Tin tức kinh tế 16/4: tổng dư nợ tín dụng lên mức kỷ lục 16,23 triệu tỷ đồng

Giá vàng đồng loạt tăng mạnh; tổng dư nợ tín dụng lên mức kỷ lục 16,23 triệu tỷ đồng; Việt Nam được xem là hình mẫu thành công trong thu hút FDI… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 16/4.

Tổng dư nợ tín dụng lên mức kỷ lục 16,23 triệu tỷ đồng

Tính đến hết quý I/2025, tăng trưởng tín dụng đạt 3,93%, gấp 2,5 lần so với mức tăng 1,42% vào cùng kỳ năm trước. Điều này đồng nghĩa có khoảng 613.700 tỷ đồng đã được bơm vào nền kinh tế, đưa tổng dư nợ tín dụng lên mức kỷ lục 16,23 triệu tỷ đồng.

Tin tức kinh tế 16/4: tổng dư nợ tín dụng lên mức kỷ lục 16,23 triệu tỷ đồng. Ảnh minh họa.

Tin tức kinh tế 16/4: tổng dư nợ tín dụng lên mức kỷ lục 16,23 triệu tỷ đồng. Ảnh minh họa.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh một số khu vực cho thấy, tăng trưởng tín dụng trong quý I tại nhiều khu vực khởi sắc. Trong đó, tại Khu vực 1, dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt khoảng 863.207 tỷ đồng, chiếm 19,2% tổng dư nợ trên địa bàn.

Giá vàng đồng loạt tăng mạnh

Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay tăng 1,9% lên 3.287,79 USD/ounce

Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 108,5-111 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 3 triệu đồng/lượng 2 chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Giá vàng nhẫn tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 106-109 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 3 triệu đồng/lượng 2 chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Hộ kinh doanh có doanh thu 1 tỷ đồng trở lên phải sử dụng hóa đơn điện tử

Từ 1/6 tới đây, các hộ kinh doanh cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 1 tỷ đồng trở lên, sẽ phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, có kết nối dữ liệu điện tử với cơ quan Thuế. Đây là quy định tại Nghị định số 70 của Chính phủ.

Những lĩnh vực ngành nghề áp dụng đó là bán lẻ hàng hóa, ăn uống, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vận tải hành khách, vui chơi, giải trí… Các hộ kinh doanh sẽ phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Hóa đơn này giúp nhận biết dễ dàng và không bắt buộc có chữ ký số.

Ngoài ra, Nghị định 70 cũng quy định rõ nội dung của hóa đơn điện tử phải có thông tin về người bán, người mua, hàng hóa, dịch vụ, giá trị thanh toán và mã của cơ quan thuế để tra cứu thông tin.

Dòng vốn 100.000 tỷ sắp chảy vào nông, lâm, thủy sản

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng cho lĩnh vực nông, lâm, thủy sản với tổng quy mô 100.000 tỷ đồng. Quyết định này được đưa ra theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 46/NQ-CP và Chỉ thị 05/CT-TTg1, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất trong bối cảnh ngành nông nghiệp chịu nhiều áp lực từ thị trường xuất khẩu, giá nguyên vật liệu và thiên tai.

Đối tượng vay vốn là những khách hàng có dự án hoặc phương án sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Chương trình sẽ kéo dài đến khi tổng doanh số cho vay đạt mức 100.000 tỷ đồng theo đăng ký của các ngân hàng thương mại.

Nhiều ngân hàng thương mại lớn sẽ tham gia chương trình này, bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), BIDV, Vietcombank, VietinBank và nhiều ngân hàng khác như Sacombank, ACB, MB, Nam A Bank, OCB, Eximbank, Bản Việt, SHB, VietBank, HDBank. Các ngân hàng có trách nhiệm theo dõi, thống kê kết quả và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo NHNN.

Việt Nam được xem là hình mẫu thành công trong thu hút FDI

Tại Lễ công bố Báo cáo thường niên về FDI năm 2024 với chủ đề “Thu hút FDI vào công nghiệp bán dẫn, công nghệ tương lai, năng lượng sạch, khoa học và công nghệ, đào tạo đội ngũ lao động có kỹ năng”, GS TS Nguyễn Mại cho biết, năm 2024, khu vực FDI góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP trên 7%. Khu vực này cũng nộp ngân sách Nhà nước khoảng 20,49 tỷ USD, chiếm 24,7% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2024, vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh vốn và góp vốn mua cổ phần (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38,2 tỷ USD, giảm 3,0% so cùng kỳ; vốn đăng ký các dự án mới chiến tỷ lệ 51,6%, vốn điều chỉnh tăng thêm chiếm 36,5%, vốn GVMCP chiếm 11,9%. Vốn FDI thực hiện đạt khoảng 25,3 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023.

Báo cáo Thường niên về FDI năm 2024 nhận định Việt Nam đang được xem là hình mẫu thành công trong thu hút FDI nhờ thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện; nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho rằng, mục tiêu tăng trưởng xanh là mục tiêu khó, trong khi số lượng tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam chưa nhiều, các doanh nghiệp FDI cũng gặp khó khăn trong việc hướng tới tăng trưởng xanh.

Đoàn Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tin-tuc-kinh-te-16-4-tong-du-no-tin-dung-len-muc-ky-luc-16-23-trieu-ty-dong.675423.html