Tình ca du mục miền Ia Kla
'Thảo nguyên bát ngát mênh mông tận chân trời/Cỏ cây hoa lá hương thơm tỏa ngát đồng'. Giai điệu ca khúc lãng mạn của những năm tuổi trẻ cứ nhẹ nhàng lẩn quất trong tâm trí khi tôi đến thăm trại bò siêu thịt của Công ty TNHH một thành viên 74 (Binh đoàn 15) trên địa bàn xã Ia Kla, huyện Đức Cơ.
Lãng mạn quá đi chứ! Xe vừa qua khỏi rặng điều lá đang ngả màu vàng cốm là một thảo nguyên xanh bát ngát hiện ra khiến mọi người phải hạ kính xe xuống ngắm nhìn. Con đường cấp phối lượn hình theo thế đất, trườn giữa hai hàng rào cọc bê tông xám trắng. Thấp thoáng vài ngôi nhà sau những triền đồi trồng cỏ voi xa tít tầm mắt.
Năm 2015, giá mủ cao su xuống thấp. Để phá thế độc canh, đảm bảo việc làm cho cán bộ, công nhân viên, Giám đốc Công ty 74 khi đó là Trung tá Hoàng Văn Sỹ đã mạnh dạn mở ra hướng đi mới, xây dựng nông trại nuôi bò này.
Với lợi thế về địa hình cùng đất đai màu mỡ, đảm bảo chắc chắn cho nguồn thức ăn chăn nuôi đại gia súc, Công ty 74 bắt đầu xây dựng hạ tầng chuồng trại, cử người đi học, tham quan tập huấn các mô hình kiểu mẫu để áp dụng các quy trình kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến.
Quy trình này hoàn toàn ngược lại với quy trình của gã du mục lãng mạn trong khúc tình ca xưa. Ở đây, trâu, bò, dê, ngỗng không đi lang thang tìm cỏ. Cỏ sẽ được chuyển về tận chuồng kèm thân cây bắp sinh khối ủ men, bã bia, bã mía, muối cùng các khoáng chất vi lượng.
Chúng tôi đến nông trại đúng lúc cho bò ăn buổi sáng. Những chiếc máy phay, máy trộn cỏ đang phải chạy hết công suất. Từ đó, thức ăn tổng hợp cho bò được chuyển sang thùng xe rơ moóc để máy kéo Kubota chạy đi xả vào máng ăn tự động. Hiện nay, mỗi suất ăn cho bò có giá khoảng 70 ngàn đồng/ngày.
Cũng phải thôi, bởi nếu mỗi con bò một ngày không tăng trọng thêm được 1 kg thì coi như lỗ, vì giá thịt bò hơi trên thị trường hiện tại là 74.930 ngàn đồng/kg.
Đàn bò trong trại nuôi đang có trọng lượng 600-700 kg/con. Cá biệt có những con nặng đến hơn 894 kg. Tôi tính thử nếu lấy trung bình 700 kg/con x 1.000 con x 74.930 đồng/kg thì giá trị đàn bò là 52,451 tỷ đồng. Một con số không hề nhỏ. Đấy là chưa kể bên khu trại bò sinh sản kia đang có 48 con bê, hơn 100 con heo cùng 1 đàn dê.
Bò lai Sind có tỷ lệ thịt xẻ khá cao, đạt gần 50% trọng lượng hơi. Bò nuôi hết khoảng tăng trọng hiệu suất nhất từ 15 đến 17 tháng sẽ được xuất bán rồi tiếp tục mua nhập đàn mới. Nguồn phân bò khô được tận thu để bón cho diện tích canh tác của Công ty, còn thừa bao nhiêu thì bán ra ngoài. Nhờ nguồn phân này mà chi phí cho vườn cây mỗi năm tiết kiệm được hơn 2,5 tỷ đồng.
Một điều khá thú vị ở đây là việc vệ sinh chuồng trại ngoài sự tham gia của các nhân viên thì còn có cả một đàn chim én lớn. Bầy chim đậu hàng dãy dài trên dây điện như nốt đen trên khuông nhạc. Chim vun vút chao cánh, lao qua liệng lại xuyên những khoảng không dưới mái che đớp bắt côn trùng cho bò, hệt như bầy chim sẻ do bụt sai đến nhặt thóc giúp cô Tấm.
