Tình bạn, tình đồng chí thắm thiết ân tình

Những năm tháng sống và chiến đấu trên đất Lào và Campuchia của đồng chí Hoài Nguyên mà ông đã kể cho tôi nghe, cũng như gần mười năm đã cùng chung sống với ông trên các nẻo đường đất bạn, những tập sách tập nhật ký và cả tài liệu ông đã để lại cho tôi trước lúc đi xa. Tôi muốn sưu tầm và viết lại đây một phần như lời tri ân của một học trò, một người đồng chí cùng chiến đấu đã đồng cam cộng khổ, một sự trân trọng quý mến một người anh cả gần suốt đời cống hiến cho tình hữu nghị đặc biệt Việt-Lào.

 Đồng chí Xổm-xa-vạt Lềnh-xa-vắtđang trò chuyện với đồng chí Hoài Nguyên -Ảnh: P.V.S

Đồng chí Xổm-xa-vạt Lềnh-xa-vắtđang trò chuyện với đồng chí Hoài Nguyên -Ảnh: P.V.S

Có nhiều câu chuyện rất cảm động trong những năm tháng sống và chiến đấu gian khổ được Nhân dân bạn yêu thương, che chở đùm bọc. Từ chuyện cọp dữ vằn đen tại Tà Tum huyện Sekong đã ăn thịt nhiều dân Lào và bộ đôi ta, đến chuyện Naitàxẻng ở Phongxalỵ sử dụng các cô gái trẻ tán tỉnh lôi kéo bộ đội ta vào ngủ với họ nhưng bị Nhân dân vạch mặt trò mỹ nhân kế, đến chuyện trên rẻo cao huyện Sêkong các cô gái Lào làm thịt con heo đem biếu bộ đội để các anh không từ chối…

Đặc biệt là câu chuyện anh Frans de boel người gốc Bỉ là cán bộ địch vận bỏ quân đội Pháp sang bộ đội Việt Nam, được bạn Lào đặt tên là Bun My có nghĩa là “có phúc” và tên Việt Nam là Phan Lăng. Anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và tự nguyện sang chiến đấu chống thực dân Pháp ở Lào trong đoàn quân tình nguyện Việt Nam, là sự cổ vũ mạnh mẽ đối với anh em tình nguyện quân, tăng nguồn sức mạnh trên chặng đường dài gian khổ và chông gai. Đoàn quân vượt suối băng ngàn qua bao nhiêu núi non hiểm trở để đến bản Kèngxay bên dòng sông Sêkong rồi leo lên núi PhùLuồng (Boloven) trong mùa rét lạnh sương muối trắng xóa trong rừng thông tít tắp.

Ngoài mang vác phần mình anh còn mang giúp phần cho anh em ốm đau, anh thường đi sau động viên hát hò. Dọc đường Nhân dân nhìn theo ngỡ ngàng vì trong đoàn quân tình nguyện Việt Nam có một người châu Âu là anh. Đến khu hạ Lào anh được đưa về Đại đội 200 chủ lực khu mặt trận Tây Nam Sarabôlô, Sêkong và được đề bạt làm Trung đội trưởng trinh sát. Phụ trách xây dựng cơ sở vùng Pui bản Hôm. Từ đó anh bắt đầu học chữ và tiếng Lào, vì làm trinh sát rất cần mà làm dân vận thì không thể không biết tiếng địa phương. Bun Mi hòa nhập, ăn được cái gì mà người Lào dùng, kể các các món cay, đắng, tái, sống theo khẩu vị người Lào đặc biệt là món cheo.

Hành trang đi công tác của Bun Mi vô cùng giản đơn, một khẩu súng, một cái võng chéo ngang vai, một típ xôi, một ống tre nhỏ đựng cheo và một ống tre lớn đựng nước thay bi đông. Sau tết Lào qua tháng năm khi mùa mưa đến Bun Mi cũng ra đồng cùng người dân, xắn quần, đầu đội khăn “phả phe” tập đi cày ruộng với dân, hay dắt trâu cho dân bừa, vào bản làng thấy ai cũng chào hỏi vui vẻ, gặp sư sãi thì tôn trọng cúi thấp mình vái chào bởi đây là một tập tục vô cùng quan trọng đối với người Lào. Các cuộc vui múa hát lăm vông con trai, con gái tìm anh về cho bằng được, anh múa rất dẻo, rất đẹp nên cô gái nào cũng muốn mời Bun Mi. Trong các cô gái đẹp ở bản Hôm có Bun Tha Vi có vẻ quý mến anh nhiều hơn, còn anh cũng thường hay nhắc đến nàng. Bun Tha Vi có dáng đẹp, người cân đối khỏe mạnh, đôi mắt hạt nhãn, đôi má hồng rực rỡ nắng xuân…

