Tỉnh Bắc Giang: Tổng thu ngân sách nhà nước vượt 27% dự toán Trung ương giao

UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tính đến ngày 25/12/2023, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn Tỉnh đạt 16.141,4 tỷ đồng, vượt 27% dự toán Trung ương giao; vượt 7,4% dự toán tỉnh giao, bằng 94,6 so cùng kỳ.

Công chức KBNN thực hiện kiểm soát các hồ sơ thanh toán vốn ngân sách trên dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc.

Công chức KBNN thực hiện kiểm soát các hồ sơ thanh toán vốn ngân sách trên dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc.

Trong cơ cấu thu NSNN tính đến ngày 25/12/2023, thu nội địa của tỉnh Bắc Giang là 14.478 tỷ đồng, vượt 34% dự toán Trung ương giao, vượt 10,3% dự toán HĐND Tỉnh giao; Thu thuế xuất nhập khẩu khoảng 1.663,4 tỷ đồng, đạt 87,5% dự toán.

Về chi ngân sách địa phương năm 2023, đến nay cơ bản theo dự toán được giao, đáp ứng kịp thời nhu cầu các khoản chi cho con người; chi nghiệp vụ chuyên môn; chi an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp thiết khác. Ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2023 toàn Tỉnh đạt 96,8% kế hoạch...

Tuy nhiên, đại diện UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, trong năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội và kết quả điều hành dự toán NSNN của Tỉnh vẫn còn một số tồn tại, khó khăn như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra; kinh tế tăng trưởng cao song chưa bền vững; Dịch vụ phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương và chưa theo kịp tốc độ phát triển công nghiệp; chưa thu hút được nhà đầu tư dự án thương mại - dịch vụ quy mô cấp vùng, tiến độ thực hiện một số dự án trong lĩnh vực dịch vụ chậm so với chấp thuận đầu tư... Bên cạnh đó, trong năm qua, trong hoạt động thu NSNN, một số chỉ tiêu thu đạt thấp so với dự toán như: Thu từ doanh nghiệp nhà nước Trung ương, Lệ phí trước bạ, Thuế bảo vệ môi trường...

Dự báo trong thời gian tới, kinh tế vĩ mô nói chung còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Vì vậy, để phấn đấu hoàn thành dự toán NSNN năm 2024, UBND tỉnh Bắc Giang xác định tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, về thu NSNN, bám sát nhiệm vụ thu NSNN, nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để tập trung tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc; thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của Tỉnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo cơ sở để tăng thu cho NSNN.

Bên cạnh đó, chú trọng công tác phân tích, dự báo những tác động ảnh hưởng tăng, giảm đến nguồn thu trên địa bàn, gắn với việc đánh giá tăng trưởng kinh tế; thường xuyên kiểm tra rà soát, đánh giá, phân tích làm rõ nguyên nhân khoản thu còn thất thu, khoản thu đạt thấp, khoản thu còn tiềm năng để có biện pháp quản lý hiệu quả, đề ra các giải pháp tăng thu nhằm bù đắp các khoản thu sụt giảm.

Thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu, trốn lậu thuế và đẩy mạnh quản lý nợ đọng thuế; nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất. Tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế ở tất cả các khâu, các bộ phận, các lĩnh vực. Đẩy mạnh cải cách hành chính để tối giản hóa các quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Tăng cường sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trong công tác kết nối, khai thác, đối chiếu chéo thông tin chống chuyển giá, trốn thuế, quản lý hiệu quả các nguồn thu phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh qua mạng. Cùng với đó, tập trung quản lý đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, hoạt động khai thác tài nguyên khoảng sản, thuế thu nhập cá nhân của các cá nhân có nhiều nguồn thu nhập; gắn trách nhiệm cơ quan, đơn vị trong phối hợp chống thất thu NSNN...

Về chi NSNN, tỉnh Bắc Giang xác định đẩy nhanh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, 3 chương trình mục tiêu quốc gia (bao gồm cả kế hoạch năm trước chuyển sang) là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt hiện nay, nhất là trong cải cách hành chính, đầu tư hạ tầng, giải phóng mặt bằng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực thi, với tinh thần “mọi khó khăn, vướng mắc đều phải có hướng tháo gỡ và phải được tháo gỡ kịp thời”.

Đồng thời, bố trí nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII. Ưu tiên dành nguồn thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm các nhiệm vụ về chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, các nhiệm vụ quan trọng thiết yếu. Triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính – NSNN; tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN.

PV. (t/h)

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tinh-bac-giang-tong-thu-ngan-sach-nha-nuoc-vuot-27-du-toan-trung-uong-giao.html