Tình báo Mỹ 'chịu chết' không biết về tình hình Covid-19 ở Triều Tiên
Trong lúc tìm cách tìm hiểu tình hình chính xác của dịch Covid-19 trên thế giới, các cơ quan tình báo Mỹ nhận thấy khó tiếp cận cập nhật tình hình ở Triều Tiên.
Các chuyên gia nói rằng đánh giá chính xác dịch bệnh tại Triều Tiên và các nước như Trung Quốc, Nga, Iran sẽ giúp Mỹ và quốc tế giới hạn thiệt hại về người và của do Covid-19 gây ra. Dù có chung đường biên giới với Trung Quốc nhưng đến nay, Triều Tiên thông báo chưa có ca nhiễm nào.
Dẫu vậy Triều Tiên vẫn yêu cầu các cơ quan cứu trợ quốc tế hỗ trợ khẩu trang và các bộ xét nghiệm. Một nguồn tin Mỹ tiế lộ với hãng tin Reuters: "Chúng tôi không biết gì về tình hình Covid-19 ở Triều Tiên". Theo các cơ quan tình báo Mỹ, Triều Tiên là "mục tiêu khó" vì sự kiểm duyệt thông tin và những khó khăn trong việc thu thập tình báo từ bên trong giới lãnh đạo.
Theo tờ South China Morning Post, giữa lúc các nước trên thế giới gồng mình chống dịch, các công ty may mặc Trung Quốc vẫn tiếp tục sử dụng lao động giá rẻ của Triều Tiên để duy trì sản xuất. Thành phố Đan Đông thuộc khu vực biên giới Trung - Triều lâu nay là "thiên đường" của các nhà sản xuất quần áo Trung Quốc. Họ lén gửi nguyên liệu dệt may qua sông Áp Lục đến các nhà máy bí mật ở TP Sinuiju - Triều Tiên, sau đó chuyển ngược quần áo thành phẩm về lại Trung Quốc để may nhãn "Made in China".
Các nhà sản xuất Trung Quốc có thể tiết kiệm tới 75% chi phí sản xuất theo cách này. Đó là vì các nhà máy ở Triều Tiên thuộc sở hữu nhà nước và tiền lương chưa bằng 1/4 so với công nhân ở Trung Quốc. Ngoài ra, tính trung bình một ngày, công nhân Triều Tiên được cho là có năng suất cao hơn 30% so với công nhân Trung Quốc.
Một doanh nhân người Triều Tiên gốc Hoa làm việc ở cả hai bên biên giới cho biết: "Ở Triều Tiên, công nhân nhà máy không thể tùy ý đi vệ sinh, họ nghĩ rằng việc đó làm chậm toàn bộ dây chuyền. Khác với quan niệm của công nhân Trung Quốc là làm vì tiền, người Triều Tiên có một thái độ khác: họ tin rằng họ đang làm việc cho đất nước, cho lãnh đạo".
Ông Gerhard Flatz, giám đốc điều hành của nhà sản xuất đồ thể thao KTC tại TP Quảng Đông, cho biết người Trung Quốc đã sử dụng lao động Triều Tiên ở Đan Đông trong nhiều năm. Công nhân Triều Tiên đến Trung Quốc làm việc nhưng nhận lương thấp hơn đáng kể so với công dân Trung Quốc.
Bất chấp các lệnh trừng phạt nặng nề, ngành dệt may của Triều Tiên ước tính trị giá 725 triệu USD trong năm 2016, chiếm một tỉ lệ đáng kể trong toàn bộ nền kinh tế. Lĩnh vực sản xuất hàng may mặc Trung Quốc sử dụng một số lượng đáng kể công dân Triều Tiên và Bình Nhưỡng có thể tăng sản lượng trong mùa dịch Covid-19, đảm bảo Triều Tiên đóng vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng trong tương lai.