Tin tức Đời sống 30/10: Đột quỵ ở người trẻ gia tăng báo động
Cập nhật tin tức đời sống ngày 30/10: Chuyên gia lo ngại thuốc lá điện tử trộn nhiều chất ma túy gây hại giới trẻ; Gia tăng người trẻ mắc suy thận mạn tính...
Chuyên gia lo ngại thuốc lá điện tử trộn nhiều chất ma túy gây hại giới trẻ
Hút thuốc lá điện tử, cô gái 19 tuổi ở Hà Nội phải nhập viện cấp cứu. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy mẫu thuốc lá bệnh nhân hút chứa nhiều chất ma túy tổng hợp, trong đó có chất lần đầu bác sĩ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ghi nhận.
Bệnh nhân vào Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) hồi tháng 7. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm, cô gái này có tiền sử hút thuốc lá điện tử cách đây 6 tháng.
Trước khi nhập viện khoảng 4 ngày, bệnh nhân luôn cảm giác có người theo dõi và nói trong đầu. Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân có tình trạng run rẩy, vã mồ hôi, rối loạn nhịp tim, rối loạn tâm thần…
Trong 2 sản phẩm thuốc lá điện tử được bệnh nhân mang đến viện, một mẫu chứa 2 chất ma túy tổng hợp (gồm: ADB - Butinaca, MDMB - Butinaca), mẫu còn lại chứa 3 chất (gồm: ADB- 4 en - Pinaca, MDMB - 4 en - Pinaca, EDMB- 4 en- Pinaca); trong đó có 2 chất là loại mới lần đầu tiên ghi nhận tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).
Một trường hợp khác là nam bệnh nhân 23 tuổi (ở Hà Nội) cũng được chẩn đoán ngộ độc ma túy sau khi sử dụng thuốc lá điện tử tại phòng trọ. Thanh niên này được chủ phòng trọ phát hiện và đưa đi cấp cứu.
Cũng là bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử, nam thanh niên T.V.H (22 tuổi, ở Thái Bình) nhập viện Trung tâm Chống độc trong tình trạng tím tái, co giật, nói nhảm, hoang tưởng, mất ngủ, ảo giác, vô niệu hoàn toàn, tổn thương đa cơ quan và nguy cơ ngừng tim. Bệnh nhân phải thở máy, tình trạng tổn thương não rất nặng nề.
Kết quả xét nghiệm phát hiện mẫu thuốc lá bệnh nhân sử dụng có 4 chất ma túy tổng hợp, gồm: MDMB - 4 en - Pinaca, MDMB - Chminaca, ADB- 4 en - Pinaca và ADB - Binaca.
Đây cũng là lần đầu tiên, Trung tâm Chống độc tiếp nhận một mẫu sản phẩm thuốc lá điện tử của bệnh nhân có trộn tới 4 chất ma túy, trong khi bình thường chỉ 1 chất cũng đủ gây nguy hiểm đến tính mạng và tổn thương não cho người sử dụng.
Tình trạng phát hiện có chất gây nghiện trộn trong tinh dầu thuốc lá điện tử khiến người hút ngộ độc không hiếm. Bệnh viện Nhi Trung ương từng tiếp nhận một học sinh cấp 2 ở Hà Nội vào viện trong tình trạng khó thở, co giật, được chẩn đoán ngộ độc thuốc lá điện tử.
Một trường hợp khác, bé trai 5 tuổi, vào Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, trong bệnh cảnh hôn mê, co giật, đồng tử giãn, mạch chậm, suy hô hấp sau 15 phút uống dung dịch trong dụng cụ thuốc lá điện tử.
Các mẫu bệnh phẩm gồm máu, nước tiểu, dung dịch trẻ uống nhanh chóng được xét nghiệm và phát hiện ra dương tính ma túy tổng hợp mới ADB-BUTINACA.
Từ những ca bệnh nêu trên, các bác sĩ cảnh báo, điểm chung của các ca ngộ độc ma túy thế hệ mới là tình trạng rất nặng với những biểu hiện co giật, kích thích, vật vã, ảo giác, không kiểm soát được hành vi, tổn thương não và nhiều cơ quan khác.
"Vấn đề đáng chú ý là dụng cụ thuốc lá điện tử không chứa nicotine thông thường mà lại là vỏ bọc ngụy trang của người lớn sử dụng ma túy tổng hợp", Thạc sĩ, bác sĩ Trần Đăng Xoay, Khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết.
Đáng chú ý, các mẫu xét nghiệm ma túy có trong thuốc lá điện trước đây thường chỉ phát hiện 1 chất, chứ không trộn tới 3-4 chất như gần đây. Khi thuốc lá điện tử phối trộn thêm các chất lạ, chất kích thích, ma túy thì không thể lường trước được hậu quả và có thể dẫn tới những hệ lụy đau lòng, trong khi đối tượng sử dụng hầu hết là người trẻ, học sinh…
Đột quỵ ở người trẻ gia tăng báo động, có 6 dấu hiệu để nhận biết
Tại chương trình nâng cao nhận thức của cộng đồng về đột quỵ diễn ra ngày 29/10, TS Nguyễn Công Hựu – Giám đốc Bệnh viện E cho biết, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 sau các bệnh lý tim mạch và ung thư. Bệnh có thể gây tử vong cao và để lại di chứng nếu không được chữa trị kịp thời.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có 15 triệu người bị đột quỵ trên toàn thế giới, trong đó 5 triệu người chết và 5 triệu người bị tàn tật vĩnh viễn. Nguy cơ đột quỵ tăng theo tuổi, nhất là những người trên 64 tuổi.
