Tình báo phương Tây: Thời phái đẹp lên ngôi
Ngày 15/6/2025, Thủ tướng Anh Keir Starmer thông báo rằng bà Blaze Metreveli sẽ giữ chức giám đốc thứ 18 của Cục Tình báo Mật Anh MI-6. Đây là lần đầu tiên, một phụ nữ trở thành người đứng đầu cơ quan tình báo chính của Anh.
Trong vấn đề này, người Anh đang noi gương người Mỹ. Tháng 2/2025, Tổng thống Donald Trump đã bổ nhiệm bà Tulsi Gabbard làm người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ. Liệu phụ nữ có cần thiết trong vai trò lãnh đạo tình báo? Xin trân trọng giới thiệu ý kiến của Đại tá tình báo Valery Smirnov.
Tín đồ Krishna trong vai James Bond
Đại tá Valery Smirnov không giấu được thiện cảm của mình:
- Tôi rất thích Tulsi Gabbard. Cả ngoại hình của bà cũng rất hấp dẫn. Không giống như hầu hết các nữ chính trị gia phương Tây.
Trước hết, Tulsi Gabbard quan tâm đến các vấn đề toàn cầu. Sau đây là một vài phát biểu mới nhất của bà:
"Thế giới đang đứng trên bờ vực của một cuộc xung đột hạt nhân, kéo theo sự hủy diệt của nhân loại", - Tulsi Gabbard phát biểu trong chuyến thăm Hiroshima của mình.
"Hôm nay, chúng ta đang tiến gần hơn bao giờ hết đến bờ vực hủy diệt hạt nhân. Giới tinh hoa chính trị và những kẻ kích động chiến tranh vô tư khơi dậy nỗi sợ hãi và sự căng thẳng giữa các cường quốc hạt nhân", - bà nói.

Bà Tulsi Gabbard.
Theo Gabbard, tình hình này xuất phát từ ảo tưởng của giới tinh hoa toàn cầu rằng, khác với người dân bình thường, họ có thể sử dụng các hầm trú ẩn hạt nhân cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, đây là một ảo tưởng nguy hiểm.
"Sóng xung kích sẽ phá hủy các công trình trong phạm vi hàng chục kilometr, giết chết và làm bị thương vô số người. Sau đó, sẽ có bụi phóng xạ - một đám mây độc hại lan truyền trong không khí, nước và đất, khiến những người sống sót chết một cách đau đớn hoặc cả đời phải chịu đựng đau khổ. Tiếp theo có thể là mùa đông hạt nhân: khói và tro bụi sẽ che khuất mặt trời, nhấn chìm thế giới vào bóng tối và giá lạnh, phá hủy mùa màng và đẩy hàng tỷ người vào cảnh đói khát" - với tư cách là một trong những quan chức am hiểu nhất tại Mỹ, bà Gabbard cảnh báo.
Bà cũng phủ nhận việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Mới đây, bà tuyên bố rằng, theo thông tin của tình báo Mỹ, Tehran đã tạm dừng phát triển vũ khí hạt nhân của mình từ lâu. Điều này làm suy yếu một trong những lý do chính mà Israel sử dụng để biện minh cho việc tấn công vào Iran.
Tiếp theo, Valery Smirnov kể về tiểu sử của bà Tulsi Gabbard. Ông đặc biệt chú ý đến những nguyên tắc sống và đặc điểm tính cách của bà.
Tulsi Gabbard thừa hưởng niềm tin tôn giáo từ cha mẹ. Bà là tín đồ trung thành của Hare Krishna, một giáo phái huyền bí của Ấn Độ giáo. Vì vậy, lòng yêu hòa bình của bà hoàn toàn không phải là một sự giả tạo.
Theo Smirnov, từ nhỏ Gabbard đã tập lướt sóng, võ thuật và yoga, như thể bà đã chuẩn bị sẵn cho vai James Bond trong hình hài một phụ nữ. Vào tháng 4/2003, khi mới 22 tuổi, Tulsi đã tình nguyện gia nhập lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ. Đến tháng 7/2004, bà từ chối chiếc ghế dân biểu và xung phong tham gia chiến đấu ở chiến trường Iraq, nơi bà nhận được huy chương "Công trạng” vì thành tích quân sự xuất sắc.

