Tin tức kinh tế ngày 27/7: Hàng hóa thông qua cảng biển liên tục tăng trưởng

Nguy cơ thiếu thịt lợn cuối năm; Hàng hóa thông qua cảng biển liên tục tăng trưởng; Việt Nam duy trì vị trí số 1 về xuất khẩu gạo vào thị trường Singapore… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 27/7.

Hàng hóa thông qua cảng biển liên tục tăng trưởng (Ảnh minh họa)

Hàng hóa thông qua cảng biển liên tục tăng trưởng (Ảnh minh họa)

Giá vàng thế giới tiếp bật tăng

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 27/7, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 2387,07 USD/ounce, tăng 12,84 USD so với cùng thời điểm ngày 26/7.

Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 27/7, giá vàng SJC trong nước được niêm yết tại TP HCM ở mức 77,5-79,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 26/7.

Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 77,5-79,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 26/7.

Trong khi tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 77,5-79,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 26/7.

Nguy cơ thiếu thịt lợn cuối năm

Nhiều ổ dịch tả lợn châu Phi mới tiếp tục phát sinh đang đặt ra những thách thức cho thị trường thực phẩm. Thịt lợn cũng là mặt hàng thực phẩm ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng CPI lớn nhất.

Các chuyên gia cho rằng, nếu không kiểm soát tốt dịch tả lợn châu Phi sẽ có nguy cơ thiếu thịt vào thời điểm cuối năm. Điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng giá cả thị trường và tác động trực tiếp chỉ số CPI cả nước.

Dự báo xuất khẩu rau quả nửa cuối năm 2024 tiếp tục thuận lợi

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 6/2024 đạt 670,5 triệu USD, giảm 12,7% so với tháng 5/2024 nhưng lại tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước (YoY).

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đạt 3,33 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, dự báo xuất khẩu hàng rau quả nửa cuối năm 2024 tiếp tục thuận lợi nhờ yếu tố mùa vụ và nguồn cung dồi dào. Sản lượng rau quả thu hoạch của Việt Nam tăng lên khoảng 6%/năm, lượng cung rất lớn và ổn định. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường thế giới tăng lên. Từ nay đến hết năm 2024, ngành rau quả Việt Nam vẫn có những điều kiện thuận lợi để phát triển.

Hàng hóa thông qua cảng biển liên tục tăng trưởng

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, Tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong 7 tháng năm 2024 dự kiến tăng 16%, ước đạt 501,117 triệu tấn. Trong đó, hàng container thông qua cảng biển trong 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt 16,902 triệu TEUs, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo đánh giá của Cục Hàng hải VN, đây là tháng thứ 5 liên tiếp mức tăng trưởng đạt từ 19% trở lên so với cùng kỳ năm trước (do cùng kỳ năm trước là những tháng có mức giảm nhất kể từ khi có dịch Covid-19).

Điều này có thể cho thấy nền kinh tế đã có xu hướng hồi phục. Các khu vực có khối lượng hàng hóa thông qua cao nhất nước gồm TP HCM tăng 13,4%, Vũng Tàu tăng 30%, Hải Phòng tăng 15,4%, Quảng Ninh tăng 11,7%.

Việt Nam duy trì vị trí số 1 về xuất khẩu gạo vào thị trường Singapore

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam vẫn giữ vị trí là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất sang Singapore, chiếm 32,69% thị phần. Điều này đạt được là nhờ mức tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu, đạt giá trị 73,40 triệu SGD (hơn 54,6 triệu USD), tăng 54,67% so với cùng kỳ năm 2023.

Số liệu thống kê của Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore cho thấy một số nhóm tiếp tục chứng kiến mức tăng rất mạnh, đó là gạo nếp (kim ngạch 8,9 triệu SGD, tăng hơn 5 lần), gạo vỡ (kim ngạch 1,5 triệu SGD, tăng 187,3%) và gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ (kim ngạch 27,27 triệu SGD, tăng 161,35%).

Kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng âm

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 25/7 công bố số liệu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế quý II/2024 của Hàn Quốc là -0,2%.

Các chuyên gia cho rằng sự suy giảm tăng trưởng kinh tế trong quý II là do mức tăng trưởng mạnh trong quý I, kết hợp với sự gia tăng đáng kể trong nhập khẩu làm giảm đóng góp của xuất khẩu ròng (xuất khẩu-nhập khẩu), một động lực chính của tăng trưởng trong quý trước. Tiêu dùng tư nhân cũng không duy trì được sự phục hồi góp phần kéo giảm tăng trưởng.

P.V (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-tuc-kinh-te-ngay-277-hang-hoa-thong-qua-cang-bien-lien-tuc-tang-truong-714988.html