Tin tưởng những cam kết tại nghị trường sẽ sớm được hiện thực hóa
Nhìn lại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nhiều nhà trí thức đánh giá phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã diễn ra thành công. Đồng thời tin tưởng rằng, những cam kết của các thành viên Chính phủ sẽ sớm được hiện thực hóa bằng kế hoạch và lộ trình cụ thể, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời gian tới.
PGS.TS. Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội đánh giá số lượng ĐBQH đăng ký chất vấn rất lớn, như phiên chất vấn về lĩnh vực KHCN có tới 120 đại biểu tham gia. Điều này chứng tỏ các ĐBQH rất quan tâm đến các nội dung giám sát tối cao thông qua hình thức chất vấn.
Các câu hỏi chất vấn ngắn gọn, xúc tích, rõ nội dung, có cơ sở khoa học. Nhìn chung, các Bộ trưởng, trưởng ngành đã nắm vững công việc của mình và có những số liệu để trả lời trực tiếp, thẳng vào những vấn đề mà đại biểu chất vấn.
Các Phó Thủ tướng, trong đó có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nắm chắc lĩnh vực mình phụ trách dù mới được phân công, nêu được những vấn đề cốt lõi và định hướng khắc phục các tồn tại.
Trong 4 lĩnh vực được chất vấn, bà Bùi Thị An quan tâm nhiều nhất đến lĩnh vực KHCN. Đây là lĩnh vực quan trọng, ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực khác, là đòn bẩy, động lực cho phát triển bền vững, tăng năng suất và chất lượng. Bộ trưởng Bộ KHCN cũng ghi nhận số lượng câu hỏi chất vấn cao nhất so với các Bộ trưởng còn lại. Dù đây là áp lực không nhỏ nhưng trong lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã rất nỗ lực, cố gắng với tinh thần cầu thị.
"Chúng ta đã có định hướng nhưng cần tổ chức thực hiện hiệu quả, nhất là trong sử dụng nguồn lực, con người, thu hút nhân tài. Trong giai đoạn hiện nay, đối với Việt Nam, công nghệ cao cần đặc biệt áp dụng cho lĩnh vực nông nghiệp để thúc đẩy xuất khẩu. Cùng với đó là lĩnh vực y tế. Chúng ta cần phải có điều kiện đủ ngưỡng cho nghiên cứu, do đó ngoài ngân sách Nhà nước, phải có các biện pháp huy động thông qua các nguồn lực xã hội", bà Bùi Thị An nêu ý kiến.
Đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, bà Bùi Thị An cũng quan tâm đến lĩnh vực việc làm - điều cốt lõi trong việc bảo đảm an sinh xã hội, tác động rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, liên quan trực tiếp đến người lao động và các doanh nghiệp. Đặc biệt sau đại dịch COVID-19, vấn đề lao động việc làm, lại càng cấp thiết hơn.
Như Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã trả lời trước Quốc hội, bà Bùi Thị An mong muốn những chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình KHCN hay an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm phải đến tận người dân để người dân hưởng thụ, không chỉ ở thành thị lớn, không chỉ ở vùng đồng bằng mà cả ở các vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa.
Đánh giá chung về tình hình kinh tế-xã hội 5 tháng đầu năm 2023, bà Bùi Thị An cho rằng với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ thông qua những chính sách thích ứng, kịp thời nhạy bén trong bối cảnh hậu COVID-19, chúng ta vẫn bảo đảm sự tăng trưởng. Tuy nhiên, trước nhiều khó khăn phía trước, Chính phủ cần tiếp tục có những chỉ đạo mạnh mẽ để ổn định, tăng trưởng kinh tế trở lại bền vững bằng cách tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, ứng dụng KHCN cao để tăng năng suất, chất lượng, bảo đảm xuất khẩu, qua đó tạo công ăn việc làm, góp phần cho tăng trưởng GDP của đất nước.
"Tôi cũng như cử tri và nhân dân kỳ vọng, sau phiên chất vấn, các "lời hứa" của các Bộ trưởng sẽ sớm được hiện thực hóa bằng kế hoạch và lộ trình cụ thể, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời gian tới", bà Bùi Thị An bày tỏ.
