Tin tưởng vào những quyết sách đúng đắn

Trước thềm Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV, các đại biểu Quốc hội đặt nhiều kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn nhằm tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn: Phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh

Ảnh: Hồ Long

Tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội sẽ cho ý kiến về 7 dự án luật, xem xét thông qua 7 dự án luật và 3 nghị quyết. Tôi đặc biệt quan tâm đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đây là dự án luật khó, nhạy cảm, phức tạp, nhận được sự quan tâm lớn của dư luận xã hội và các đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Tôi kỳ vọng, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ cụ thể hóa được các chính sách lớn trong Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Hiện nay, vướng mắc lớn nhất nằm ở việc thu hồi đất, bồi thường đất, hỗ trợ tái định cư, hay việc xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư đã được Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa. Các cơ quan của Quốc hội cũng luôn theo sát quá trình xây dựng dự án Luật này, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong việc nghiên cứu sửa đổi các nội dung cụ thể nhằm tạo hành lang pháp lý cho quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; kiến tạo động lực mới để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Đây là dự án luật rất quan trọng, nên chắc chắn các ĐBQH sẽ nghiên cứu, thảo luận hết sức kỹ lưỡng, thận trọng, để giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế; bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh.

Tôi cũng dành sự quan tâm đến dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), yêu cầu cấp bách để bảo đảm tiếp tục tạo dựng khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và xử lý những tiêu cực trong quá trình thực hiện Luật thời gian qua như tình trạng thông thầu, quân xanh, quân đỏ… đã được báo chí và dư luận phản ánh. Sửa đổi Luật Đấu thầu phải góp phần ngăn chặn hành vi tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc (TP Hà Nội): Triển khai nhanh hơn nữa các gói hỗ trợ sẽ "tiếp sức" mạnh mẽ cho doanh nghiệp

Ảnh: P. Thủy

Ảnh: P. Thủy

Cộng đồng doanh nghiệp phản ánh với tôi là họ "ngóng sức nóng trên nghị trường". Bởi, tại Kỳ họp thứ Tư sẽ bàn nhiều quyết sách về kinh tế - xã hội như các yếu tố nền tảng để tạo tăng trưởng cho năm 2023; những yêu cầu thúc đẩy thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi kinh tế, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp. Hơn nữa, tại Kỳ họp này, nhiều đạo luật có ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp cũng được đưa ra Quốc hội thảo luận lần đầu như dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)…

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm nay đã cho thấy nhiều tín hiệu tích cực về kinh tế, cũng như sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp (thể hiện qua số liệu doanh nghiệp thành lập mới, lượng vốn đầu tư gia tăng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, thu ngân sách nhà nước). Nhưng, chúng ta cũng cần chú ý đến những điểm chưa sáng như trung bình mỗi tháng có khoảng 12.000 doanh nghiệp phải rời thị trường hoặc không tiếp tục kinh doanh được; có từ 25 - 29% doanh nghiệp ở khu vực sản xuất nhận định tình hình sắp tới đặc biệt khó khăn do thị trường nhập khẩu khó khăn, thậm chí một số thị trường đứng trước nguy cơ suy thoái… Chi phí sản xuất, nguyên nhiên liệu đầu vào, chưa kể đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu đã khiến một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp khó khăn, đối diện với nguy cơ phá sản.

