Tin tưởng gửi con cho cán bộ Biên phòng

Mô hình 'Con nuôi đồn Biên phòng' lần đầu tiên được Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế tổ chức thực hiện, do Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt và Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân nhận nuôi 2 cháu làm điểm, đã chính thức triển khai lễ đón nhận vào ngày 12-12-2019, trong niềm vui sướng, tin tưởng của gia đình, địa phương và nhà trường nơi các cháu sinh sống, học tập.

Cháu Lê Văn Thìn từ nay sẽ được nuôi dạy trong vòng tay bao bọc của cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt. Ảnh: Bá Trí

Cháu Lê Văn Thìn từ nay sẽ được nuôi dạy trong vòng tay bao bọc của cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt. Ảnh: Bá Trí

Cơ hội cho các cháu trưởng thành

Niềm vui có thể nhìn thấy rõ trên khuôn mặt của chị Hồ Thị Rươnh, người phụ nữ dân tộc Tà Ôi ở thôn Pa Rit - Ka Vin, xã A Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, bởi từ nay, con trai của chị là cháu Lê Văn Thìn (SN 2009), học sinh lớp 5, sẽ được sinh sống, học tập trong điều kiện tốt hơn, với sự chăm sóc chu đáo của các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt.

Gia cảnh chị Rươnh thuộc diện khó khăn của xã A Đớt. Chồng chị là anh Lê Văn Mỹ, trước đây là cán bộ y tế thôn, bản của xã. Năm 2012, anh không may mắc bệnh hiểm nghèo, sau đó, bị tai biến nên không còn khả năng lao động để cùng nuôi các con ăn học. “Thực sự, gia đình tôi rất khó khăn, nếu không có sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, địa phương thì chắc chắn cháu Thìn và chị gái phải bỏ học để giúp mẹ kiếm sống và nuôi bố. Hôm nay, cháu Thìn được các chú BĐBP cưu mang, tôi vui sướng không thể nói thành lời. Đây là điều kiện tốt nhất để cháu học tập, tu dưỡng, rèn luyện, để sau này trở thành người có ích cho xã hội...” - Chị Rươnh bộc bạch.

Dù từ nay phải sống trong môi trường mới, xa cha, mẹ và chị gái, nhưng cháu Lê Văn Thìn vẫn tỏ ra rắn rỏi: “Hằng tuần, cháu được các chú bộ đội chở về thăm, hoặc mẹ lên thăm nên cháu rất yên tâm. Cháu hứa sẽ cố gắng nghe lời các chú, học tập thật giỏi để không phụ công lao chăm sóc, dạy dỗ của các chú”.

Đại úy Phạm Văn Tuấn, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, người được đơn vị phân công đảm nhận chăm nuôi cháu Thìn, cười bảo: “Từ nay, mình trở thành bố nuôi của cháu, phải coi cháu như con để dạy cháu thật tốt. Vì thế, mình luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, giúp đỡ cháu trong quá trình học tập và sinh hoạt hàng ngày tại đơn vị. Đồng thời, mình cũng luôn quan tâm đến đời sống tinh thần của cháu, theo dõi quá trình học tập để kịp thời dẫn dắt, chỉ bảo, động viên cháu gắng sức học tập”.

Cháu Lê Phi Lăng được Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân đón nhận về nuôi dạy trong niềm vui mừng của gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương. Ảnh: Bá Trí

Cháu Lê Phi Lăng được Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân đón nhận về nuôi dạy trong niềm vui mừng của gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương. Ảnh: Bá Trí

Mới lên 8 tuổi, nên cháu Lê Phi Lăng, học sinh lớp 3, dân tộc Pa Cô, ở thôn A Năm, xã Hồng Vân tỏ ra rất thích thú khi được tham quan vị trí mình sẽ được ăn ở, học tập, sinh hoạt tại nơi ở mới. Được biết, Lăng mồ côi cha từ nhỏ, Lăng còn có thêm 3 anh chị em, nên hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Sau khi rà soát các đối tượng trên địa bàn, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân quyết định nhận nuôi cháu để chung tay, góp sức giúp đỡ gia đình giảm bớt khó khăn.

Chị Lê Thị Nghĩa, mẹ của cháu Lăng, bày tỏ tin tưởng: “Với rất nhiều phần việc BĐBP đã giúp đỡ cho đồng bào nghèo ở biên giới, tôi rất tin tưởng vào các cán bộ Biên phòng. Tôi hứa sẽ phối hợp cùng các anh chăm lo, giáo dục, động viên cháu Lăng cố gắng học tập, rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi”.

Nhân rộng mô hình

"Con nuôi đồn Biên phòng” là mô hình lần đầu tiên được Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế tổ chức thực hiện, với mong muốn được chung tay, góp sức, hỗ trợ cho các cháu có hoàn cảnh đặt biệt khó khăn được ăn ở, học tập đầy đủ, phát triển toàn diện, sau này trở thành những công dân tốt cho gia đình, xã hội. Để triển khai mô hình, Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế trực tiếp chỉ đạo Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt và Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân nhận nuôi 2 cháu để làm điểm, sau đó, nhân rộng trên địa bàn khu vực biên giới trong toàn tỉnh.

“Để thực hiện hiệu quả và nhân rộng mô hình này, ngoài sự tiên phong của lực lượng BĐBP tỉnh, cần có sự phối hợp của chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình một cách thường xuyên, chặt chẽ trong suốt quá trình nuôi dạy các cháu. Cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường ưu tiên quan tâm về chế độ, chính sách cho gia đình các cháu, vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cùng với đồn Biên phòng để chăm lo, tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu được học tập, rèn luyện để trưởng thành” - Thượng tá Phạm Tùng Lâm nhấn mạnh.

Thượng tá Phạm Tùng Lâm, Phó Chính ủy BĐBP Thừa Thiên Huế cho hay, mỗi đơn vị sẽ bố trí vị trí học tập, đảm bảo chỗ ăn, nghỉ cho các cháu trong điều kiện tốt nhất, phân công cán bộ kèm cặp, hướng dẫn học tập, đưa đón cháu tới trường; thường xuyên kiểm tra về tình hình sức khỏe, nắm chắc các mối quan hệ và tâm lý của cháu khi ở tại đơn vị. Đồng thời, thắt chặt mối quan hệ với nhà trường, gia đình và đồn Biên phòng, thường xuyên có thông tin trao đổi hai chiều về tình hình học tập, sức khỏe của các cháu.

Cũng theo Thượng tá Phạm Tùng Lâm, mô hình này không phải là tổ chức nhận con nuôi theo thủ tục pháp lý hay phong tục, tập quán của địa phương. Đây là một chương trình an sinh xã hội mang tính nhân văn, thể hiện lòng tri ân của BĐBP tỉnh đối với nhân dân các dân tộc trên địa bàn biên giới đã cưu mang, giúp đỡ BĐBP tỉnh trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong suốt những năm qua.

Bá Trí

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tin-tuong-gui-con-cho-can-bo-bien-phong/