Bà Bùi Thị An cho rằng lời hứa và các giải pháp phát triển ngành của các Bộ trưởng trước Quốc hội phải được giám sát và đo lường hiệu quả từ thực tế. Làm đến đâu, làm như thế nào, trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu... phải được nêu ra trong các kỳ họp kế tiếp.
Khơi thông các cơ chế chính sách
Đồng quan điểm, TSKH Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết tại các kỳ họp Quốc hội, mỗi phiên chất vấn và trả lời chất vấn đều được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, chú ý. Bốn lĩnh vực được chọn lần này đều là những vấn đề cấp bách. Hàng nghìn kiến nghị của cử tri thông qua MTTQ Việt Nam gửi tới, hàng trăm câu hỏi trực tiếp tại hội trường đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của cử tri, nhân dân về các lĩnh vực này.
Theo dõi các phiên chất vấn trong 2,5 ngày qua, ông Nghiêm Vũ Khải nhận thấy các ĐBQH đặt câu hỏi ngắn gọn, xúc tích, đúng nguyện vọng của cử tri và phạm vi chất vấn, thể hiện năng lực, trình độ tổng hợp, tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu. Có Bộ trưởng đã tham gia trả lời chất vấn nhiều lần, nhưng cũng có Bộ trưởng là "gương mặt" mới. Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ về cơ bản đã trả lời rất có trách nhiệm và bám sát yêu cầu.
Ông Nghiêm Vũ Khải quan tâm đến vấn đề đầu tư hệ thống đường cao tốc, phát triển hạ tầng giao thông vận tải, đào tạo lĩnh vực chất lượng cao, đặc biệt là lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo.
Theo ông Nghiêm Vũ Khải, vẫn còn sự bất cập trong triển khai những chủ trương, chính sách của Đảng để KHCN phải là lĩnh vực cần ưu tiên trước một bước. Đầu tư vào KHCN tại Việt Nam hiện nay chỉ chiếm khoảng hơn 0,6% GDP (chúng ta từng đặt mục tiêu là 2% GDP vào năm 2020), trong khi đó nhu cầu là rất lớn. Con số này ở các nước G7 là không dưới 3% GDP trở lên.
"Nếu đầu tư nhỏ giọt, chúng ta sẽ không có nguồn nhân lực trình độ cao, không có phát minh mang đẳng cấp quốc tế. Trình độ KHCN thấp, năng suất lao động thấp, không đạt được tiêu chí hội nhập, hiện đại thì không thể trở thành nước phát triển được", ông Nghiêm Vũ Khải cho hay.
Theo ông Nghiêm Vũ Khải, 3 khâu đột phá của đất nước là thể chế, hạ tầng, nhân lực thì trong lĩnh vực KHCN cũng thế. Nếu 3 khâu đó không được nâng cao thì không thể phát triển được. Do đó, cần phải xây dựng một Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo nhằm mục tiêu nâng cao hạ tầng nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực KHCN, đổi mới thể chế về nghiên cứu và ứng dụng KHCN.
"Người Việt Nam nhiều hoài bão, năng lực, nhiều trí thức trong và ngoài nước rất xuất sắc, chúng ta phải khai thác tiềm năng này", ông Nghiêm Vũ Khải nêu ý kiến.
Theo ông Nghiêm Vũ Khải, các phiên chất vấn vừa qua đã làm sâu sắc, nổi bật thêm ngoài thành tựu còn là những vấn đề đất nước đang phải đối mặt trong bối cảnh trong nước và thế giới đầy rủi ro song hành cơ hội. Các phiên chất vấn đã phát hiện, nhận dạng vấn đề để có giải pháp khắc phục. Từ đó, ông Nghiêm Vũ Khải tin tưởng rằng sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ ngành, các cơ quan hữu quan sẽ khơi thông các cơ chế chính sách trong thời gian tới để đất nước vượt qua những khó khăn và đạt được nhiều thành tựu mới.