Tỉnh biên giới Lào Cai có hơn 200 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Logistics

Theo Sở Công Thương tỉnh Lào Cai hiện nay trên địa bàn tỉnh biên giới này số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics (vận tải hàng hóa đường bộ, đường sắt, đường thủy, kho bãi, đại lý hải quan, giám định hàng hóa) khoảng hơn 200 doanh nghiệp.

Hiện nay tỉnh biên giới Lào Cai có hơn 200 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Logistics.

Trong số đó có một số doanh nghiệp đã triển khai hoạt động logistics tổng hợp (dịch vụ kho bãi, bốc xếp container, đại lý hải quan, vận tải, lưu kho, bảo quản hàng hóa) như Cảng nội địa ICD Lào Cai của Công ty Cổ phần Vinalines Logistics Việt Nam, các Trung tâm Logistics của Công ty cổ phần Logistics Kim Thành, Công ty CP Logistics Việt – Trung, Công ty cổ phần 379...

Tổng diện tích kho bãi dịch vụ đạt trên 200.000 m2 (trong đó có khoảng trên 2.000m2 là kho lạnh phục vụ lưu giữ, bảo quản hàng nông sản tươi sống). Hoạt động thanh toán phục vụ xuất nhập khẩu được ngân hàng 2 nước Việt Nam và Trung Quốc phối hợp chặt chẽ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người dân đặc biệt là thanh toán quốc tế và thanh toán biên mậu.

Thủ tục hải quan đã được hiện đại hóa, thực hiện tự động qua hệ thống VNACCS/VCIS; hiện đại hóa thu ngân sách Nhà nước giữa Thuế - Hải Quan – Kho Bạc và thỏa thuận phối hợp thu ngân sách Nhà nước với các ngân hàng thương mại và thực hiện nộp thuế điện tử và thông quan 24/7.

Vừa qua, lãnh đạo tỉnh Lào Cai đã phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics tỉnh Lào Cai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và triển khai Đề án phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Hiện nay, tỉnh Lào Cai đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, triển khai nhiều dự án, công trình lớn phục vụ cho hoạt động thương mại, logistics như: Triển khai dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội; nghiên cứu Dự án đoạn đường sắt tiêu chuẩn nối Ga Lào Cai với Ga Sơn Yêu (Hà Khẩu, Trung Quốc); nghiên cứu đề xuất quy hoạch tuyến đường sắt tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội - Hải Phòng (khi được Chính phủ 2 nước chỉ đạo triển khai); dự án Sân bay Sa Pa; dự án cải tạo, chỉnh trị sông Hồng trong khuôn khổ Hiệp định GMS; triển khai các dự án trung tâm logistics hiện đại trong Khu Kim Thành - Bản Vược (đây là hạt nhân của Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai và phạm vi nghiên cứu xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới sau khi được Chính phủ 2 nước chấp thuận).

Với chủ trương phát triển mạnh mẽ lĩnh vực Logistics của Chính phủ, đồng thời với vị trí đặc biệt quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Bắc - Nam trong hợp tác GMS . Tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục hợp tác sâu rộng hơn nữa để đưa Lào Cai (Việt Nam) - Vân Nam (Trung Quốc) trở thành trung tâm Logistics của hợp tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng và Khu mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc.

Với mục tiêu đưa dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Lào Cai phát triển mạnh mẽ, sôi động, phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15% -20%, thu hút được và đưa vào khai thác một số hạ tầng dịch vụ logistics cơ bản, thiết yếu như 01 trung tâm logistics hạng II, hệ thống kho bãi, trung tâm tiếp vận, kho chuyên dụng đảm bảo hiện đại, đáp ứng được nhu cầu lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh tăng sau khi cầu Bản Vược (Việt Nam) – Bá Sai (Trung Quốc) hoàn thành và thực hiện thông quan.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tinh-bien-gioi-lao-cai-co-hon-200-doanh-nghiep-cung-cap-dich-vu-logistics-post134998.html