Bà Avril Haines.
Sau đó, Gabbard vào học khoa sĩ quan của Học viện Quân sự Alabama và tốt nghiệp vào tháng 3/2007, đạt thành tích xuất sắc nhất toàn khóa, trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử trường đoạt danh hiệu này. Sau khi tốt nghiệp, với cấp bậc Trung úy, Tulsi gia nhập Lữ đoàn Đặc nhiệm 29 của Vệ binh Quốc gia.
Năm 2010, Gabbard được phong hàm Đại úy và trở thành chỉ huy đại đội. Con đường binh nghiệp của bà thuận buồm xuôi gió. Đến năm 2015, Gabbard được thăng cấp thiếu tá. Tuy nhiên, năm 2020, bà rời khỏi Vệ binh Quốc gia và gia nhập lực lượng dự bị của quân đội Mỹ. Năm 2021, bà được phong hàm Trung tá dự bị.
- Chính vào thời điểm đó, bà đã được Tổng thống Trump bổ nhiệm làm người đứng đầu tất cả các cơ quan tình báo của Mỹ, mặc dù cấp bậc của bà vẫn còn khiêm tốn - Đại tá Smirnov kết luận.
Một trong hai ứng viên
Ngày 15/6/2025, Thủ tướng Anh Keir Starmer thông báo rằng lần đầu tiên trong lịch sử, người đứng đầu Cục Tình báo Mật Anh (MI-6) là một phụ nữ. Bà Blaze Metreveli sẽ lãnh đạo cơ quan tình báo đối ngoại Anh từ mùa thu năm nay, sau khi Richard Moore, giám đốc đương nhiệm của MI-6, nghỉ hưu.
Thông tin về nữ chủ nhân mới của MI-6 hiện tại vẫn còn khá ít. Các đồng nghiệp gọi bà là "một trong những bộ óc xuất sắc nhất của chúng ta trong lĩnh vực công nghệ", còn các nhà báo ghi nhận kinh nghiệm của Blaze Metreveli tại Trung Đông, bao gồm cả các khu vực có xung đột quân sự.
Hiện tại, Blaze Metreveli đang giữ chức trưởng Ban Q (bộ phận chịu trách nhiệm về công nghệ và đổi mới của MI-6) là nhân viên duy nhất công khai của cơ quan này. Trước khi được bổ nhiệm, tên bà và công việc của bà trong các cơ quan tình báo Anh đều không được tiết lộ.
Chính phủ Anh gọi việc bổ nhiệm này "mang tính lịch sử". "Metreveli sẽ là giám đốc thứ 18 của cơ quan và là người phụ nữ đầu tiên đảm nhận vị trí này vào thời điểm Vương quốc Anh đang phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng từ phía các đối thủ của chúng ta" - thông báo của chính phủ Anh cho biết. Chính bà Metreveli cũng nói rằng đây là "niềm tự hào và vinh dự" đối với bà.
Theo tờ Financial Times, khoảng một tuần trước khi có quyết định bổ nhiệm, cuộc tìm kiếm người đứng đầu mới cho Cục Tình báo Mật Anh đã thu hẹp lại còn hai ứng viên. Chính phủ Anh đã phải lựa chọn giữa Metreveli (vào thời điểm đó, tên bà vẫn chưa công khai) và Barbara Woodward, Đại diện thường trực của Anh tại Liên hợp quốc, cựu Đại sứ Anh tại Trung Quốc. The Economist cho rằng việc lựa chọn Metreveli chứng tỏ Keir Starmer muốn một người lãnh đạo MI-6 "có kinh nghiệm tác chiến và kiến thức về công nghệ, chứ không phải là một nhà ngoại giao có uy tín".

Bà Gina Haspel.
Lý lịch trích ngang của Metreveli, 47 tuổi, người Anh gốc Gruzia, được văn phòng Thủ tướng Anh công bố cùng với chân dung chính thức của bà, chỉ vỏn vẹn mấy dòng. Thông cáo báo chí cho biết bà Metreveli học ngành nhân học tại Cambridge và gia nhập MI-6 từ năm 1999. Phần lớn sự nghiệp của bà tại MI-6 gắn liền với các nhiệm vụ tình báo ở Trung Đông và châu Âu. Ngoài ra, bà từng là người đứng đầu MI-5, cơ quan phản gián Anh chịu trách nhiệm ngăn chặn và bảo vệ đất nước khỏi các mối đe dọa từ các quốc gia khác.
Năm 2021, khi trả lời phỏng vấn báo The Telegraph, Blaze Metreveli (bí danh "Giám đốc K" ở MI-5) tuyên bố rằng các hành động của chính quyền Nga là mối đe dọa đối với Vương quốc Anh. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng bà không coi bản thân nước Nga là một mối đe dọa. Ngoài ra, Metreveli còn cho biết Trung Quốc "đang thay đổi thế giới", và đây vừa là mối đe dọa vừa là cơ hội đối với Vương quốc Anh.
Các nữ tướng của CIA
Đại tá Valery Smirnov kể tiếp về những người phụ nữ giữ các chức vụ cao trong các cơ quan tình báo Mỹ.
Đúng 4 năm, kém 1 ngày, dưới thời Tổng thống Biden, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ là Avril Haines. Bà xuất thân từ một gia đình trí thức giàu có. Cha bà là giáo sư vật lý, mẹ là nghệ sĩ nổi tiếng. Sau khi tốt nghiệp trung học, Avril đã sang Nhật Bản và đạt được đai nâu trong môn Judo.
Dưới thời Tổng thống Obama, bà trở thành Phó Cố vấn An ninh Quốc gia. Sau đó, bà giữ chức Giám đốc CIA phụ trách các chiến dịch bí mật của CIA. Cuối cùng, bà đứng đầu Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ cho đến khi Nhà Trắng thay đổi quyền lực.