Anh Phạm Đình Phương là chuyên viên phụ trách thú y. Anh tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên và gắn bó với Công ty được 9 năm, kể từ những ngày đầu thành lập nông trại. Anh kể chuyện nuôi bò hay như nhà văn Hồ Phương. Đêm mùa khô trên cao nguyên nhiệt độ xuống thấp đến 22 độ. Bò cũng nhiễm lạnh viêm phổi, cũng ho sù sụ, cũng chướng bụng bỏ ăn như người.
Ngoài việc chăm sóc chữa chạy cho đàn bò, anh Phương cũng như nhân vật Nhẫn trong tác phẩm “Cỏ non”, hiểu tính nết từng con trong đàn. Ở đây có những con bò tính hung hăng như con Ba Bớp. Các nhân viên chăn nuôi đã từng bị bò đá, húc văng qua gióng chuồng thép. Lại có những con bò thuần tính thích gần người, thích được vỗ về vuốt ve như chị Vàng hay cu Tũn dở hơi.
Một sản phẩm đặc biệt nữa của trại bò Công ty 74 là trạm điện mặt trời. Tận dụng hàng chục ngàn mét vuông mái tôn chuồng trại trên vùng đất đầy nắng gió, những tấm pin mặt trời đã được lắp lên tạo thành một trạm điện năng lượng sạch với công suất 2 MW, tức là 2.000 kW/h.
Tính bình quân giá điện bán cho EVN là 1.950 đồng/kW thì trong 1 giờ nắng trạm điện sản xuất ra 2.000 kW x 1.950 đồng = 3.900.000 đồng. Một năm có 12 tháng, 1 tháng trên cao nguyên tôi tính giả sử có 25 ngày nắng, mỗi ngày 8 giờ nắng thì sau một phương trình đơn giản, kết quả giá trị làm ra của trạm điện mặt trời xấp xỉ 9 tỷ đồng/năm.
Trung tá Nguyễn Tiến Thọ-Cán bộ phụ trách trại chăn nuôi giới thiệu sơ bộ bước trưởng thành 10 năm của đơn vị. Trại chăn nuôi thành lập ngày 27-7-2015, đang quản lý 54 ha đất, trong đó có 45,07 ha trồng cỏ voi với tất cả 36 lao động. Kể từ khi trang trại nuôi 300 con bò ban đầu, đến nay, số bò đã tăng lên 1.000 con mà vẫn chỉ từng đó con người gắn bó với nghề đảm trách. Năng suất lao động đã tăng hơn gấp 3 lần bởi ngày càng được cơ giới hóa. Tiền lương trung bình người lao động luôn ổn định trên mức 8,5 triệu đồng/tháng.
Anh Thọ dẫn chúng tôi ra sau khối nhà nông trường bộ, khoe khu vườn ươm cây cao su non đang lên xanh mướt. Cùng với cao su là lúa nương và đậu của đồng bào dân tộc thiểu số trồng xen trong khoảng thời gian 3 tháng. Chỉ một điều kiện duy nhất là khi thu hoạch lúa, đậu, bà con để lại thân, rễ để làm nguồn phân bón hữu cơ cho vườn cao su đang kỳ phát triển mạnh.
Tôi trèo lên chòi quan sát của đội bảo vệ nhìn rộng ra thảo nguyên. Những đám mây sà xuống trùm lên con đường nhỏ lấp lánh nắng. Bỗng thấy dâng lên trong lòng một cảm giác ấm êm và thân thiết, dường như đất đai đang đọng mật tỏa hương dưới ánh nắng trời. Một vệt khói máy bay thẳng như kẻ chỉ kéo dài xa khuất trên thinh không xanh thắm. Ngoài triền cỏ xa kia, tiếng máy cày vẫn vọng về rộn rã.
Tất cả cảnh vật, con người nơi đây sao như đã quen thân từ lâu lắm, khiến tôi bỗng nhớ một câu thơ thời tuổi trẻ xanh tươi cống hiến không vụ lợi thuở nào: “Nông trường ta rộng mênh mông/Trăng lên trăng lặn vẫn không ra ngoài (Tế Hanh).
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/tinh-ca-du-muc-mien-ia-kla-post304736.html