Tin tưởng giao vợ quản lý công ty gia đình, ly hôn mất tiền tỷ
Thành lập công ty giao cho vợ đứng tên và điều hành hoạt động kinh doanh, dùng sổ tiết kiệm hàng chục tỷ để bảo lãnh tín dụng cho công ty hoạt động. Thế nhưng khi ly hôn số tiền trong sổ tiết kiệm đã không còn.
Báo CL&XH nhận được đơn của ông Nguyễn Xuân Mẫn phản ánh, năm 2000, ông và bà Nguyễn Thị Ng. kết hôn với nhau. Trong quá trình chung sống, vợ chồng ông Mẫn đã tạo lập được nhiều bất động sản và sổ tiết kiệm đứng tên bà Nguyễn Thị Ng. tại Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) trị giá 40 tỷ đồng.
Năm 2013, vợ chồng ông Mẫn thành lập công ty TNHH MTV nông sản DK (công ty DK), do bà Ng. làm Giám đốc và đại diện trước pháp luật.
Ngày 20/3/2014, ông Mẫn với tư cách là đồng chủ sở hữu tài sản và bà Ng. có ký Hợp đồng tín dụng số 2000-LAV-201401464 tại Eximbank – Sở Giao dịch 1 với tài sản bảo đảm cho vay là Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (số 277 Khánh Hội, phường 5, Quận 4, TP.HCM đứng tên bà Nguyễn Thị Ng.) và các sổ tiết kiệm đứng tên bà Nguyễn Thị Ng. có tổng trị giá là 40 tỷ đồng để được Ngân hàng cấp hạn mức tín dụng cho công ty DK hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, Eximbank yêu cầu vợ chồng ông Mẫn ký thêm Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất số 164/EIBSGD1-TDDN/BLTS/2014 đối với căn nhà 277 Khánh Hội vào ngày 02/4/2014.
Ngày 23/3/2015, vợ chồng ông Mẫn ký lại hợp đồng số 2000-LAV-201501119 với Eximbank-CN TP.HCM chuyển tiếp từ hợp đồng số 2000-LAV-201401464 với tài sản thế chấp vẫn là căn nhà số 277 Khánh Hội và các sổ tiết kiệm trị giá 40 tỷ đồng, đồng thời ký tiếp Hợp đồng sửa đổi bổ sung hợp đồng thế chấp quyền sử đất, tài sản gắn liền với đất số 164/EIBSGD1-TDDN/BLTS/2014 ký ngày 24/3/2015.
Đến giữa tháng 5/2015, giữa ông Mẫn và bà Ng. phát sinh mâu thuẫn. Ông Mẫn yêu cầu bà Ng. làm thủ tục chấm dứt toàn bộ các hợp đồng đã ký với Eximbank – CN TP.HCM, lấy lại căn nhà 277 Khánh Hội và các sổ tiết kiệm. Tuy nhiên, khi liên hệ với Eximbank thì phát hiện bà Ng. đã tự ý tất toán các sổ tiết kiệm vào các ngày 20/6/2015 (10 tỷ), ngày 27/6/2015 (07 tỷ) và 21/7/2015 (4,215 tỷ). Tổng số tiền bà Ng. rút 21,215 tỷ đồng. Điều đáng nói là tất cả các lần tất toán của bà Ng. với ngân hàng ông Mẫn không biết và cũng không ký bất cứ chứng từ nào.
Ngày 05/3/2020, TAND quận 3 đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên Nguyễn Thị Ng. được chia 60%, ông Nguyễn Xuân Mẫn được 40% giá trị tài sản chung. Giao cho bà Ng. được quyền sử dụng, sở hữu toàn bộ tất cả các bất động sản là tài sản chung. Bà Ng. có trách nhiệm thanh toán chênh lệch 40% giá trị tài sản chung cho ông Mẫn. Đồng thời giao cho bà Ng. được trọn quyền sở hữu công ty DK. Buộc ông Mẫn chịu 75 triệu đồng tiền kiểm toán công ty DK.
Tòa nhận định, hiện Công ty DK mà bà Ng. đang điều hành phải chịu số nợ cá nhân và ngân hàng rất lớn, sau khi ly hôn bà Ng. còn có trách nhiệm nuôi 2 con. Bản thân bà Ng. từ trước đến nay là nguồn thu nhập chính trong gia đình, đã bỏ công sức đóng góp tạo lập nên tài sản và cũng là người tạo lập nên Công ty DK. Bà Ng. là người đứng tên sở hữu hầu như tất cả các tài sản chung vợ chồng. Như vậy, bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn.
