Tin tức Đời sống 5/12: Dấu hiệu mắc ho gà thường gặp
Cập nhật tin tức đời sống ngày 5/12: Bộ Y tế khuyến cáo cách phòng, chống dịch bệnh lây qua đường hô hấp; Dấu hiệu mắc ho gà thường gặp...
Bộ Y tế khuyến cáo cách phòng, chống dịch bệnh lây qua đường hô hấp
Để phòng, chống các dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp, ngày 4/12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo để người dân không được chủ quan, lơ là và chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân.
Theo đó, mọi người đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người; thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà-phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng…
Người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín; bảo đảm an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm; tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở… Khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Dấu hiệu mắc ho gà thường gặp
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, bệnh ho gà xuất hiện ở mọi nơi trên thế giới và thường xảy ra ở trẻ em. Trước khi có vắc-xin, bệnh ho gà phát triển mạnh và bùng nổ thành dịch có tính chu kỳ khoảng 3 - 4 năm ở nhiều nước.
Sau hơn 40 năm sử dụng vắc-xin cùng với việc cải thiện đời sống và chăm sóc sức khỏe, tỷ lệ mắc bệnh ho gà trên thế giới đã giảm xuống từ 100 - 150 lần vào năm 1970. Song, ở thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ 20, tỷ lệ mắc ho gà lại tiếp tục tăng.
Từ năm 1992 - 1994, có 15.286 trường hợp bệnh được báo cáo với tỷ lệ chết là 0,2%. Trong số mắc này, có 50% bệnh nhân chưa được tiêm vắc-xin ho gà. Kết quả nghiên cứu dịch tễ học cho biết, số mắc thật còn cao hơn số được báo cáo và miễn dịch bảo vệ được tạo thành của vắc-xin toàn tế bào ho gà bị suy giảm nhanh nên vẫn bị mắc bệnh.
Ở Việt Nam, bệnh ho gà lưu hành ở mọi nơi trong cả nước. Khi chưa thực hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR), bệnh ho gà thường xảy ra và phát triển thành dịch ở nhiều địa phương, đặc biệt nghiêm trọng ở miền núi là nơi có trình độ kinh tế - xã hội phát triển thấp.
Trong vụ dịch, bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản - phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng. Dịch có tính chu kỳ khoảng 3 - 5 năm.
ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng - Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, vi khuẩn Bordetella Pertussis là tác nhân gây bệnh ho gà ở trẻ.
Triệu chứng của bệnh ho gà có thể thay đổi theo độ tuổi và khả năng miễn dịch của trẻ. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bệnh ho gà có thể có biểu hiện ho hoặc không ho hay khụ khụ như trẻ lớn hơn. Trẻ có thể thở hổn hển, thậm chí là ngưng thở, mặt đỏ, tệ hơn là mặt chuyển sang màu tím hoặc xanh trong vài giây.
Ở trẻ lớn hơn, thanh thiếu niên đã được tiêm vắc-xin ngừa bệnh, các triệu chứng của ho gà diễn ra ở mức độ nhẹ. Ngoài ra, các triệu chứng của ho gà có thể xuất hiện với mức độ nghiêm trọng khác nhau theo từng giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn Catarrhal kéo dài từ 1 - 2 tuần, trẻ ho nhẹ và sổ mũi. Một số trường hợp trẻ có thể sốt nhẹ. Cơn ho của bệnh ho gà có diễn tiến ngày càng nặng hơn. Giai đoạn kịch phát kéo dài từ 2 - 8 tuần, với mức độ cơn ho đặc biệt trở nên nghiêm trọng trong 2 - 3 tuần đầu có thể giảm dần sau đó.
