Tin tức Đời sống 4/11: Loại virus lây từ mẹ khiến con có thể bị ung thư ở tuổi 20

Cập nhật tin tức đời sống ngày 4/11: Tiết lộ sốc về nguyên nhân chính gây bệnh gout; Loại virus lây từ mẹ khiến con có thể bị ung thư ở tuổi 20...

Tiết lộ sốc về nguyên nhân chính gây bệnh gout

Nhà dịch tễ học Tony Merriman đến từ Đại học Otago (New Zealand) cho biết: "Gout là một căn bệnh mạn tính có tính di truyền và không phải là lỗi của người mắc bệnh. Quan niệm sai lầm cho rằng bệnh gút là do lối sống hoặc chế độ ăn uống cần phải được xóa bỏ".

Đó là kết luận mà ông và các cộng sự đã đưa ra sau khi xem xét dữ liệu di truyền được thu thập từ 2,6 triệu người trên 13 nhóm dữ liệu DNA khác nhau, bao gồm hơn 120.000 người mắc bệnh gout loại phổ biến.

Theo Sciece Alert, nhóm nghiên cứu đã so sánh mã di truyền của những người mắc bệnh gout với những người không mắc bệnh.

Từ đó, tìm thấy 377 vùng DNA cụ thể có những biến thể đặc trưng cho tình trạng bệnh này. Trong số đó có 149 vùng trước đây chưa từng được cho là liên quan đến bệnh gout.

Mặc dù các yếu tố về lối sống và môi trường chắc chắn vẫn có tác động, nhưng những phát hiện này cho thấy yếu tố di truyền mới là thứ đóng vai trò chính đối với căn bệnh này.

Các nhà nghiên cứu cho rằng có thể vẫn còn nhiều liên kết di truyền chưa được khám phá, tức tác động của di truyền có thể còn mạnh mẽ hơn.

Bệnh gout xảy ra khi nồng độ axit uric trong máu cao, sau đó hình thành các tinh thể sắc nhọn trong khớp.

Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bắt đầu tấn công các tinh thể này, nó sẽ dẫn đến những cơn đau.

Các nhà nghiên cứu cho rằng di truyền đóng vai trò quan trọng trong mọi giai đoạn của quá trình này, đặc biệt là quá trình hệ miễn dịch tấn công các tinh thể và cách axit uric được vận chuyển khắp cơ thể.

Bệnh gout có thể đến rồi đi, nhưng vẫn có cách điều trị. Các tác giả gọi quan điểm bệnh gout là do lối sống là một "huyền thoại" và khiến nhiều người cảm thấy xấu hổ, chọn cách âm thầm chịu đựng và không điều trị tích cực.

Theo các tác giả, ngoài việc giúp mọi người hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây bệnh gout, nghiên cứu mới này còn cung cấp cho các nhà khoa học nhiều lựa chọn hơn để khám phá khi nói đến phương pháp điều trị.

Điều này bao gồm việc quản lý phản ứng miễn dịch đối với sự tích tụ axit uric.

Trên thực tế, các loại thuốc hiện có có thể được sử dụng lại cho mục đích này, theo bài công bố trên tạp chí Nature Genetics.

Đối với bệnh nhân, phát hiện này không đồng nghĩa với việc khuyên mọi người coi nhẹ tác động của các yếu tố lối sống.

Ngược lại, nó cho thấy những người dễ bị tăng axit uric, đã từng bị cơn gout tấn công hay có tiền sử gia đình liên quan đến bệnh này nên cẩn thận hơn về cách ăn uống, tăng cường vận động nhằm giảm bớt rủi ro sẵn có từ yếu tố di truyền.

Nguyên nhân di truyền của bệnh gout mạnh mẽ hơn nhiều so với những rủi ro từ lối sống (ảnh minh họa: MEDICAL XPRESS).

Nguyên nhân di truyền của bệnh gout mạnh mẽ hơn nhiều so với những rủi ro từ lối sống (ảnh minh họa: MEDICAL XPRESS).

Loại virus lây từ mẹ khiến con có thể bị ung thư ở tuổi 20

Nếu nhiễm virus viêm gan B bẩm sinh từ mẹ, người con có thể bị xơ gan chuyển sang ung thư gan khi 20-30 tuổi.

Thông tin trên được bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chia sẻ tại Hội nghị toàn quốc về Bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS mới được tổ chức.

Theo bác sĩ Cấp, ung thư gan đang là bệnh đứng đầu trong các loại ung thư ở Việt Nam và thủ phạm chủ yếu gây bệnh này là nhiễm viêm gan virus B và C.

Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 20% dân số nhiễm viêm gan virus B, C. Trong hơn 90% trường hợp, virus được loại bỏ tự nhiên sau khi nhiễm bệnh, không trở thành mạn tính. Số bệnh nhân còn lại không loại bỏ được virus và trở thành "người mang mầm bệnh mạn tính" hay "viêm gan virus B mạn" với nguy cơ sau đó xuất hiện xơ gan hoặc ung thư gan , đặc biệt với trường hợp không theo dõi và điều trị cụ thể.

