Tin tức kinh tế ngày 22/5/2024: thanh toán không dùng tiền mặt tăng gần 57%
Giá vàng đồng loạt tăng; thanh toán không dùng tiền mặt tăng gần 57%; đến giữa tháng 5, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 270 tỷ USD… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 22/5.
Giá vàng đồng loạt tăng
Giá vàng thế giới trong ngày 22/5 giao ngay ở mức 2.415,57 USD/ounce, tăng 5,92 USD/ounce so với giá vàng chốt phiên giao dịch.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 22/5, giá vàng SJC trong nước được niêm yết ở mức 88,9 – 90,9 triệu đồng/lượng tăng 400.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 88,9 – 90,5 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Giá vàng nhẫn tại Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 76,12 – 77,62 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng nhẹ 60.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 140.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Thanh toán không dùng tiền mặt tăng gần 57%
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết quý I/2024, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục đạt được những kết quả tích cực so với cùng kỳ. Hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 39,06% về số lượng và 20,64% về giá trị.
Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 56,57% về số lượng và 31,35% về giá trị; qua kênh Internet tăng 48,81% về số lượng và 25,73% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 58,70% về số lượng và 33,12% về giá trị.
Đến giữa tháng 5, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 270 tỷ USD
Tổng cục Hải quan cho hay, từ đầu tháng 5 đến ngày 15/5, xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 14,64 tỷ USD. Tính chung từ đầu năm đến 15/5, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 138,59 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ 2023 (tương đương kim ngạch tăng thêm 19,17 tỷ USD).
Ở chiều ngược lại, từ đầu tháng 5 đến ngày 15/5, nhập khẩu hàng hóa đạt 17,26 tỷ USD. Lũy kế từ đầu năm đến 15/5, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 132,23 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 19,7 tỷ USD).
Như vậy, tính đến trung tuần tháng 5, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 270,82 tỷ USD, cán cân thương mại thặng dư 6,36 tỷ USD.
Thương mại điện tử nộp thuế gần 100.000 tỷ đồng
Cả nước hiện có 357 sàn giao dịch thương mại điện tử, gần 200.000 cá nhân đang hoạt động kinh doanh thương mại thông qua các sàn giao dịch này. Năm 2023, doanh thu thương mại điện tử lên đến 3,5 triệu tỷ đồng, thu về 97.000 tỷ đồng cho ngân sách, tăng 16% so với năm 2022.
Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá, con số này còn quá nhỏ so với doanh thu thực tế của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trực tuyến. Vì vậy, mới đây tại Hà Nội đã thí điểm quản lý thuế thương mại điện tử tại quận Hoàn Kiếm.
Thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam được dự báo có thể đạt 39 tỷ USD vào năm 2025. Với sự tác động mạnh mẽ và tiện ích to lớn, thương mại điện tử đã trở thành xu thế tất yếu, khách quan, không thể đảo ngược trên thế giới.
Đề xuất doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt
Bộ Tài chính đề xuất doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đến ngày 20/11/2024. Cơ quan này đề nghị lùi thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của kỳ tính thuế tháng 6, 7, 8, 9/2024 sang muộn nhất vào 20/11/2024.
3 tháng đầu năm, tiêu thụ xe sản xuất, lắp ráp trong nước bình quân 14.160 xe/tháng. Số tiêu thụ đặc biệt dự kiến bình quân một tháng phát sinh trong các tháng tiếp theo khoảng 2.140 tỷ đồng. Tương ứng, tổng số tiền thuế được gia hạn trong 4 kỳ tính thuế như phương án đề xuất nói trên khoảng 8.560 tỷ đồng.