Tin tức kinh tế ngày 15/3: Thịt ngoại giá 'siêu rẻ' ồ ạt tràn vào Việt Nam

Đề xuất hạn chế mua bán vàng miếng thanh toán bằng tiền mặt; Doanh nghiệp phân bón kiến nghị giảm thuế xuất khẩu về 0%; Thịt ngoại giá 'siêu rẻ' ồ ạt tràn vào Việt Nam… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 15/3.

Thịt ngoại giá “siêu rẻ” ồ ạt tràn vào Việt Nam (Ảnh minh họa)

Thịt ngoại giá “siêu rẻ” ồ ạt tràn vào Việt Nam (Ảnh minh họa)

Giá vàng trong nước tăng, thế giới giảm

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 15/3, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 2163,1 USD/ounce, giảm 12,02 USD so với cùng thời điểm ngày 14/3.

Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 15/3, giá vàng SJC trong nước được niêm yết tại TP HCM ở mức 79,4-81,4 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 1.200.000 đồng ở chiều mua và tăng 700.000 đồng ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 14/3.

Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 79,3 -81,3 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 1.300.000 đồng ở chiều mua và tăng 800.000 đồng ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 14/3.

Giá USD chợ đen tăng phi mã

Theo khảo sát, hiện giá mua USD trên thị trường tự do đang cao hơn tại các ngân hàng thương mại khoảng 1.000 đồng, còn giá bán USD “chợ đen” cao hơn tại nhà băng khoảng 750 đồng.

Trong những ngày gần đây, giá USD trên thị trường liên ngân hàng liên tục tăng. Tại các ngân hàng thương mại, giá USD tăng 1,9% so với cuối năm ngoái, trong khi giá USD trên thị trường tự do tăng hơn 3,8%. Thậm chí, trong ngày 4/3 vừa qua, giá đồng bạc xanh có lúc lập kỷ lục lên tới 25.700 VND/USD (bán).

Việc tỷ giá USD/VND tăng trở lại giúp doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi nhưng lại là nỗi buồn của doanh nghiệp nhập khẩu, nhất là những doanh nghiệp vay nợ bằng USD sẽ chịu tác động mạnh.

Thị trường bất động sản sẽ phục hồi từ cuối quý II/2024

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam, thị trường sẽ chính thức phục hồi từ cuối quý II/2024. Tuy nhiên, xu hướng tốc độ đi lên khá chậm và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan.

“Dù đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, nhưng thị trường BĐS vẫn còn đó những khó khăn và để tháo gỡ, rất cần sự dũng cảm, dám nhìn thẳng vào sự thật.

Đề xuất hạn chế mua bán vàng miếng thanh toán bằng tiền mặt

NHNN Chi nhánh TP HCM kiến nghị NHNN nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách và quy định hạn chế việc thanh toán mua bán vàng miếng bằng tiền mặt nhằm phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro phát sinh trong hoạt động kinh doanh vàng miếng của các đơn vị, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và phòng chống hoạt động rửa tiền.

Đồng thời, NHNN Chi nhánh TP HCM cũng đề xuất quy định trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến quản lý thị trường vàng (gồm cả vàng miếng và sản xuất, gia công vàng trang sức mỹ nghệ). Trong đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật thị trường cũng như kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu đầu vào và chất lượng sản phẩm.

Doanh nghiệp phân bón kiến nghị giảm thuế xuất khẩu về 0%

Góp ý dự thảo Nghị định về biểu thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi, Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiến nghị áp thuế xuất khẩu 0% với phân bón ure và supe lân, thay vì mức 5% hiện hành. Nguyên nhân, theo hiệp hội này, năng lực sản xuất trong nước đang dư thừa so với nhu cầu.

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam cần 1,7-2 triệu tấn, thấp hơn 23-35% mức sản xuất của 4 nhà máy Đạm Phú Mỹ, Cà Mau, Hà Bắc và Ninh Bình. Tức là, sản xuất trong nước đang dư thừa, buộc doanh nghiệp phải xuất khẩu để duy trì công suất.

Thịt ngoại giá “siêu rẻ” ồ ạt tràn vào Việt Nam

Theo phản ánh của cơ quan chức năng và truyền thông, trong năm 2023 và những tuần đầu của năm 2024, mỗi ngày có từ 6.000-8.000 con lợn thịt (khối lượng 100-120kg/con) được nhập lậu vào Việt Nam, chưa kể lượng lớn trâu, bò, gà thải loại, gà giống...

Các hiệp hội hội cho rằng, việc nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm chăn nuôi vào nước ta là vấn đề hệ trọng, gây lan truyền dịch bệnh, nhất là những dịch bệnh nguy hiểm. Trong đó có bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh cúm gia cầm và viêm da nổi cục trên trâu bò.

Chưa kể, đó còn là các loại thực phẩm đã gần hết hạn sử dụng nên có giá rất rẻ, chỉ bằng 1/3 giá trong nước cùng loại. Việc này cũng gây rủi ro lớn về chất lượng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, nhất là ở khu vực bếp ăn tập thể cho học sinh, quân nhân, công nhân... đang là đối tượng sử dụng phần lớn các loại thực phẩm đông lạnh nhập khẩu.

P.V (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-tuc-kinh-te-ngay-153-thit-ngoai-gia-sieu-re-o-at-tran-vao-viet-nam-707445.html