Ông Hựu nhấn mạnh, ở Việt Nam, đột quỵ ở người trẻ tuổi có xu hướng gia tăng đáng báo động (khoảng 25% các ca đột quỵ).
Nguyên nhân xuất phát từ việc lạm dụng rượu, bia và sử dụng các chất kích thích (thuốc lá, ma túy), đi kèm với lối sống lười vận động làm gia tăng tình trạng béo phì, cũng như các bệnh lý khác.
Theo các bác sĩ Bệnh viện E, thời gian vàng trong điều trị đột quỵ là từ 4-6 tiếng. Do đó, việc nhận biết sớm được các triệu chứng của đột quỵ là vô cùng quan trọng.
Các bác sĩ khuyến cáo, người bị đột quỵ thường gặp phải các tình trạng (B-E-F-A-S-T) như:
(B) Cảm thấy mất thăng bằng, loạng choạng.
(E) Mờ hoặc mất thị lực một phần hay hoàn toàn.
(F) Khuôn mặt bị mất cân đối, chảy xệ một bên mặt, nhân trung bị lệch.
(A) Cơ thể mệt mỏi, không sức lực, khó khăn trong vận động, bị liệt một bên người.
(S) Giọng nói bị thay đổi, khó khăn trong phát âm, nói ngọng bất thường.
(T) Khi bắt gặp những triệu chứng trên, hãy gọi ngay cho số cấp cứu 115 hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Gia tăng người trẻ mắc suy thận mạn tính
TS Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa nội thận - tiết niệu của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chia sẻ, đang có gần 130 bệnh nhân lọc máu chu kỳ tại khoa. Trong 5 năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân trẻ mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ tăng khoảng 5 - 10%. Có trường hợp nam thanh niên 18 tuổi được phát hiện bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối khi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
"Nhóm bệnh nhân trẻ đang tuổi lao động, do vậy hệ lụy suy thận mạn tính làm giảm sức khỏe của người bệnh và giảm sức lao động của gia đình, xã hội, để lại gánh nặng kinh tế cho gia đình và ngành y tế", ông Tuyên cho biết.
Theo PGS.TS Đỗ Gia Tuyển, Giám đốc Trung tâm thận - tiết niệu - lọc máu của Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm Việt Nam có thêm 8.000 người bị bệnh thận.
Vị chuyên gia này cho rằng, triệu chứng của bệnh suy thận thường mơ hồ, không có các biểu hiện rõ ràng, nhất là những người trẻ có tâm lý chủ quan, lơ là, bỏ qua những biểu hiện bất thường của cơ thể.
Khi xuất hiện những biểu hiện rõ ràng, bệnh nhân hầu hết đều đã ở giai đoạn cuối phải chỉ định lọc máu chu kỳ. Nếu không được chạy thận nhân tạo, suy thận sẽ gây ra các biến chứng có thể khiến tử vong.
Các bác sĩ khuyến cáo yếu tố di truyền, hay các bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận, thận đa nang, nhiễm khuẩn, bệnh tự miễn... nếu không được quan tâm, điều trị sẽ dẫn tới suy thận mạn.
Ngoài ra, với cuộc sống đô thị hiện đại, thói quen sinh hoạt không lành mạnh như tình trạng ăn uống thừa năng lượng, thức ăn chế biến sẵn nhiều hóa chất bảo quản, lạm dụng các loại đồ uống, cùng lối sống ít vận động thể lực cũng là những nguyên nhân dẫn tới trẻ hóa suy thận mạn.
"Với người có bệnh lý nền, cần được thăm khám, điều trị ổn định. Mọi người cũng cần đi kiểm tra định kỳ để tầm soát bệnh này, phát hiện sớm sẽ giúp có biện pháp dự phòng và điều trị để làm chậm tiến triển của bệnh thận mạn tính. Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp bảo tồn chức năng thận, kéo dài thời gian vào chạy thận, đồng thời giúp hạn chế biến chứng của bệnh thận mạn hay đợt cấp suy thận mạn", BS Đỗ Gia Tuyển cho biết.
Còn TS Nguyễn Văn Tuyên thì nhấn mạnh: "Khác với suy thận cấp có khả năng hồi phục hoàn toàn thì suy thận mạn không thể chữa khỏi được. Nếu phát hiện sớm và điều trị bảo tồn sẽ giúp làm chậm tiến triển của bệnh, kéo dài thời gian đến giai đoạn phải điều trị thay thế thận, do thận bị mất chức năng quá nặng".
T.M (tổng hợp)