Tin tức kinh tế 21/11: xuất nhập khẩu 11 tháng bằng cả năm 2023
Giá vàng thế giới tăng mạnh; Việt Nam dẫn đầu xu hướng dịch chuyển sản xuất toàn cầu; xuất nhập khẩu 11 tháng bằng cả năm 2023… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 21/11.
Xuất nhập khẩu 11 tháng bằng cả năm 2023
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 11/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta đã đạt hơn 681 tỷ USD, tức là bằng cả năm 2023.
Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 352 tỷ USD. Các nhóm hàng đạt kim ngạch tỷ đô, có thể kể đến gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử; điện thoại; dệt may; giày dép. Dự kiến, kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay có thể đạt khoảng 780 tỷ USD.
Chiều ngược lại, nhập khẩu nửa đầu tháng 11 đạt 16,7 tỷ USD. Như vậy, cán cân trong nửa đầu tháng này khá cân bằng.
Giá vàng thế giới tăng mạnh
Giá vàng thế giới trong ngày 21/11 giao ngay ở mức 2.649,88 USD/Ounce, tăng 22,69 USD/Ounce, tương đương với mốc tăng 0,86 % trong 24 giờ qua.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 21/11, giá vàng miếng SJC tại Hà Nội niêm yết ở mức 83,7-86,2 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Giá vàng nhẫn tại Công ty SJC, giao dịch ở mức 83,6 - 85,7 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 1 triệu đồng/lượng chiều mua và 800.000 đồng/lượng chiều bán so với cuối ngày hôm qua.
Giá vàng nhẫn tại DOJI được doanh nghiệp giao dịch ở mức 85,83 - 85,78 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 500.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Xuất khẩu cá ngừ lập đỉnh 2 năm
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 10 đạt gần 93 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là lần đầu tiên trong 25 tháng qua, giá trị xuất khẩu cá ngừ theo tháng của Việt Nam đạt mức hơn 90 triệu USD.
Lũy kế 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt hơn 821 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023.
Việt Nam dẫn đầu xu hướng dịch chuyển sản xuất toàn cầu
Theo dữ liệu của S&P Global Market Intelligence, Việt Nam đã vượt qua Mexico trở thành nước dẫn đầu trong xu hướng dịch chuyển sản xuất toàn cầu. Khảo sát cho thấy, Việt Nam ngày càng có sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp quốc tế.
Hơn 35% các công ty Việt Nam ghi nhận nhu cầu từ các nhà sản xuất đa quốc gia tăng lên trong năm vừa qua. Lực lượng lao động tay nghề cao của Việt Nam cũng là một trong những yếu tố để các công ty cân nhắc dịch chuyển địa điểm sản xuất.
Bên cạnh đó, là các lợi thế như vị trí địa lý như dễ dàng tiếp cận với các thị trường lớn ở châu Á. Chính phủ Việt Nam cũng thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư nước ngoài.
World Bank đề xuất cho Việt Nam vay hơn 11 tỷ USD trong 5 năm tới
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã có buổi tiếp Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Manuela V. Ferro và Giám đốc Quốc gia WB Mariam J. Sherman tại Việt Nam, Lào và Campuchia.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh WB luôn là đối tác gần gũi, đáng tin cậy của Việt Nam, đặc biệt trong việc hỗ trợ các dự án kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng bền vững. Ông cũng đánh giá cao sự đồng hành của WB trong các dự án hạ tầng quan trọng, giúp Việt Nam tăng cường kết nối quốc tế và nâng cao năng lực phát triển.
Đặc biệt, WB đã đề xuất kế hoạch tài trợ hơn 11 tỷ USD cho Việt Nam trong vòng 5 năm tới, tập trung vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng tái tạo, phát triển nông nghiệp bền vững…