Bà Elizabeth Kimber.
Một nhân vật thậm chí còn nổi tiếng hơn là bà Gina Haspel. Bà được Tổng thống Trump bổ nhiệm làm Giám đốc CIA vào tháng 5/2018. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, CIA được dẫn dắt bởi một người phụ nữ.
Các nhà báo đặt cho bà biệt danh “Gina máu lạnh”. Biệt danh này xuất phát từ một vụ bê bối liên quan đến các nhà tù bí mật của CIA ở nước ngoài. Người ta cho rằng bà Haspel đã trực tiếp tham gia tra tấn các tù nhân trong một nhà tù của CIA tại Thái Lan. Sau đó, khi cuộc điều tra của Quốc hội bắt đầu, bà đã ra lệnh tiêu hủy các băng ghi âm ghi lại hành động của CIA và của chính bà. Tuy nhiên, Tổng thống Trump vẫn kiên quyết bổ nhiệm bà làm Phó Giám đốc CIA, và sau đó là Giám đốc CIA.
Năm 1978, Gina Haspel tốt nghiệp cử nhân ngành “Ngôn ngữ học và Báo chí”, mặc dù bà chưa viết một bài báo nào cho cả tờ báo của trường đại học. Thế nhưng, bà lại rất giỏi tiếng Nga và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Dưới vỏ bọc nhà báo, bà đã làm việc ở nước ngoài hơn 30 năm.
Gina Haspel được CIA đánh giá cao: "Bà là tiến sĩ khoa học về FSB, SVR và GRU" - cựu điệp viên CIA ở Moscow, Dan Hoffman, người từng làm việc nhiều năm với Haspel nói. "Điều này đã giúp bà có được uy tín trong cơ quan chúng tôi và trong các mối quan hệ với đối tác nước ngoài của chúng tôi".
Ít nổi tiếng hơn là Elizabeth Kimber, người đứng đầu Ban Tác chiến của CIA. Trách nhiệm của bà là lãnh đạo các cơ sở của CIA ở nước ngoài, quản lý điệp viên và các hoạt động tác chiến ngoài phạm vi nước Mỹ.
Trước đây, Elizabeth Kimber lãnh đạo "Ban Nga", chuyên thâm nhập vào các tổ chức của Nga ở nước ngoài và tuyển mộ điệp viên trên lãnh thổ Nga. Ngoài ra, bà còn điều hành một trung tâm "thần học" ở châu Âu, nơi công việc chủ yếu cũng là chống lại Nga.

Bà Dawn Meyerriecks.
Cynthia Rapp là giám đốc Ban Phân tích của CIA, một trong những bộ phận quan trọng nhất. Bà gia nhập CIA cùng năm với bà Haspel và Kimber. Cha mẹ và chồng bà đều là nhân viên CIA.
Dawn Meyerriecks là Phó Giám đốc CIA về Khoa học và Công nghệ (nghĩa là người phụ trách tình báo khoa học và kỹ thuật). Trước đây, bà lãnh đạo Cục Tình báo Quốc gia, một cơ quan độc lập không trực thuộc CIA, chuyên quản lý các vệ tinh giám sát.
Tonya Ugolets, người Mỹ gốc Ukraine, là ứng viên cho chức vụ giám đốc trung tâm an ninh mạng.
Gần đây, một nhân vật mới được biết đến là Phó Giám đốc CIA về Đổi mới kỹ thuật số Juliane Gallina. Con trai bà, Michael Gloss, đã chiến đấu trong trung đoàn 137 của Lực lượng Dù Nga và tử trận vào tháng 4/2024 ở Donetsk.
Tháng 2/2024, khi trở thành Phó Giám đốc CIA, bà Juliane Gallina đã làm việc trong ngành tình báo Mỹ hơn 30 năm.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/tinh-bao-phuong-tay-thoi-phai-dep-len-ngoi-i773507/