Tin tức kinh tế ngày 21/7: Lãi suất vay mua nhà tăng trở lại
Lãi suất vay mua nhà tăng trở lại; Trung Quốc tăng nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam; Xuất khẩu rau quả tiến gần tới mốc 7 tỷ USD… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 21/7.
Giá vàng kết thúc tuần giảm giá
Giá vàng thế giới trong tuần (15/7-21/7) tăng mạnh trong phiên giao dịch dầu tuần. Tại phiên giao dịch giữa tuần, giá vàng tăng ở đầu phiên sau đó quay đầu giảm ở cuối phiên. Thời điểm cuối tuần, giá vàng liên tục giảm, đồng thời ghi nhận tuần giảm giá.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 21/7, giá vàng SJC trong nước được niêm yết tại TP HCM ở mức 78-80 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 20/7.
Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 78,5-80 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 20/7.
Trong khi tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 78,5-80 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 20/7.
Trung Quốc tăng nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết, nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc trong tháng 5/2024 giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 1,43 tỷ USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc đạt 7,235 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Tháng 5/2024, Trung Quốc nhập khẩu thủy sản từ hầu hết các thị trường cung cấp lớn giảm so với cùng kỳ năm 2023, trừ nhập khẩu từ Indonesia và Việt Nam tăng. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu thủy sản từ các thị trường cung cấp lớn như Ecuado, Nga, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Na Uy giảm, trong khi nhập khẩu từ Canada, Indonesia, Việt Nam, Chile và New Zealand tăng.
Xuất khẩu rau quả tiến gần tới mốc 7 tỷ USD
Theo thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả nước ta ước đạt hơn 3,8 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào, nhu cầu các thị trường truyền thống và tiềm năng đều có xu hướng tăng.
Ngoài thị trường châu Á, nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả tại các thị trường mới như Anh, EU cũng gia tăng. Đây là dư địa thị trường rất lớn cho ngành rau quả Việt Nam khai thác trong thời gian tới nhằm hướng tới mục tiêu xuất khẩu 7 tỷ USD năm nay.
Lãi suất vay mua nhà tăng trở lại
Lãi suất huy động đi lên kéo theo lãi suất cho vay tại nhiều ngân hàng đang tăng trở lại, nhiều người lo ngại thời kỳ tiền rẻ sẽ sớm chấm dứt. Bởi về lý thuyết, việc tăng lãi suất huy động có thể kéo lãi suất cho vay tăng lên, làm tăng chi phí vốn đối với các doanh nghiệp, tăng áp lực tài chính cho người vay.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM, nói rằng việc tăng lãi suất đã được dự báo trước đó. Khi lãi suất vay tăng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu vay mua nhà của người dân, vì phải tính toán lại các khoản chi phí. Tuy nhiên, ông nhìn nhận từ nay đến cuối năm, lãi suất sẽ tăng nhưng không quá mạnh như trước, dòng tiền rẻ vẫn còn. Ngân hàng nhà nước sẽ duy trì mức lãi suất hợp lý để vừa kiểm soát được lạm phát vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế.
Giá xuất khẩu các mặt hàng nông sản đồng loạt tăng
Theo Mekong ASEAN tính toán từ số liệu công bố của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 7/2024 (từ 1/7 - 15/7) Việt Nam mang về 898 triệu USD từ hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản thuộc nhóm nông nghiệp, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước (YoY).
Nhìn chung, trong nửa đầu tháng 7, cùng với đà tăng về lượng (ngoại trừ cà phê), giá xuất khẩu bình quân của các mặt hàng thuộc nhóm này cũng tăng, góp phần đẩy kim ngạch cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Trong nhóm này, hàng rau quả có kim ngạch lớn nhất với 238 triệu USD, tuy nhiên đây lại là mặt hàng có mức tăng trưởng thấp nhất với +0,5% YoY.