt cóc.
Qua thực tế điều trị, TS.BS Hà Thị Bích Vân - Trưởng khoa Cấp cứu - BVĐk tỉnh Phú Thọ lưu ý: Người dân không nên ăn thịt cóc vì cho rằng thịt cóc bổ, chữa được còi xương, suy dinh dưỡng.
Trong gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh cóc có chứa rất nhiều chất độc, đặc biệt là bufotoxin. Đây là một chất cực độc, bền với nhiệt, có thể gây rối loạn nhịp tim và tử vong.
"Độc tố trong cóc được hấp thu qua đường tiêu hóa. Vì thế, khoảng 1-2 giờ sau khi ăn, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng đầu tiên như chướng bụng, đau bụng trên rốn kèm theo nôn mửa dữ dội… có thể bị tiêu chảy. Sau đó, nạn nhân có thêm các triệu chứng như chóng mặt, ảo giác, vã mồ hôi lạnh, tăng tiết nước bọt, có thể khó thở, ngừng thở, ngừng tim và các triệu chứng khác"- TS.BS Bích Vân nói.
Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, lâu nay trong dân gian coi thịt cóc là thực phẩm bổ dưỡng cho người già, hỗ trợ điều trị trẻ em lười ăn, chậm lớn dưới dạng ruốc, bột hoặc thịt tươi dùng để nấu cháo, làm chả cóc... Tuy vậy, khoa học đã chứng minh, trong các tuyến dưới da, tuyến sau tai, tuyến trên mắt, trứng và gan cóc có chứa các độc tố như Bufotalin, Bufotenin, Bufotonin, Epinephrine, Norepinephrine, Serotonin. Do đó, nếu trong quá trình chế biến, các chất này còn lưu lại trên thịt cóc thì sẽ gây ngộ độc rất nguy hiểm.
Ca bệnh đột quỵ tăng, bác sĩ lưu ý “thời gian vàng”
Theo BSCKII. Dương Đăng Hóa, Phụ trách khoa Đột quỵ, BVTW Huế, bệnh tập trung ở người ngoài 60 tuổi với các bệnh đi kèm tim mạch, huyết áp… Nhiều bệnh nặng phải thở máy hoặc hỗ trợ phương tiện. Xu hướng bệnh nhân (BN) trẻ hóa. Ngày cao điểm, chúng tôi tiếp nhận 14-15 ca bệnh, tăng 50% so với thường lệ”.
Gần đây, xuất hiện tình trạng đột quỵ các ca bệnh 40-50 tuổi rơi vào người có bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa mạch máu, nam giới hút thuốc lá nhiều… Đối với người trẻ mắc đột quỵ, tăng huyết áp là nguyên nhân phổ biến nhất, ngoài ra có một tỷ lệ lớn người trẻ đột quỵ do mắc các bệnh lý mạch máu não.
Đột quỵ được chia thành hai loại: Đột quỵ thể tắc mạch và đột quỵ thể xuất huyết. Trường hợp đột quỵ thể tắc mạch, đặc biệt tắc mạch máu não lớn, nếu nhập viện sớm, áp dụng các liệu pháp tái thông kịp thời, BN có thể hồi phục và vượt qua cơn nguy kịch. Với thể đột quỵ thể xuất huyết, nguyên nhân chủ yếu do tăng huyết áp. Trường hợp xuất huyết nặng dẫn đến tỷ lệ tử vong và tàn tật cao dù được điều trị tối ưu.
Đột quỵ gây tử vong, tàn phế hàng đầu đối với người trưởng thành và ngày càng trẻ hóa với người có yếu tố nguy cơ. Tại TTĐQ, trung bình 70-80% BN đột quỵ có di chứng nhất định ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt, lao động và chất lượng cuộc sống. Khoảng 30-40% BN có di chứng nặng và rất nặng. Thời gian trung bình điều trị cho một BN nhẹ là 2-5 ngày; BN mức độ trung bình 1-2 tuần; mức độ nặng, cần hồi sức tích cực, điều trị có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng.
Đột quỵ thường xảy ra đột ngột với các biểu hiện: liệt nửa người, rối loạn ý thức, rối loạn ngôn ngữ, liệt mặt... Khi BN nôn mửa, mất ý thức, tụt lưỡi… có thể áp dụng sơ cứu cho BN nằm nghiêng. Các chuyên gia khuyến cáo không sử dụng các biện pháp dân gian lấy máu 10 đầu ngón tay, dái tai hay uống thuốc An cung bởi điều này có thể làm mất thời gian vàng, gây nhiễm trùng, gây chảy máu nặng nếu dùng thuốc tiêu sợi huyết, bỏ lỡ cơ hội tầm soát và phòng ngừa đột quỵ tái phát. Theo hướng dẫn Cục quản lý dược, Bộ Y tế, thuốc An cung ngưu hoàng hoàn chống chỉ định trong trường hợp tai biến mạch máu não. Ghi nhận ở các bệnh viện trong cả nước, một số BN đột quỵ dùng An cung ngưu hoàng hoàn trước khi nhập viện dẫn đến hậu quả máu chảy não ồ ạt, không thể cứu chữa.