Một hôm, Bun Tha Vi đến chơi, Bun Tha Vi hỏi. “Anh Bun Mi ơi anh thấy con gái Lào xấu lắm phải không? Không! Không! Bun Mi đưa bàn tay hất qua hất lại, không xấu, không xấu, con gái Lào đẹp lắm, đẹp như Bun Tha Vi đó. Nói xong, Bun Mi nhìn thẳng vào Bun Tha Vi, ánh mắt cô sáng lên sung sướng e thẹn, cái tính thật thà của con gái Lào không che đậy được. Thế Bun Mi có yêu Bun Tha Vi không? Bun Tha Vi dịu giọng và nói tiếp, cha mẹ em cũng thương Bun Mi đó. Lúc này, Bun Mi lúng túng mặt đỏ bừng, mãi mới nói một câu. Yêu thì yêu nhưng không cưới được. Bun Tha Vi hỏi lại vì sao? Vì Bun Mi còn đi đánh giặc! Thế Pháp trong đồn Mường Mày vẫn lấy vợ Lào có sao đâu? Từ đó Bun Mi thường qua lại bản Hôm, thăm và chuyện trò với Bun Tha Vi…

Bọn địch ở Mường Mày từ lâu đã biết có một “Pháp cộng” thường xuyên tuyên truyền chống Pháp, chúng tung biệt kích cố tìm cách bắt cho được Bun Mi. Một hôm, một mình Bun Mi đi công tác đến bản Pui thì bị phục kích, Bun Mi bắn hết đạn và tung lựu đạn nhưng anh bị đến bảy vết thương máu loang lỗ khắp cơ thể. Mấy hôm sau địch cho máy bay đến đưa anh đi vào cuối tháng Ba năm 1952 là những ngày buồn nhất trong cuộc đời Bun Mi… Những ngày sau đó dân bản Hôm, bản Pui đã làm lễ cầu siêu với niềm tiếc thương vô hạn, thề trả thù cho anh…

***

Sau 45 năm (tháng 9/1996), vào một buổi sáng cuối thu cô hàng xóm báo cho đồng chí Hoài Nguyên có hai người Pháp tìm gặp. Khi bước ra cổng thấy hai người châu Âu một già, một trẻ. Trong lúc đang ngỡ ngàng thì người đàn ông lớn tuổi bước tới bắt tay: Tôi Phan Lăng đây. Đồng chí Nguyên cảm động ôm lấy Phan Lăng, người đồng chí, người bạn chiến đấu từ ngày gặp đầu tiên ở chiến khu Phú Túc, Hòa Vang, Đà Nẵng đến những tháng năm ở Attapeu (Lào). Phan Lăng kể lại chuyện giặc Pháp đưa anh đi điều trị rồi đưa ra tòa án binh tội phản quốc và kết tù chung thân đến 1962 trục xuất về Bỉ.

 Tác giả (ngoài cùng bên phải) cùng đồng chí Hoài Nguyên và những người bạn - Ảnh: P.V.S

Tác giả (ngoài cùng bên phải) cùng đồng chí Hoài Nguyên và những người bạn - Ảnh: P.V.S

Sau đó, đồng chí Hoài Nguyên ra Hà Nội và tổ chức liên hoan giữa đồng chí Phan Lăng với một số cựu chiến binh quân tình nguyện Việt Nam. Phan Lăng đã khóc sau khi ôm hôn các đồng chí tình nguyện. Anh được trao Huân chương chiến thắng hạng Nhất của nước CHDCND Lào. Trong lúc trao đổi, đại sứ Lào Khăm Sing Sây Nha nói: “Mời đồng chí có dịp sang Lào để chiến sĩ và Nhân dân Lào, nhất là bà con ở Attapeu được gặp lại người bạn chiến đấu cũ. Đại sứ xin được coi Bun Mi là vị đại sứ của Nhân dân Lào tại vương quốc Bỉ, một vinh dự lớn cho Bun Mi. Rồi đồng chí Hoài Nguyên cũng ra tận sân bay tiễn Bun Mi về Bỉ.

