'Tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp là sự phiền muộn chưa bao giờ nguôi'
Chiều 7/6, trong phiên chất vấn người đứng đầu ngành Nông nghiệp, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp là sự phiền muộn chưa bao giờ nguôi của hàng triệu người dân và đề nghị Bộ trưởng cho biết, đến khi nào người dân mới có thể hoàn toàn yên tâm về vấn đề này.
Giải bài toán vật tư nông nghiệp để tiếp sức, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp “Bão” giá vật tư nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói gì? Bàn giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ Sản xuất nông sản sạch vẫn ‘chậm lớn’ Phát triển nông nghiệp hữu cơ: Mở hướng mới cho nông nghiệp Việt Nam
Bao giờ Việt Nam viết tên mình trên bản đồ nông nghiệp hữu cơ thế giới?
Đại biểu (ĐB) Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) chất vấn: “Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng nói, chúng ta chung tay cho sứ mệnh đưa nông nghiệp nước nhà đến tầm cao mới, đề nghị Bộ trưởng cho biết định hướng đổi mới nào Bộ trưởng đã, đang và sẽ thực hiện để đưa nông nghiệp nước nhà đến tầm cao mới”.
Cũng theo ĐB, Bộ trưởng đã từng đưa ra thông điệp: Chúng ta xây dựng một nền nông nghiệp trách nhiệm, trách nhiệm với sức khỏe hàng trăm triệu dân. Tuy nhiên, đến nay, tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp vẫn là sự phiền muộn chưa bao giờ nguôi của hàng triệu người dân.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết đến khi nào người dân mới có thể hoàn toàn yên tâm về tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp, đến bao giờ Việt Nam có thể viết tên mình trên bản đồ nông nghiệp hữu cơ của thế giới?
ĐB Vũ Thị Lưu Mai quan tâm đến phát triển nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn cho hàng triệu người dân.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, khi nào 100 triệu dân Việt Nam được an toàn khi sử dụng thực phẩm là câu hỏi được lặp lại rất nhiều từ trước đến nay. Bộ trưởng không thoái thác trách nhiệm, nhưng ngành Nông nghiệp có tính liên ngành rất cao, có tính hệ thống trên dưới trong ngoài, vận hành theo kinh tế thị trường. Vì vậy, không thể bằng một mệnh lệnh hành chính là có thể thay đổi được.
“Ngay cả sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng phải an toàn, được kiểm chứng bởi hệ thống phân phối. Đáng tiếc chúng ta chưa có hệ thống để đánh giá chất lượng nông sản, dẫn đến nền nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi lời nguyền manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Vấn đề này có trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” - người đứng đầu ngành Nông nghiệp nói.
Chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ĐB Vũ Thị Lưu Mai bấm nút tranh luận. Theo ĐB, bà rất chia sẻ với Bộ trưởng và Bộ trưởng có nói là đối với những câu hỏi “khi nào, bao giờ” thì thật khó để đưa ra một câu trả lời, bởi vì rất khó xác định được kết quả. Bộ trưởng có nêu là những tồn tại do yếu tố thị trường biến động cho nên không xác định được kết quả.
“Đúng là thị trường là yếu tố khó xác định những biến động nhưng trên thực tế chúng ta có những quy luật thị trường. Đó là quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, quy luật giá trị và sự quản lý Nhà nước trong kinh tế thị trường có 4 vai trò căn bản gồm: kiến tạo, xây dựng, định hướng và dự báo thị trường. Như vậy, chúng tôi nghĩ rằng, không thể nói là chúng ta khó xác định được kết quả và hiện nay trên thực tế xác định kết quả đầu ra là một quy luật tiên tiến và thông lệ quốc tế cũng đang áp dụng” - ĐB Vũ Thị Lưu Mai thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình.
Ngoài ra, theo nữ ĐB, Bộ trưởng nói là có những vấn đề mà liên quan đến yếu tố liên ngành cũng rất khó xác định. “Đồng ý rằng có từng bộ, ngành nhưng Chính phủ là nhất thể và bộ máy điều hành đó là thống nhất. Vì vậy, tôi cũng mong rằng, đối với những câu hỏi liên quan đến khi nào, bao giờ thì các đại biểu cần có được câu trả lời. Bởi vì đó không chỉ đơn thuần là câu trả lời mà còn là hy vọng và chúng ta cũng không nên để hy vọng của người dân trở thành vô vọng khi không có câu trả lời” - vị ĐBQH là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nói.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, bản thân cá nhân Bộ trưởng chưa làm hết trách nhiệm của mình trong bối cảnh đó. Với những câu hỏi của ĐB Vũ Thị Lưu Mai, Bộ trưởng cho biết sẽ nghiên cứu để trả lời đại biểu sau.
Đóng tàu vỏ sắt, không phải có tiền là giải quyết được vấn đề
ĐBQH Nguyễn Anh Trí hỏi, Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ giúp ngư dân đóng tàu sắt vươn khơi bám biển đã hơn 7 năm rồi, nhiều ngư dân giỏi sau đó mắc nợ. Nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ việc này?
Đây là vấn đề được cử tri cả nước nói chung và ngư dân nói riêng hết sức quan tâm thời gian qua.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Việt Nam có 800.000 ngư dân thường xuyên ra khơi. Nghị định 67/2014/NĐ-CP nhằm hỗ trợ ngư dân đóng tàu vươn khơi bám biển, vừa mang tính chất kinh tế, vừa giữ gìn biển đảo.
"Tuy nhiên, có những ngư dân giỏi sau này lại khó khăn, nợ ngân hàng. Vấn đề này liên quan đến các thiết chế tài chính, ngân hàng, bảo hiểm" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu để sửa quy định này. Theo Bộ trưởng, có rất nhiều bài học được rút ra, đầu tiên là chương trình rất lớn, do khách quan nên xây dựng đề án trong thời gian ngắn. Chủ trương này đã xác lập được đội tàu vươn khơi. Tuy nhiên, có cái không lường trước được liên quan đến tổ chức, có trách nhiệm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị khác.
Trong điều kiện là ngư trường lúc đó suy giảm mà chúng ta chưa đủ điều kiện khảo sát. Trong đại dịch Covid-19, các tàu không ra khơi được, nhiều khó khăn chồng chất cho ngư dân.
Rút kinh nghiệm của chương trình này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định: “Không phải cứ có tiền là giải quyết được vấn đề mà phải tổ chức ngành hàng, huấn luyện đội tàu, ngư dân, hệ thống quản lý thủy sản địa phương. Khâu xét chọn các ngư dân tham gia hưởng chính sách của Nghị định 67/2014/NĐ-CP để được vay vốn đóng tàu cần được chặt chẽ hơn. Đơn cử, có nhóm khoảng 300 tàu được xây dựng, có chức năng chuyên cung cấp hậu cần cho tàu khác để ngư dân sống dài ngày trên biển hơn. Nhưng chúng ta không biết rằng những tàu cá đã có đối tác chuyên cung cấp hậu cần rồi. Vì vậy, những nhóm tàu được kỳ vọng làm hậu cần thì lại không phát triển được”.
Bộ trưởng cũng nêu rõ, ngành thủy sản có số lượng ngư dân lớn nhưng còn manh mún, do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Chiến lược phát triển thủy sản bền vững với định hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng. Suy giảm tài nguyên thủy sản là câu chuyện toàn cầu do trữ lượng và ngư trường đang dần thu hẹp, cơ sở hạ tầng nghề cá còn chưa được đầu tư xứng đáng. Bộ đang quy hoạch lại hệ thống cảng cá theo hướng tích hợp để nâng cao hiệu quả trong việc phát triển ngành này./.