Ông Mẫn cho rằng, ngay từ đầu, bà Ng. đã xác định đây là tài sản chung với mức đóng góp ngang nhau nên mới yêu cầu chia đôi thể hiện rõ trong đơn khởi kiện. Trong suốt quá trình tố tụng, nhất là các phiên hòa giải, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu chia 50%. Tuy nhiên, tại phiên tòa đại diện nguyên đơn bất ngờ đòi được chia 60% nhưng không có chứng cứ chứng minh thuyết phục và được Tòa chấp nhận.
Đối với khoản tiền tiết kiệm 40 tỷ đồng, cả nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận có khoản tiền này gửi tại Eximbank. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng, theo lời khai của bà Ng., toàn bộ 40 tỷ đồng sau khi rút hết khỏi ngân hàng (năm 2015, 2016) bà Ng. đã được đưa vào sản xuất kinh doanh của Công ty DK và phục vụ sinh hoạt gia đình. Trong khi ông Mẫn không có bất cứ thỏa thuận nào với bà Ng. là không đúng quy định. Bởi lẽ, theo Điều 36 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định tài sản chung được đưa vào kinh doanh: “Trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó. Thỏa thuận này phải lập thành văn bản”.
Tại khoản 3, Điều 76 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty: Phải xác định và tách biệt tài sản của chủ sở hữu công ty và tài sản của công ty. Chủ sở hữu công ty là cá nhân phải tách biệt các chi tiêu của cá nhân và gia đình mình với các chi tiêu trên cương vị là Chủ tịch công ty và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Ngoài ra, trong tất cả các báo cáo tài chính do công ty DK nộp cho Cục thuế tỉnh Long An cũng như trong kết quả kiểm toán thì từ tháng 01/01/2018 đến 30/9/2019 phần vốn đầu tư của chủ sở hữu hay vốn góp của chủ sở hữu đều thể hiện số vốn là 20 tỷ, không có số tiền 40 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm mà bà Ng. đã tất toán tại ngân hàng.
Mặc khác, Tòa nhận định, kết quả kiểm toán của công ty DK của Công ty TNHH Kiểm toán Thái Dương được lập ngày 14/12/2019, thì tính đến 31/12/2018, Công ty DK hiện đang thua lỗ, lợi nhuận sau thuế là âm hơn 12,5 tỷ đồng. Do đó, việc ông Mẫn yêu cầu bà Ng. phải hoàn trả số tiền 20 tỷ đồng tiết kiệm là không có căn cứ để chấp nhận.
Tuy nhiên, ông Mẫn cho rằng, theo báo cáo tài chính đến 30/9/2019 do công ty DK nộp cho Tòa thì công ty bị lỗ 12,5 tỷ đồng; như vậy vốn sở hữu của công ty vẫn còn hơn 7,48 tỷ đồng. Thế nhưng, Tòa tuyên giao cho bà Ng. được trọn quyền sở hữu Công ty DK là không đúng.
Tại Công văn cung cấp các chứng cứ từ Cục thuế tỉnh Long An cho thấy kết quả báo cáo tài chính của Công ty DK nộp cho cơ quan này, năm 2017 có lợi nhuận sau thuế là trên 7,3 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đã được tăng 23,6 tỷ đồng. Thế nhưng, ngày 14/12/2019, bà Ng. yêu cầu Công ty TNHH Kiểm toán Thái Dương kiểm toán công ty DK và sử dụng kết quả kiểm toán này nộp cho Tòa. Kết quả kiểm toán đã thể hiện, năm 2017 công ty DK lỗ hơn 5,2 tỷ đồng; năm 2018 lỗ trên 1,8 tỷ đồng; 9 tháng đầu năm 2019 lỗ là 1,1 tỷ đồng. Tổng số lỗ cộng dồn từ 2014 đến 30/9/2019 là 12,5 tỷ đồng.
Tòa nhận định, việc ông Mẫn yêu cầu được chia 20 tỷ đồng từ sổ tiết kiệm số tiền 40 tỷ gửi tại ngân hàng Eximbank, nhưng thực tế số tiền trên đã không còn, ông cho rằng bà Ng. sau khi tất toán đã chiếm giữ riêng nhưng không chứng minh được số tiền hiện đang ở đâu, có còn hay không. Tuy nhiên, lại bỏ qua các tài liệu do các Ngân hàng cung cấp cho Tòa án thể hiện, tài sản của Công ty DK được thế chấp tại các ngân hàng làm tài sản đảm bảo cho vay là hơn 55,7 tỷ đồng và 100.000 USD.