ThS.BS. Lê Vũ Huỳnh, Phó Trưởng khoa Đột quỵ BVTW Huế cho biết: “Đưa người bệnh nhập viện sớm, tỷ lệ can thiệp tái thông mạch máu não thành công cao, hạn chế tổn thương não, hạn chế tai biến, biến chứng. Những trường hợp đột quỵ nguy kịch đến đơn vị điều trị đột quỵ kịp thời vẫn có thể hồi phục ngoạn mục, trung bình có 5-7 BN được hồi phục như vậy mỗi tuần. Có được kết quả này là nhờ truyền thông “thời gian vàng” (những giờ đầu tiên ngay sau khi đột quỵ xảy ra) trong điều trị đột quỵ để người dân nhận thức, đồng thời sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở y tế nhằm chuyển trường hợp bệnh lý mạch máu não phức tạp, đột quỵ đến cấp cứu kịp thời”.
Để phòng, chống bị đột quỵ, những người từ 40 tuổi trở lên có huyết áp cao, mắc bệnh tim mạch cần được sàng lọc, chụp mạch não nhằm dự phòng đột quỵ và có biện pháp can thiệp. Khi có triệu chứng đau đầu, không chủ quan. Người có bệnh nền về đái tháo đường, tăng huyết áp… phải khám bệnh định kỳ. Các bác sĩ lưu ý, nếu có biểu hiện nghi ngờ tăng huyết áp thì nên kiểm tra ngay. Việc điều trị tăng huyết áp cần duy trì đều đặn, bởi bỏ thuốc sẽ dẫn tới tình trạng dao động, gia tăng huyết áp, nguy cơ đột quỵ cao.
Đột quỵ có thể dự phòng sớm, nhất là với những người có yếu tố nguy cơ. Một cuộc sống lành mạnh sẽ giúp giảm khả năng bị đột quỵ: Giảm ăn mặn, tránh thức khuya, bỏ thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia, tăng cường thể dục, tránh thừa cân…
Hệ lụy từ làm đẹp 'cấp tốc'
Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ (33 tuổi) vào viện trong tình trạng phát ban toàn thân, có tiền sử xăm môi trước đó 2 tuần.
Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân này xuất hiện tổn thương Herpes ở môi sau khi xăm 3 ngày. Sau đó được điều trị bằng Acyclovir 1,6g/ngày chỉ dùng trong 2 ngày, và bôi kháng sinh tại chỗ, bệnh nhân hết tổn thương ở môi sau 1 tuần.
Tuy nhiên 1 tuần sau đó, bệnh nhân xuất hiện tổn thương dát đỏ vùng cẳng - bàn tay 2 bên, ngứa nhiều, sau đó rải rác thân mình. Qua thăm khám và hỏi bệnh các bác sĩ chẩn đoán đây là 1 trường hợp hồng ban đa dạng điển hình. Nguyên nhân hướng đến căn nguyên do nhiễm Herpes sau phun xăm môi.
Bên cạnh đó, tiêm filler cũng là phương pháp làm đẹp được ưa chuộng. Tuy nhiên, không ít trường hợp gặp biến chứng vì phương pháp làm đẹp này. Cụ thể, nữ bệnh nhân 22 tuổi, đến Bệnh viện Da liễu Trung ương trong tình trạng tím toàn bộ phần cánh mũi, rãnh mũi môi, môi trên bên trái do tiêm làm đầy rãnh mũi môi (rãnh cười), có mụn nước, mụn mủ, sưng nề đau tức nhiều.
Bệnh nhân may mắn chỉ tắc động mạch bên mũi và môi trên, đến viện kịp thời tiêm thuốc giải. Do đó, chỉ 1 ngày sau, các mụn đã xẹp đi, hồi phục da. Một tuần, bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ bị hoại tử toàn bộ da ở môi, mũi. Ngoài ra, bệnh nhân này may mắn không gặp phải biến chứng mất thị lực hoàn toàn do bị tiêm sai kỹ thuật vùng này.
Thời gian vừa qua, Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ - Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị biến chứng sau khi tiêm chất làm đầy. Theo thông tin từ bệnh viện, những bệnh nhân này sau tiêm có biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau, áp xe, chảy dịch, nhiều khi loét, hoại tử thậm chí là mù khi tiêm gần vùng mắt. Nguyên nhân là do kỹ thuật không đảm bảo vô trùng, tiêm sai vị trí hoặc chất làm đầy không rõ nguồn gốc.
Việc tiêm không đúng này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm chảy máu, nhiễm trùng, tắc mạch mắt dẫn đến mù lòa, tắc mạch não dẫn đến liệt... Những bệnh nhân được tiêm các chất làm đầy kém chất lượng, tiêm sillicon lỏng còn phải chịu đựng biến chứng dai dẳng rất khó khăn để điều trị dứt điểm.
T.M (tổng hợp)