Tình bạn 20 năm sau giây phút ông Obama 'truyền đuốc' cho bà Harris

Bà Harris đối mặt rủi ro chính trị lớn khi ủng hộ ông Obama trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ năm 2008. Lịch sử chứng minh bà đã đúng, và ông Obama cũng không bao giờ quên.

 Mối quan hệ Harris - Obama được đặt viên gạch đầu tiên vào năm 2004, khi bà Harris giúp tổ chức sự kiện gây quỹ tại California để giúp cho chiến dịch tranh cử vào Thượng viện của ông Obama (Ảnh: New York Times).

Mối quan hệ Harris - Obama được đặt viên gạch đầu tiên vào năm 2004, khi bà Harris giúp tổ chức sự kiện gây quỹ tại California để giúp cho chiến dịch tranh cử vào Thượng viện của ông Obama (Ảnh: New York Times).

Một ngày cuối năm 2007, bà Kamala Harris, khi đó là Tổng chưởng lý San Francisco, lặn lội quãng đường xa nhà hàng nghìn dặm để đến bang Iowa. Nhiệm vụ của bà là phát biểu tại sự kiện vận động cho chiến dịch tranh cử của ông Barack Obama, Thượng nghị sĩ bang Illinois nuôi tham vọng trở thành tổng thống Mỹ.

Đó là một bước đi đầy rủi ro vào thời điểm đó, vì hầu hết đảng Dân chủ đều ủng hộ Hillary Clinton, ứng viên nặng ký nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của giới lãnh đạo nội bộ đảng. Nhưng kết quả bầu cử năm ấy đã chứng minh quyết định của bà Harris là đúng đắn.

“Bà ấy là người ủng hộ vững chắc khi toàn bộ giới quyền uy chính trị phản đối ông Obama”, Buffy Wicks, một nhà lập pháp tại nghị viện bang California từng công tác trong chiến dịch tranh cử của ông Obama, nhớ lại.

Cam kết của bà Harris đối với Tổng thống Mỹ đã khiến bà trở nên nổi bật trong mắt ông Obama, giúp bà có được sự biết ơn lâu dài của tổng thống tương lai.

17 năm sau, ông Obama có cơ hội trả lại ân huệ xưa. Xuất hiện trên sân khấu tại hội nghị toàn quốc đảng Dân chủ ở Chicago hôm 21/8, cựu tổng thống da đen đầu tiên của Mỹ có bài phát biểu mà ông đã chuẩn bị suốt 3 tháng và phải sửa vội trong những tuần gần đây, để kêu gọi đất nước bỏ phiếu cho “nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ”.

“Chúng ta không cần thêm bốn năm ồn ào, bê bối và hỗn loạn”, ông Obama, nay đã 61 tuổi, nói với các đại biểu. “Nước Mỹ đã sẵn sàng cho một chương mới, một câu chuyện tốt đẹp hơn. Chúng ta đã sẵn sàng cho Tổng thống Kamala Harris”.

Những viên gạch đầu tiên

Mối quan hệ Harris - Obama được đặt viên gạch đầu tiên vào năm 2004, khi bà Harris giúp tổ chức sự kiện gây quỹ tại California để giúp cho chiến dịch tranh cử vào Thượng viện của ông Obama. Ngay từ lúc ấy, bà Harris đã nhìn thấy điều gì đó đặc biệt ở ông Obama - một thứ sức mạnh đoàn kết và mới mẻ trong nền chính trị Mỹ.

“Họ gặp gỡ, đồng điệu, và cùng nhau xây dựng tình bạn rất thân thiết trong nhiều năm qua”, Valerie Jarrett, một trong những người bạn thân cận nhất của ông Obama và cũng là cố vấn cấp cao khi ông còn tại nhiệm, nói với New York Times.

Theo bà Jarrett, sau khi gặp nhau năm 2004, bà Harris và ông Obama nhanh chóng xích lại gần nhau nhờ những điểm chung về xuất thân, văn hóa, nhất là khi hình ảnh quen thuộc trên chính trường Mỹ vẫn là những chính khách da trắng. Cả hai đều là công dân Mỹ có bố mẹ khác chủng tộc, yếu tố khiến họ cùng có niềm tin rằng “bạn có thể tìm được điểm chung với bất cứ ai”.

 Ông Obama vận động tranh cử hồi năm 2008. Ảnh: New York Times.

Ông Obama vận động tranh cử hồi năm 2008. Ảnh: New York Times.