Cơn ho kéo dài, dữ dội và liên tục. Giữa cơn ho gần như không có nhịp thở. Điều này khiến trẻ khó thở, da tím tái và có thể nôn mửa sau cơn ho. Về đêm, cơn ho trở nên khó chịu hơn. Tình trạng nôn trớ sau ho gà có độ nhạy 60% và độ đặc hiệu 66%, phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Giai đoạn lui bệnh thường kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Nghiên cứu cho thấy, ở trẻ từ 5 - 16 tuổi, bệnh ho gà thường kéo dài trung bình khoảng 112 ngày. Tuy nhiên, cơn ho có thể tái phát hoặc trở nặng khi trẻ nhiễm trùng đường hô hấp trên.
“Bệnh ho gà có nguy cơ mắc và tỷ lệ tử vong cao hơn nếu trẻ thuộc nhóm: Sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi; Trẻ chưa tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin ngừa bệnh ho gà; Trẻ mắc bệnh béo phì, hen suyễn…”, ThS Tùng cho biết.
Theo chuyên gia này, nếu trẻ có các dấu hiệu của ho gà hoặc nghi ngờ mắc bệnh, phụ huynh nên đưa con đến bệnh viện để được thăm khám càng sớm càng tốt.
Bên cạnh việc thăm khám lâm sàng và các thông tin về bệnh sử của trẻ, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm khác gồm: Xét nghiệm dịch hầu họng; Xét nghiệm máu; Chụp X-quang ngực.
Kinh khủng thanh sắt dài 40 cm đâm xuyên bẹn thanh niên 34 tuổi
Anh T.V, 34 tuổi, ở Thường Tín, Hà Nội, bị ngã vào thanh sắt ở đầu cọc bê tông tại công trường xây dựng từ đêm, nhưng do trong đêm, không ai phát hiện nên phải nằm tại đó đến sáng mới được người đi đường đưa đi cấp cứu.
Khoa Cấp cứu - BVĐK Đức Giang (Hà Nội) tiếp nhận anh T.V trong tình trạng sốc, đau nhiều do bị dị vật (thanh sắt dài khoảng 40 cm) đâm xuyên thấu qua vùng bẹn xuyên qua bờ trên khớp háng và xuyên thủng ra sau mông bên phải.
Ngay sau khi tiếp nhận, bệnh nhân được hồi sức chống sốc, kiểm soát huyết động ổn định và thực hiện các chỉ định cận lâm sàng cần thiết.
Toàn bộ kíp trực ngoại đã tổ chức hội chẩn cấp cứu, đánh giá tình trạng, nhận thấy bệnh nhân có nguy cơ bị tổn thương thần kinh mạch máu và nguy cơ mất chức năng của chi, nhiễm trùng nếu không can thiệp kịp thời nên đã được chỉ định mổ cấp cứu.
Tiến hành song song cùng 1 lúc 2 kíp phẫu thuật cho bệnh nhân. Kíp thứ nhất bộc lộ và xử lý tổn thương mạch máu ở vùng bẹn và đùi. Kíp thứ 2 bộc lộ bảo vệ dây thần kinh và bao khớp phía sau.
Sau hơn 1 giờ phẫu thuật thanh sắt đã được rút ra 1 cách an toàn, các tổ chức đụng dập được cắt lọc sạch sẽ, các mảnh rỉ sắt và các dị vật được lấy bỏ toàn bộ. Dự kiến khoảng 2 tuần nữa bệnh nhân có thể xuất viện.
TS Trần Trung Kiên - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết: "Do tiên lượng được các tổn thương có thể xảy ra khi di chuyển, thay đổi tư thế bệnh nhân, ê-kíp đã sắp xếp để từng chuyên khoa thực hiện thao tác. Nhờ vậy đã không gây ra thêm bất cứ tổn thương nào khi rút bỏ thanh sắt.
Với các trường hợp bệnh nhân bị tổn thương như vậy, điều quan trọng là phải sơ cứu đúng cách, cố định tốt dị vật trong quá trình di chuyển bệnh nhân để các bác sĩ có thể xử trí tốt hơn, tuyệt đối không được tự ý rút bỏ các dị vật vì có thể gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh".
Bên cạnh đó cũng rất mong các công trường xây dựng cần có các biển báo, rào chắn cẩn thận để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc TS Trần Trung Kiên - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết thêm.
T.M (tổng hợp)