Một kỷ niệm khác giữa tôi với đồng chí Hoài Nguyên mà tôi nhớ mãi là khi chia tỉnh năm 1989, từ Campuchia trở về, tôi và đồng chí Hoài Nguyên chia tay nhau. Tôi ra Quảng Trị về công tác ở UBND tỉnh đến năm 1992 về Công ty Thương mại Quảng Trị. Năm 1996 được điều động vào làm việc tại Đà Nẵng. Năm 1999, khi công việc đã ổn định, tôi mời ông thầy cũng là thủ trưởng cũ của tôi qua những năm tháng ở chiến trường với tôi nay đã nghỉ hưu vào chơi, thì trận lụt lớn ùa vào ngập thành phố Huế, ông bị kẹt lại Đà Nẵng, tôi bảo nước chưa rút, chú chưa vội ra…

Một sáng sớm, cô văn phòng lên báo có Tổng lãnh sự Lào đến tìm, tôi vội vàng bước xuống, đồng chí Lào bắt tay tôi và giới thiệu, là cán bộ tổng lãnh sự Lào tại Đà Nẵng muốn tìm gặp anh Hoài Nguyên. Hai ngày nay tìm ở Huế mà không gặp, nghe tin anh vào đây, hôm nay đến tìm anh. Tôi bảo cô văn phòng lên mời chú Nguyên xuống có cán bộ tổng lãnh sự Lào muốn gặp, chú bước xuống. Sau khi trao đổi, hai người ôm chặt nhau, rồi nói với nhau bằng tiếng Lào. Sau đó, đồng chí cán bộ tổng lãnh sự Lào chuyển qua nói tiếng Việt: “Nghe tin ông bị mắc kẹt do lũ lụt, đồng chí Xôm Xa Vat…lo lắng lắm, ngày gọi về mấy lần, bảo tìm gặp anh Nguyên xem lụt lội nguy hiểm, khó khăn gì cần giúp đỡ. Chưa gặp ông, anh Xôm Sa Vat không yên tâm.

Gặp được ông rồi, tôi phải về báo cho anh Xôm Sa Vat biết và mời hai anh trưa nay đi ăn cơm với chúng tôi. Chú Nguyên nhận lời, trưa hôm đó chúng tôi cùng hàn huyên, để nhắc lại những kỷ niệm cùng đồng cam cộng khổ, những năm tháng kháng chiến chống quân xâm lược trên đất Lào. Những năm đó, có bất cứ cái gì cũng chia hết cho nhau. Từ cọng rau, nắm cơm, hạt muối… chia cả bom đạn và niềm vui, nỗi buồn… Anh cán bộ tổng lãnh sự bảo với tôi rằng anh Nguyên biết tiếng Lào nhiều hơn tôi. Tôi ngạc nhiên, anh giải thích. Lào nhiều bộ tộc nên có một số bộ tộc tôi không biết nhưng anh Nguyên biết. Tôi vui miệng bảo, sắp tới có điện thoại cầm tay chúng ta thuận tiện liên lạc cho nhau hơn.

Anh cán bộ tổng lãnh sự Lào bảo, anh nói sai rồi: “Điện thoại tay cầm không phải điện thoại cầm tay”. Tôi bảo thế thì anh giỏi tiếng Việt hơn tôi rồi. Tất cả cười vui. Đặc biệt hơn khi tôi biết, người bạn, người đồng đội, đồng chí của đồng chí Hoài Nguyên, người đang lo lắng quan tâm, nay là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lào, tôi càng trân quý nghĩa cử vô cùng tốt đẹp mà anh đã dành, quan tâm sâu sắc đến người bạn cùng chiến đấu của mình.

Khi được đồng chí Hoài Nguyên tặng tôi tập sách “Lào đất nước con người” do đồng chí viết, tôi mới biết anh bạn Lào nói đúng. Đồng chí Nguyên nay đã đi xa. Ngày ấy nhiều đoàn đến viếng, gửi vòng hoa viếng và chia buồn, đặc biệt là các cơ quan của bạn Lào, cả anh Xôm Xa Vat…Còn tôi, tôi vẫn mang theo mãi kỷ niệm ngày ấy, ngày mà khi ta hoạn nạn có bạn bên mình, không ai khác là người bạn Lào thân thiết, chân thật và thủy chung. Mong sao các thế hệ tiếp nối noi gương, giữ gìn mãi truyền thống tốt đẹp và sáng ngời chân lý ấy.

Phan Văn Sinh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=170046&title=tinh-ban-tinh-dong-chi-tham-thiet-an-tinh