Bác sĩ Cấp khuyến cáo, nhiều người nghĩ viêm gan B chung sống hòa bình nhưng nếu không kiểm soát tải lượng virus, gan sẽ bị phá hủy trầm trọng lâu dần dẫn tới xơ gan, ung thư gan. Người bệnh cần kiểm soát tốt, kéo lượng virus xuống thấp sẽ không gây hại và lây nhiễm cho người khác.

Đặc biệt, bác sĩ Cấp cảnh báo trẻ nhỏ lây nhiễm viêm gan virus B từ mẹ rất nguy hiểm, khả năng tiến triển thành xơ gan, ung thư gan khi 20-30 tuổi. "Đây là vấn đề tệ hại nếu chúng ta không quan tâm tới sàng lọc viêm gan virus ở phụ nữ mang thai", bác sĩ Cấp nói.

Để phòng lây bệnh cho con, người mẹ phải không nhiễm virus viêm gan B. Trường hợp mẹ đã nhiễm virus cần điều trị để kéo ngưỡng virus về thấp nhất có thể và quá trình sinh nở cần được kiểm soát thật tốt.

Những đứa trẻ lây viêm gan B từ mẹ phải tiêm huyết thanh loại bỏ sớm virus để gan không nhiễm bệnh.

Thời gian đầu, người bệnh viêm gan B có thể xuất hiện dấu hiệu giống như cúm (sốt, đau cơ và khớp), sau đó mệt mỏi, vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu. Những dấu hiệu này dần biến mất sau 2 đến 6 tuần. Viêm gan B cấp tính sẽ tiến triển theo hướng khỏi hoặc trở thành mạn tính. Trong những trường hợp rất hiếm, viêm gan B cấp tính có thể ở thể gây tổn thương thần kinh, nguy cơ hôn mê và tử vong.

Bác sĩ Cấp khuyến cáo, tất cả phụ nữ mang thai nên được xét nghiệm HBsAg. Phụ nữ đang mang thai phải kiểm tra xem có viêm gan B hay không trước khi sinh con. Trong cộng đồng, người dân cần tiêm phòng đầy đủ, thường xuyên kiểm tra chức năng gan, xét nghiệm sàng lọc viêm gan virus.

Biện pháp đơn giản để kiểm soát mỡ máu

GS.TS Trương Quang Bình, nguyên Phó giám đốc, Chủ tịch hội đồng khoa học Bệnh viện Y dược TP.HCM, cho biết mỡ máu cao có thể là do di truyền, cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh như: đái tháo đường, béo phì, suy giáp, hội chứng thận hư

Ngoài ra, bệnh còn chịu tác động từ lối sống như ít vận động, ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, giàu năng lượng, nghiện rượu hoặc do một số thuốc…

Nếu bạn mắc một trong các bệnh kể trên mà trong đó tăng lipid máu chỉ là một biểu hiện của bệnh, sau khi điều trị ổn các bệnh này, lipid máu có thể trở về bình thường.

Đối với người bị rối loạn chuyển hóa lipid nguyên phát (không có nguyên nhân), việc điều trị trước tiên là áp dụng các biện pháp không dùng thuốc như thay đổi chế độ ăn, tăng cường vận động thể lực. Đối với những trường hợp nhẹ, các biện pháp nêu trên đã đủ để ổn định mỡ máu.

Đối với trường hợp tăng mỡ máu nặng hơn, không kiểm soát được bằng các biện pháp không dùng thuốc, người bệnh có thể được điều trị bằng thuốc hạ mỡ máu. Thông thường, thuốc hạ mỡ máu sẽ được dùng trong 6-12 tháng. Sau đó, nếu mỡ máu trở về mức bình thường, bạn sẽ được giảm liều hoặc ngưng thuốc.

Chỉ số mỡ máu sẽ được kiểm tra mỗi 3-6 tháng. Nếu mỡ máu tăng lại dù bạn đã ăn kiêng và vận động đúng cách thì thời gian dùng thuốc sẽ kéo dài hơn. Trong trường hợp này, có thể bạn đã bị rối loạn di truyền về chuyển hóa lipid.

Bên cạnh việc vận động, người bệnh mỡ máu cao nên tuân thủ chế độ dinh dưỡng sau đây để cải thiện tình trạng bệnh:

- Giảm lượng chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày (<30% tổng năng lượng hàng ngày)

- Không nên ăn nhiều thức ăn chiên, nên ăn thức ăn luộc, nấu

- Không ăn thịt mỡ, thịt bò, da thịt gà quá nhiều, hạn chế thức ăn chế biến sẵn

- Thường xuyên ăn cá (nhưng tránh tôm, cua) thay thế thịt heo, bò…

- Sử dụng dầu thực vật (trừ dầu dừa) thay cho mỡ động vật, ăn nhiều rau xanh, trái cây có chất xơ

- Đối với người tăng triglyceride thì hạn chế ăn nhiều thức ăn ngọt và không uống rượu bia

T.M (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tin-tuc-doi-song-4-11-loai-virus-lay-tu-me-khien-con-co-the-bi-ung-thu-o-tuoi-20-204241104115018905.htm