Tin tức thế giới hôm nay 18/11: Ông Trump sa thải lãnh đạo cơ quan an ninh bầu cử
Tổng thống Mỹ sa thải Giám đốc Cơ quan An ninh Cơ sở hạ tầng và An ninh mạng; Hạ viện Nga thông qua quyền miễn trừ trọn đời cho cựu tổng thống… là những tin quốc tế mới nhất trong ngay 18/11.
Ông Trump sa thải lãnh đạo cơ quan an ninh bầu cử
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sa thải giám đốc Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng Krebs vì đưa ra tuyên bố "rất không chính xác" về an ninh bầu cử.
"Tuyên bố gần đây của Chris Krebs về an ninh bầu cử năm 2020 rất không chính xác. Cuộc bầu cử năm nay rất nhiều sự không chính xác và gian lận, gồm cả người chết bỏ phiếu, người giám sát không được phép vào các địa điểm bỏ phiếu, 'trục trặc' trong máy bỏ phiếu chuyển phiếu của Trump sang cho Biden, bỏ phiếu muộn và nhiều thứ khác", Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng Twitter tối 17/11.
"Do đó, Chris Krebs bị chấm dứt chức vụ Giám đốc Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng, có hiệu lực ngay lập tức", Tổng thống Mỹ cho biết thêm.
Krebs, người được Trump bổ nhiệm, là giám đốc Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng (CISA) thuộc Bộ An ninh Nội địa (DHS) từ khi CISA được thành lập năm 2018. Krebs trước đó lãnh đạo cơ quan tiền nhiệm của CISA là Cục Bảo vệ và Chương trình Quốc gia.
Truyền thông Mỹ tuần trước đưa tin Krebs dự kiến bị Nhà Trắng sa thải, sau khi thu hút sự chú ý vì những nỗ lực nhằm lật tẩy những thuyết âm mưu về gian lận cử tri và an ninh bầu cử.
Hạ viện Nga thông qua quyền miễn trừ trọn đời cho cựu Tổng thống
Dự luật được Hạ viện Nga thông qua hôm 17/11 sau lần xem xét đầu tiên trong ba lần, trao cho cựu tổng thống quyền được miễn trừ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bất kỳ hành vi phạm tội nào suốt đời. Luật hiện tại chỉ bảo vệ cựu tổng thống khỏi những hành động khi còn đương nhiệm.
Để được chuyển thành luật, dự luật này cần được sự chấp thuận của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) và được Tổng thống Vladimir Putin ký duyệt.
Tuy nhiên, dự luật cũng quy định cựu tổng thống Nga có thể bị tước quyền miễn trừ nếu bị buộc tội phản quốc hoặc trọng tội khác, với điều kiện hai viện nhận được 2/3 số nghị sĩ tán thành.
Nhà lập pháp Pavel Krasheninnikov, một trong số tác giả của dự luật, nói với hãng thông tấn RIA Novosti rằng dự luật mới không được áp dụng với cựu tổng thống Mikhail Gorbachev. Ngoài Tổng thống Putin đang tại vị, Dmitry Medvedev, người từng là lãnh đạo Nga từ năm 2008 đến 2012, là cựu tổng thống Nga duy nhất còn sống.
Đức tin tưởng EU sẽ sớm đạt được thỏa thuận về ngân sách
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 17/11 tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) tự tin sẽ sớm đạt được thỏa thuận thông qua khoản tiền khổng lồ trên 1,8 ngàn tỷ euro liên quan đến ngân sách khối này và gói phục hồi kinh tế, bất chấp việc Ba Lan và Hungary mới đây đe dọa phong tỏa.
Trước đó, hôm 16/11, Ba Lan và Hungary tuyên bố sẽ phủ quyết ngân sách trên 1,1 ngàn tỷ euro của EU giai đoạn 2021-2027 cũng như gói phục hồi kinh tế 750 tỷ euro mà khối này thông qua hồi tháng 7/2020 nhằm trợ giúp các nước thành viên sau đại dịch Covid-19.
Lời đe dọa mà Ba Lan và Hungary đưa ra có nguy cơ đẩy EU vào một cuộc khủng hoảng mới nghiêm trọng trong bối cảnh gần như toàn bộ châu lục này đang phải đối phó với làn sóng dịch Covid-19 thứ hai rất nghiêm trọng và nền kinh tế nhiều nước thành viên hứng chịu suy thoái lớn nhất trong nhiều thập kỷ do các lệnh phong tỏa và hạn chế để ngăn dịch.
Palestine - Israel nối lại hợp tác an ninh và dân sự ở khu Bờ Tây
Chính quyền Palestine (PA) ngày 17/11 cho biết sẽ nối lại hợp tác an ninh và dân sự với Israel ở khu Bờ Tây, sau "các cuộc tiếp xucsc chính trị " của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.
PA đã tạm dừng hợp tác với Israel từ tháng 5, sau khi chính quyền Israel công bố kế hoạch sáp nhập một phần khu vực Bờ Tây chiếm đóng. Tuy nhiên, kế hoạch này đến nay đã bị đóng băng.
Thủ tướng Palestine Mohammed Shtayyeh cho biết quyết định nối lại hợp tác với Israel được đưa ra sau khi Tổng thống Abbas nhận được thư từ Israel cho biết nước này vẫn duy trì cam kết với các thỏa thuận đã ký với người Palestine.
Theo ông, đây là một bước đi rất quan trọng và đúng hướng, với sự can thiệp của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia khác./.