Hiện nay, doanh nghiệp vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn. Trong khi đó, dù các cơ quan, đơn vị đã có nhiều nỗ lực thì kết quả triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp (thuộc Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội) vẫn còn khiêm tốn. Toàn bộ nguồn vốn phân bổ cho gói phục hồi kinh tế đến cuối tháng 8.2022 mới sử dụng 20% nguồn lực. Như vậy, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế còn dư địa khá lớn nhưng triển khai với tiến độ chậm - là một nguyên nhân khiến cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. Nếu triển khai nhanh hơn nữa các gói hỗ trợ sẽ là sự tiếp sức lớn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Ngoài ra, trước áp lực lạm phát tăng cao và tỷ giá biến động trên thế giới đã buộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh lãi suất. Điều này khiến việc giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 1% để hỗ trợ doanh nghiệp như mục tiêu được Quốc hội, Chính phủ xác định sẽ khó thực hiện. Một điều không vui khác là một số ngân hàng thương mại phản ánh không mặn mà thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, nhiều doanh nghiệp không trông cậy vì tiếp cận khó khăn. Làm sao để giải tỏa những khó khăn này, qua đó đẩy nhanh tiến độ triển khai gói hỗ trợ lãi suất là vấn đề cần thảo luận kỹ lưỡng, tìm ra giải pháp khắc phục hiệu quả tại các phiên thảo luận của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận nhiều dự án Luật liên quan sát sườn tới hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, tôi mong rằng các đại biểu Quốc hội khi thảo luận về các dự án Luật này phải tập trung vào các vấn đề then chốt nhằm giải quyết cho được những tồn đọng, vướng mắc hiện tại, không làm phát sinh tồn đọng, vướng mắc mới cũng như những vấn đề phức tạp mới. Hy vọng rằng, trên diễn đàn Quốc hội tại kỳ họp lần này sẽ làm rõ nội dung nào, khoản nào, điều nào ách tắc như Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh khi cho ý kiến với dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông): Rút ngắn thời gian nhưng vẫn phải bảo đảm hiệu quả, chất lượng

Ảnh: T. Chi

Ảnh: T. Chi

Kỳ họp thứ Tư là kỳ họp cuối năm, theo thông lệ, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng với khối lượng công việc rất lớn. Tuy nhiên, kỳ họp lần này đã được rút ngắn còn 21 ngày làm việc. Đây là nỗ lực rất lớn cùng sự chuẩn bị tích cực, chủ động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhằm tiếp tục cải tiến, đổi mới hoạt động của Quốc hội theo hướng rút ngắn thời gian họp nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Thực tiễn cho thấy, sự chuẩn bị của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội có ý nghĩa hết sức quan trọng bảo đảm chất lượng, hiệu quả của kỳ họp. Sau ba kỳ họp định kỳ và một kỳ họp bất thường được tổ chức từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tôi tin tưởng rằng, tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội sẽ ban hành các quyết sách quan trọng, đúng đắn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và nhân dân.

Đến thời điểm này, trên App Quốc hội cung cấp tài liệu cho đại biểu Quốc hội đã cung cấp tương đối đầy đủ và liên tục cập nhật các tài liệu phục vụ kỳ họp để đại biểu có thời gian nghiên cứu. Có thể thấy, thời gian qua, các cơ quan hữu quan đã chủ động phối hợp chặt chẽ chuẩn bị các nội dung bảo đảm yêu cầu, điều kiện để kịp trình Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến các nội dung của kỳ họp. Tổng Thư ký Quốc hội đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn chủ trì, phối hợp triển khai tổ chức nghiên cứu, biên dịch, tổng hợp thông tin, tài liệu tham khảo phục vụ đại biểu Quốc hội tại kỳ họp; đã chuẩn bị các công tác bảo đảm để tiếp nhận và trả lời yêu cầu cung cấp thông tin của đại biểu Quốc hội trong suốt thời gian diễn ra kỳ họp tại khu vực sảnh Hội trường Diên Hồng. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan hữu quan trong công tác chuẩn bị kỳ họp.

Một trong những nội dung được ĐBQH và cử tri, nhân dân đặc biệt quan tâm tại kỳ họp này là dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Dự án Luật sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tư và sẽ được xem xét, thông qua theo quy trình tại 3 kỳ họp. Với sự chuẩn bị từ sớm, từ xa của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phối hợp với Chính phủ, tôi kỳ vọng dự án Luật sẽ thể chế hóa được đầy đủ Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và sự kỳ vọng của cử tri, nhân dân.

Hoàng Ngọc - Phương Thủy - Thanh Chi ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/tin-tuong-vao-nhung-quyet-sach-dung-dan-i304148/