Tin tức kinh tế ngày 19/3: Nông sản đón nhận nhiều đơn hàng xuất khẩu
Nông sản đón nhận nhiều đơn hàng xuất khẩu; Xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc tăng 27 lần; Giá sầu riêng nghịch vụ tăng mạnh… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 19/3.
Giá vàng quay đầu tăng nhẹ
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 19/3, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 2161,19 USD/ounce, tăng 8,87 USD so với cùng thời điểm ngày 18/3.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 19/3, giá vàng SJC trong nước được niêm yết tại TP HCM ở mức 79,9-81,9 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 400.000 đồng ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 18/3.
Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 79,3 -81,3 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 100.000 đồng ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 18/3.
Xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc tăng 27 lần
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính tới cuối tháng 2, xuất khẩu (XK) tôm hùm đạt gần 30 triệu USD, tăng 1.746% so với mức 1,6 triệu USD cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, XK tôm hùm xanh (tôm hùm đá) chiếm hơn 90% với 27,6 triệu USD, tăng gấp 80 lần, tiếp đến là tôm hùm bông đạt 2,15 triệu USD, tăng gấp 45 lần so với cùng kỳ.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu (NK) lớn nhất đối với sản phẩm tôm hùm của Việt Nam, với giá trị gần 29 triệu USD, cao gấp 27 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Nông sản đón nhận nhiều đơn hàng xuất khẩu
Nông sản đang là “bức tranh sáng” trong tổng thể hoạt động xuất khẩu những tháng đầu năm khi hàng loạt mặt hàng liên tục đón nhận nhiều đơn hàng xuất khẩu.
Thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, so với cùng kỳ năm ngoái, 2 tháng đầu năm nay giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam tăng mạnh so với cùng kỳ. Theo đó, bình quân giá gạo xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt 699 USD/tấn, tăng 32,2%; cà phê 3.153 USD/tấn, tăng 44,7%; hạt tiêu 4.041 USD/tấn, tăng 28,7%...
Theo các chuyên gia, mặc dù thị trường xuất khẩu nông sản đang có nhiều tín hiệu tích cực, song để bảo đảm sự phát triển bền vững, thiết lập thị trường nhập khẩu ổn định, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chuỗi liên kết, thường xuyên cập nhật tiêu chuẩn từ thị trường nhập khẩu để có đối sách trong xây dựng nguồn nguyên liệu cũng như chế biến, đóng gói xuất khẩu.
Xuất khẩu ngành cơ khí trên đà phục hồi
Báo cáo của Tổng cục Thống kê chỉ ra, trong tháng 1/2024 giá trị xuất khẩu hàng hóa đã đạt 4,02 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác cũng là một trong những nhóm hàng hóa có giá trị xuất khẩu có chiều hướng tăng tích cực.
Trước những tín hiệu này, Tổng cục Thống kê nhìn nhận hoạt động sản xuất, xuất khẩu công nghiệp, cơ khí trong nước có nhiều điểm sáng để hồi phục nhanh và phát triển trong năm nay.
Giá sầu riêng nghịch vụ tăng mạnh
Nông dân vùng chuyên canh tỉnh Bến Tre đang thu hoạch sầu riêng vụ nghịch với niềm vui bán được giá cao, mang lại lợi nhuận lớn cho người dân trong bối cảnh mùa hạn mặn đang diễn ra khốc liệt ở địa phương.
Vào thời điểm này giá sầu riêng Ri6 giao động từ 140.000- 150.000 đồng/kg, monthong từ 170.000-180.000/kg tùy loại và tùy chất lượng trái, tăng gần gấp đôi so với năm trước.
Thu hoạch đúng thời điểm hiện nay cho nông dân nguồn thu kỷ lục. Do hiệu quả từ giá sầu riêng tăng mạnh, các nhà vườn chủ động được nguồn nước ngọt trữ trong mương vườn đang liên tục xử lý trái rầu riêng nghịch vụ với hy vọng mang lại nguồn kinh tế cao.
Singapore tăng mạnh nhập khẩu sắt thép Việt Nam
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Singapore trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt gần 737 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Một số mặt hàng có trị giá xuất khẩu sang Singapore tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước là dầu thô tăng 204%; điện thoại các loại linh kiện tăng hơn 69%, cà phê tăng hơn 64%.
Đáng chú ý là giá trị xuất khẩu sắt thép của Việt Nam sang Singapore trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 21,5 triệu USD, tăng gấp 56 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhật Bản tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm
Ngày 19/3, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2007, đẩy lãi suất lên trên mức 0 để khép lại một chương trong nỗ lực tích cực nhằm kích thích nền kinh tế từ lâu đã phải vật lộn để tăng trưởng.
BOJ cũng trở thành ngân hàng cuối cùng trên thế giới chấm dứt chế độ lãi suất âm sau khi có dấu hiệu tình trạng giảm phát kéo dài hàng thập kỷ đã kết thúc.