Tin tức kinh tế ngày 8/6: Nhiều doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh huy động vốn

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh huy động vốn; Giá tiêu tăng chóng mặt; Gạo Việt giảm giá… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 8/6.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh huy động vốn (Ảnh minh họa)

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh huy động vốn (Ảnh minh họa)

Giá vàng thế giới giảm mạnh

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 8/6, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 2294,01 USD/ounce, giảm 77,29 USD so với cùng thời điểm ngày 7/6.

Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 8/6, giá vàng SJC trong nước được niêm yết tại TP HCM ở mức 74,98-76,98 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 7/6.

Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 74,98-76,98 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 7/6.

Trong khi tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 75,5-76,98 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 500.000 đồng ở chiều mua và giữ nguyên ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 7/6.

Giá tiêu tăng chóng mặt

Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/6, giá tiêu trung bình ở mức 158,600 nghìn đồng/kg, tăng tới 9.000 đồng/kg so với hôm trước.

Theo các doanh nghiệp, giá tiêu sẽ còn tăng cao và có thể lặp lại đỉnh lịch sử năm 2015. Nguyên nhân là tồn kho hồ tiêu tại các nước sản xuất chính như Việt Nam, Ấn Độ và Brazil đều ở mức thấp do nhu cầu tiêu thụ cao trong thời gian qua.

Ngoài ra còn có tác động của tình hình thời tiết khô hạn tháng 4 vừa qua ở khu vực Tây Nguyên. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu container rỗng, đẩy giá cước vận tải biển tăng trung bình khoảng 30% trong những tuần qua và dự kiến còn tăng tiếp.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh huy động vốn

Thị trường bất động sản bước vào giai đoạn mới cũng là lúc các doanh nghiệp lĩnh vực này chạy đôn, chạy đáo tìm cách huy động vốn để đón đầu cơ hội.

Một số doanh nghiệp bất động sản trên sàn chứng khoán tiến hành huy động vốn thông qua việc chào bán cổ phiếu. Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp lựa chọn cách bán tài sản. Một số doanh nghiệp khác thì tham gia vào các hoạt động M&A.

Theo nhận định của giới chuyên gia, sở dĩ các doanh nghiệp đang đôn đáo huy động vốn là để chuẩn bị nguồn lực đón đầu cơ hội mới, khi 3 luật gồm Luật Đất Đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 sẽ có hiệu lực sớm (dự kiến từ ngày 1/8/2024).

Gạo Việt giảm giá

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm trong tuần này, trước sức ép từ nguồn cung tăng khi vụ thu hoạch đang diễn ra. Trong khi đó, giá gạo của Ấn Độ tăng do nguồn cung giảm và nhu cầu từ các nhà nhập khẩu lớn tăng lên.

Gạo đồ 5% tấm của nước xuất khẩu gạo hàng đầu Ấn Độ được chào bán với giá 539-546 USD/tấn trong tuần này, tăng so với mức 535-543 USD/tấn của tuần trước. Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Mumbai cho biết, hầu hết các nước nhập khẩu lớn đều ưu tiên gạo Ấn Độ do giá thấp hơn.

Gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 575-580 USD/tấn trong phiên 6/6, giảm so với mức 580-585 USD/tấn của một tuần trước. Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nguồn cung tiếp tục dồi dào do vụ thu hoạch đang diễn ra.

Thu hồi giấy phép 16 doanh nghiệp phân phối xăng dầu

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, thời gian qua, Bộ Công Thương đã đề nghị các đầu mối và thương nhân phân phối báo cáo hoạt động kinh doanh xăng dầu theo quy định.

“Qua báo cáo, rà soát, nhiều thương nhân phân phối đã không duy trì được điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu theo quy định, các thương nhân đã chủ động trả lại giấy chứng nhận. Từ đầu năm đến nay, có 16 thương nhân đã đề nghị trả lại và Bộ Công Thương đã thực hiện việc thu hồi Giấy chứng nhận theo quy định”, bà Hiền cho hay.

Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, năm 2023, có thời điểm số thương nhân phân phối xăng dầu lên đến hơn 330 thương nhân. Đến nay, thị trường còn 298 thương nhân phân phối.

Nghị định thư xuất khẩu dưa hấu sang Trung Quốc sắp có hiệu lực

Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu dưa hấu từ Việt Nam sang Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 12/6 tới.

Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dưa hấu tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối năm 2023.

Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Nghị định thư này chính thức có hiệu lực từ ngày 12/6/2024. Đây là bước quan trọng trong việc chuẩn hóa các quy định về xuất khẩu nông sản giữa hai nước; đồng thời thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nông nghiệp truyền thống của Việt Nam nói chung và dưa hấu nói riêng sang thị trường tỷ dân.

P.V (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-tuc-kinh-te-ngay-86-nhieu-doanh-nghiep-bat-dong-san-day-manh-huy-dong-von-712542.html