Tin tức kinh tế ngày 23/6: Vượt điện thoại, xuất khẩu máy tính mang về 23 tỷ USD
Vượt điện thoại, xuất khẩu máy tính mang về 23 tỷ USD; Standard Chartered dự báo lãi suất quay trở lại mức thời điểm đại dịch; Hàn Quốc tiếp tục nhận lao động Việt Nam sang làm việc theo Chương trình EPS… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 23/6.
Giá vàng thế giới tiếp đà giảm mạnh, trong nước nhích nhẹ
Giá vàng thế giới rạng sáng hôm nay tiếp đà giảm mạnh với vàng giao ngay giảm 19,1 USD xuống còn 1.914 USD/ounce.
Tại thị trường trong nước, mở cửa phiên giao dịch hôm nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 66,45 - 67,05 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng cả hai chiều so với phiên giao dịch trước.
Giá vàng tại DOJI niêm yết giá vàng ở mức 66,40 - 67,00 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng. Vàng Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,45 - 67,05 triệu đồng/lượng, giữ nguyên giá.
Xuất khẩu rau quả tăng đột biến, mang về gần 2,8 tỷ USD
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dù chưa hết 6 tháng, xuất khẩu rau quả đạt gần 2,8 tỷ USD, tăng hơn 63% so với cùng kỳ và gần bằng kim ngạch xuất cả năm ngoái.
Riêng tháng 6/2023, xuất khẩu đạt trên 723 triệu USD, tăng hơn 79% so với cùng kỳ 2022.
Trong Top 10 thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam thì Trung Quốc dẫn đầu với gần 63,5% thị phần, tăng hơn 12,4% so cùng kỳ năm ngoái (kim ngạch đạt gần 1,3 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm). Tiếp đến là thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan đều tăng trưởng tốt, chỉ riêng thị trường Hoa Kỳ giảm 12% so với cùng kỳ.
Standard Chartered dự báo lãi suất quay trở lại mức thời điểm đại dịch
Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered dự báo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ cắt giảm lãi suất tái cấp vốn chuẩn thêm 50 điểm cơ bản xuống còn 4,0% trong Quý 3 (bằng mức lãi suất trong những năm xảy ra đại dịch) và sẽ giữ nguyên cho đến cuối năm 2025. Vào ngày 16/6 vừa qua, NHNN đã cắt giảm lãi suất từ 5,0% xuống 4,5% sau hai lần cắt giảm 50 điểm cơ bản trước đó, vào tháng 3 và tháng 5.
Ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế tại Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ: “Chúng tôi cho rằng NHNN hiện đang tập trung nhiều hơn vào tăng trưởng khi áp lực giá cả trong nền kinh tế giảm bớt. Mặc dù NHNN đang đảo ngược chính sách thắt chặt tiền tệ được thực hiện vào năm ngoái, những đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo sẽ không vượt quá 50 điểm cơ bản do những lo ngại về rủi ro lạm phát và bất ổn tài chính vẫn còn hiện hữu”.
Vượt điện thoại, xuất khẩu máy tính mang về 23 tỷ USD
Ngôi vị của các nhóm hàng xuất khẩu top đầu đã có sự thay đổi sau chặng đường gần 6 tháng đầu năm. Sau nhiều năm giữ ngôi vương là ngành hàng xuất khẩu đóng góp kim ngạch lớn nhất, tính đến 15/6, điện thoại-linh kiện đã phải nhường ngôi vị này cho mặt hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến 15/6, kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 22,94 tỷ USD; trong khi đó điện thoại và linh kiện chỉ đạt 21,93 tỷ USD. Như vậy, máy tính đã vượt điện thoại 1 tỷ USD.
So với 1 năm trước đây, cả 2 nhóm hàng đều có kim ngạch sụt giảm hàng tỷ USD, tuy nhiên, điện thoại giảm sâu hơn nên không còn giữ được vị trí số 1 về xuất khẩu.
Hàn Quốc tiếp tục nhận lao động Việt Nam sang làm việc theo Chương trình EPS
Ngày 23/6, tại Hà Nội, trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Phu nhân tới Việt Nam, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam và Hàn Quốc đã ký các thỏa thuận hợp tác.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Việc làm và Lao động Hàn Quốc Lee Jung Sik đã ký và trao Bản ghi nhớ (MOU) về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS).
Nội dung Chương trình EPS được ký lần này về cơ bản tương tự các bản MOU đã ký trước đây.