Năm 2007-2008, bà Harris, con gái của một nhà khoa học người Ấn Độ và giáo sư kinh tế học người Jamaica, đã trở thành “đại sứ” giải thích xuất thân đa dạng của ông Obama cho những cử tri thậm chí chưa từng nghĩ đến một ứng viên như ông.

“Nhiều người trong chúng ta có xu hướng đơn giản hóa thái quá những chiếc mác chính trị”, bà Harris nói năm 2007. “Nhưng ông ấy phức tạp và thú vị hơn nhiều so với những cách phân loại bình thường ấy”.

Cả bà Harris và ông Obama đã dành phần lớn sự nghiệp để đấu tranh cho cùng một lý tưởng, rằng sự trỗi dậy của những người có xuất thân văn hóa và chủng tộc như họ sẽ là minh chứng cho sức mạnh của nước Mỹ.

Phó tổng thống tương lai cũng từng khẳng định, gia đình đa văn hóa của ông Obama - có mẹ công dân Mỹ sống tại bang Kansas, bố xuất thân từ Kenya - là một điều quý giá đối với quốc gia. Sở dĩ vậy là bởi sẽ ngày càng nhiều người Mỹ nhìn nhận xuất thân của ông Obama là điều đáng hoan nghênh trong một nền dân chủ đa dạng, thay vì là mối đe dọa đối với văn hóa và các giá trị Mỹ.

Sự hỗ trợ lẫn nhau

Ít lâu sau khi ông Obama tuyên thệ trở thành Tổng thống Mỹ, bà Harris cũng tuyên bố tranh cử vào chiếc ghế Tổng chưởng lý bang California.

Trong cuộc đua ấy, bà phải đối mặt với thách thức lớn, nhưng niềm tin của ông Obama vào năng lực của bạn mình không bao giờ dao động. Kể với các phụ tá, ông nói bà Harris “rất thông minh” và thường dành lời khen cho sự rắn rỏi và tài năng chính trị của bà.

 Bà Harris chính thức chấp nhận đề cử của đảng Dân chủ. Ảnh: New York Times.

Bà Harris chính thức chấp nhận đề cử của đảng Dân chủ. Ảnh: New York Times.

Nhưng mối quan hệ giữa hai người đôi lúc cũng đối mặt với thách thức. Chẳng hạn, năm 2013, ông Obama đã khiến giới truyền thông xôn xao khi có lời khen ngợi vẻ ngoài của bà Harris tại một sự kiện gây quỹ ở bang California.

“Bà ấy cũng tình cờ là tổng chưởng lý xinh đẹp nhất tại đất nước này”, ông nói.

Nhớ lại sự việc, một phụ tá của ông Obama nói rằng khi ấy chỉ ước “có chiếc hố chui xuống đất” để tránh câu hỏi của phóng viên về bình luận trên. Ông Obama sau đó đã gửi lời xin lỗi tới bà Harris. Đáp lại, bà không tỏ ra tức giận hoặc khó chịu vì câu nói của Tổng thống, theo nguồn tin trên.

“Bà ấy làm rõ rằng lời nói của ông Obama chỉ là lời bạn bè khen nhau”, Gil Duran, người từng làm trợ lý cho bà Harris trong thời gian bà đảm nhiệm chiếc ghế tổng chưởng lý California.

Khi bà Harris trở thành Phó tổng thống Mỹ, ông Obama tăng cường tham gia vào sự nghiệp của bà với những lời động viên và gợi ý trong các giai đoạn khó khăn

Sau khi bà Harris hay tin Tổng thống Joe Biden quyết định ngừng tranh cử, ông Obama là một trong những người đầu tiên nhận thông báo từ Phó tổng thống, trong số hơn 100 người bà gọi ngày hôm đó.

Kể từ đó, ông Obama tiếp tục cố vấn cho bà Harris về vấn đề thông điệp chính trị và nhân sự, bao gồm lựa chọn đối tác tranh cử. Và cũng không phải tình cờ khi chiến dịch tranh cử của bà Harris xoáy vào khái niệm “niềm phấn khởi” và “sự tự do”, 16 năm sau khi ông Obama cũng ra tranh cử với lời hứa “niềm hy vọng” và “sự khởi đầu mới”.

“Cả hai đều tràn đầy tinh thần lạc quan và phấn khởi”, bà Jarrett, người có mặt bay cùng ông Obama tới hội nghị đảng Dân chủ toàn quốc vào tối 20/8. “Tinh thần ấy đã theo họ kể từ phút chào đời và vẫn chưa hề thay đổi theo thời gian”.

Lạc Chi

Nguồn Znews: https://znews.vn/tinh-ban-20-nam-sau-giay-phut-ong-obama-truyen-duoc-cho-ba-harris-post1493196.html