Tin vắn thế giới sáng 19/6/2023
Ngoại trưởng Mỹ có chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên trong 5 năm qua; Tỷ lệ ủng hộ Nội các Nhật Bản giảm xuống 40,8%; Triều Tiên tăng cường sản xuất 'vũ khí hạt nhân mạnh'; Trí tuệ nhân tạo có thể hữu ích trong việc điều tra Hồ sơ Panama;… là những thông tin thế giới quan trọng sáng 19/6.
* Trong 2 ngày (18 và 19/6), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có chuyến thăm Bắc Kinh (Trung Quốc). Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Ngoại trưởng Mỹ tới Trung Quốc trong 5 năm qua.
Theo đó, tại cuộc gặp, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đồng ý hai nước sẽ tiếp tục đối thoại việc thiết lập các kênh liên lạc mở và bền vững nhằm đảm bảo cạnh tranh chiến lược giữa hai nước không rơi vào vòng xoáy xung đột, trong bối cảnh căng thẳng song phương gia tăng về vấn đề Đài Loan và các vấn đề khác.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương (phải) và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken tại cuộc gặp ở Bắc Kinh, ngày 18/6/2023. Ảnh: AFP
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington trước thềm chuyến thăm, Ngoại trưởng Blinken khẳng định chuyến thăm có 3 mục tiêu chính gồm: Thiết lập các cơ chế quản lý khủng hoảng, thúc đẩy lợi ích của Mỹ và các đồng minh, trao đổi trực tiếp các mối quan ngại liên quan, khám phá các lĩnh vực hợp tác tiềm năng.
Giới quan sát cho rằng, chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken đến Trung Quốc sẽ mở đường cho các cuộc gặp song phương khác trong những tháng tới. Đồng thời, chuyến thăm này cũng được cho là có thể tạo tiền đề cho các cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại các hội nghị thượng đỉnh đa phương vào cuối năm.
* Trong một cuộc thăm dò qua điện thoại trên toàn quốc được Kyodo News công bố ngày 18/6 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ dành cho Nội các Nhật Bản của Thủ tướng Fumio Kishida đã giảm xuống 40,8%.
Theo đó, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự suy giảm là do hơn 71% người được hỏi “lo lắng” hoặc “lo lắng ở một mức độ nào đó” về việc mở rộng sử dụng thẻ cá nhân My Number, trong khi khoảng 72,1% kêu gọi hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch loại bỏ thẻ bảo hiểm y tế của chính phủ và kết hợp chúng vào thẻ cứng My Number vào mùa thu năm sau.
Hệ thống thẻ My Number ra mắt vào năm 2016 gồm 12 chữ số được cấp cho mỗi công dân và người nước ngoài cư trú tại Nhật Bản để liên kết nhiều loại dữ liệu cá nhân, bao gồm thông tin về thuế và an sinh xã hội.
Ngoài ra, về chính sách chăm sóc trẻ em, một trong những trọng tâm ưu tiên của thủ tướng Kishida, dường như cũng không giúp tăng xếp hạng của Nội các, với 66,3% số người được khảo sát cho biết “không kỳ vọng” hoặc “không kỳ vọng nhiều” từ kế hoạch tăng chi tiêu cho chăm sóc trẻ em để làm chậm tỷ lệ sinh đang giảm nhanh chóng của chính phủ.
* Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, tại phiên họp toàn thể mở rộng lần thứ 8 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên diễn ra từ ngày 16 đến ngày 18/6, nước này cần phải không ngừng đổi mới tiềm lực quân sự, đẩy nhanh tiến độ tăng cường khả năng phòng thủ trong bối cảnh tình hình phức tạp trên Bán đảo Triều Tiên.
Kết thúc cuộc họp ngày 18/6, Đảng Lao động Triều Tiên cho rằng các mục tiêu phát triển năng lực quân sự được đưa ra tại phiên họp gồm 5 điểm đều rất quan trọng, song việc phát triển vệ tinh trinh sát quân sự có tầm ảnh hưởng đáng kể đối với triển vọng tăng cường lực lượng vũ trang của Triều Tiên.
Phiên họp toàn thể của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên khóa 8 được tổ chức tại trụ sở của ủy ban ở Bình Nhưỡng, ngày 17/6. Ảnh: Yonhap
Theo tuyên bố này, những nhiệm vụ cốt lõi nhằm thúc đẩy năng lực quốc phòng được đặt ra trước đó đã đi đến thành công, tuy nhiên vẫn tồn tại một số vấn đề ở một số lĩnh vực. Trong đó, nghiêm trọng nhất là sự cố phóng vệ tinh trinh sát quân sự - chiến lược quan trọng trong lĩnh vực phát triển không gian của Triều Tiên.
Bình Nhưỡng cũng đánh giá thất bại trong nỗ lực phóng vệ tinh trinh sát quân sự hồi cuối tháng trước là một thiếu sót “nghiêm trọng nhất” “không thể coi thường”. Đồng thời, trong một tuyên bố đưa ra sáng 19/6 rằng Triều Tiên sẽ duy trì chính sách “tăng cường sản xuất vũ khí hạt nhân”.
* Ngày 18/6, Nhà báo Emilia Diaz-Struck, người có liên quan đến câu chuyện “Hồ sơ Panama” từng đoạt giải Pulitzer về các thiên đường thuế cho biết, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể hữu ích trong các báo cáo điều tra về Hồ sơ Panama, nhưng kêu gọi cần đảm bảo độ tin cậy trong việc đưa tin.
Emilia Diaz-Struck phát biểu tại một sự kiện về trí tuệ nhân tạo và báo chí điều tra ở Tokyo (Nhật Bản), ngày 18/6. Ảnh: Kyodo
Phát biểu tại một sự kiện về trí tuệ nhân tạo và báo chí điều tra ở Tokyo (Nhật Bản) ngày 18/6, Nhà báo Emilia Diaz-Struck nói: “Đó là sự khởi đầu của những điều mới".
Bà Emilia Diaz-Struck cũng lưu ý rằng các nguyên tắc báo chí, tiêu chuẩn đạo đức, cũng như vai trò của báo chí trong việc nắm giữ quyền lực giải trình sẽ không thay đổi. Bà Emilia Diaz-Struck nói: “Chúng ta cần hiểu rằng yếu tố con người vẫn là trung tâm của báo chí, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “kiểm tra và xác thực thông tin để có thể thực hiện phân tích đầy đủ” vì AI không thể hoàn toàn đáng tin cậy và để đảm bảo tính minh bạch khi sử dụng AI.
AI sáng tạo có thể sử dụng lượng dữ liệu khổng lồ từ internet và các nguồn khác để tạo văn bản, hình ảnh hoặc phương tiện khác theo cách giống con người. Trong số đó có ChatGPT, được phát triển bởi Công ty công nghệ OpenAI của Mỹ gần đây đã thu hút sự chú ý của thế giới.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/the-gioi/tin-van-the-gioi-sang-19-6-2023/188701.htm