Tính cách đặc trưng của người Thăng Long xưa, Hà Nội nay
Theo tác giả Nguyễn Huy Thắng, tất cả người dân, dù gốc gác ở đất kinh kì hay từ nơi khác về sinh cơ lập nghiệp, đều được dung nạp, tạo nên khí chất Thăng Long xưa, Hà Nội nay.
Hai tập đầu trong bộ ba cuốn Thăng Long kinh kì - Kẻ Chợ của tác giả Nguyễn Quốc Tín và Nguyễn Huy Thắng vừa được NXB Kim Đồng phát hành. Theo dòng chảy lịch sử, hơn 300 trang sách, Thăng Long kinh kì - Kẻ Chợ đã phác họa một bức tranh sống động về văn hóa - phong tục - lịch sử - con người của Hà Nội xưa, trước những biến thiên thời cuộc. Thăng Long - Hà Nội được nhìn nhận với hai tính chất tiêu biểu: “Chất Kinh Kì” và “chất Kẻ Chợ” song hành, hội tụ ở đất và người Hà Nội.
Ông Nguyễn Huy Thắng, một trong hai tác giả bộ sách, chia sẻ về đất và người Hà Nội.
Tìm cái mới trong đề tài cũ
- Ý tưởng bộ sách ra đời như thế nào? Nhóm tác giả mất bao lâu để hiện thực hóa ý tưởng ấy?
- Với một số bộ sách khác, chúng tôi làm chung cả nhóm ba người, chia làm ba thì khối lượng công việc cho mỗi người có phần bớt hơn. Với bộ này, chỉ có hai tác giả làm với nhau nên việc cho mỗi người tất nhiên là nhiều hơn. Nhưng cả hai chúng tôi đều hào hứng với vấn đề này nên làm khá tập trung.
Cả hai đều sinh ra ở Hà Nội. Cả hai đều đọc và tìm hiểu nhiều về Hà Nội. Và kèm theo đó là đã tích lũy được không ít tài liệu về Thăng Long xưa - Hà Nội nay. Đó cũng chính là lý do khiến chúng tôi nảy ra ý tưởng làm bộ sách này - viết một cái gì đó về mảnh đất này, để phát huy vốn hiểu biết của mình.
- Đề tài Thăng Long - Hà Nội xưa vốn là một chủ đề đã được nhiều tác giả và loại hình nghệ thuật khai thác. Vậy, các tác giả có chủ ý nào mới trong khi tiếp cận đề tài sáng tác này?
- Thăng Long - Hà Nội có thể nói là một nguồn cảm hứng, một đề tài bất tận được rất nhiều người quan tâm, dù đấy là người viết, người đọc, hay đơn giản là một người dân Việt yêu thủ đô của mình. Vấn đề là với người viết, phải tìm ra được cái gì mới để đưa ra, để cống hiến cho bạn đọc.
Chúng tôi chỉ “dám” bắt tay vào việc khi tìm ra chủ đề - hay nói cho đơn giản - cái tứ riêng cho bộ sách dự kiến của mình. Đó là Thăng Long - Hà Nội trong cả hai phương diện đan xen như người ta vẫn nói: Kinh kì và Kẻ Chợ.
Hai yếu tố ấy có nét gì khu biệt? Chúng song hành cùng nhau như thế nào? Người dân Thăng Long - Hà Nội sinh sống, làm ăn, chăm lo đời sống vật chất - tinh thần của mình ra sao? Họ duy trì, phát triển bản sắc của mình như thế nào để luôn có được tiếng thơm của người đất Tràng An?
- Hai cuốn này nằm trong mạch nguồn về Thăng Long Hà Nội từ thời Lê Trung hưng đến thời Pháp thuộc. Theo ý kiến cá nhân, ông có những nhận định nào dành cho bức tranh Hà Nội xưa ở mỗi thời kì?
- Vâng, cách chia tập cho bộ này là có lý do: Thời Lê - Trịnh; thời Tây Sơn và nhà Nguyễn; và thời Cận đại. Với thời Lê - Trịnh, Thăng Long vẫn là kinh đô của Đại Việt nên “tư cách” kinh kì khá rõ nét.
Tuy nhiên, lúc này không chỉ có triều đình vua Lê mà còn có phủ Chúa, với vai trò lớn, nên bản thân nét kinh kì cũng rất khác so với các triều đại trước đó.
Yếu tố “Kẻ Chợ” cũng bắt đầu hình thành: Ban đầu chỉ là các phường nghề kéo lên Thăng Long để phục vụ việc xây phủ Chúa với quy mô lấn át cả cung vua. Dần dần ngày một mở mang, phát triển để đáp ứng vai trò là đầu mối giao thương của cả nước. Với hai “vai” này, Thăng Long - Kẻ Chợ bắt đầu thu hút những người phương Tây đầu tiên tìm đến để làm ăn và truyền giáo...
Thời Tây Sơn và nhà Nguyễn, Thăng Long không còn là kinh đô, mà chỉ là thủ phủ của một trấn (Bắc Thành) và sau đó, của một tỉnh (Hà Nội). Tuy nhiên, trong tâm thế của người Thăng Long - Hà Nội nói riêng, người dân cả nước nói chung, nơi đây vẫn còn nguyên vị thế kiêu kì của đất đế đô, mà không một sự đổi thay về “hành chính” nào có thể xóa mất được.
Còn chất “Kẻ Chợ” thì ngày một rõ nét, được cụ thể hóa trong mọi mặt của đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội, từ cách thức tổ chức “chuyên môn hóa” các phường nghề đến việc lập chợ, lập phố; từ việc đáp ứng nhu cầu nội địa đến vươn ra buôn bán với nước ngoài, đồng thời du nhập những gì là văn minh, tiên tiến của họ. Ít nhất thì đó cũng là những nét chính ở hai tập đầu này...
Người dân làm nên diện mạo đích thực của Hà Nội
- Thông qua bộ sách, nhóm tác giả muốn truyền tải những nguồn cảm hứng và thông điệp nào đối với bạn đọc hôm nay?
- Với cách chia giai đoạn “thời Lê - Trịnh”, “thời Tây Sơn và nhà Nguyễn” và “thời Cận đại” cho ba tập sách, ta có thể thấy một điều rằng: Thời cuộc có thể thay đổi. Thăng Long - Hà Nội có thể là kinh đô hay không trong trường kì lịch sử.
Điều làm nên diện mạo đích thực của mảnh đất này vẫn là những người dân của nó.
Dù họ là người gốc gác ở đây hay người các nơi kéo về sinh cơ lập nghiệp, dù họ lo làm ăn buôn bán hay đến để tầm sư học đạo... tất cả đều được dung nạp để dần trở thành những người mang chung một bản sắc, được trộn lẫn bởi hai yếu tố: Người dân Kinh Kì và người dân Kẻ Chợ. Cả hai chữ đều xin được viết hoa để chỉ những yếu tố làm nên cốt cách riêng của người Thăng Long xưa - Hà Nội nay.
- Ông tham gia vào nhóm tác giả và ghi dấu ấn với hàng nghìn trang viết về chủ đề: Khoa học, kiến thức, lịch sử, địa lí… dành cho thiếu nhi. Ngoài ra, ông còn là một người dịch tiếng Pháp bền bỉ. Ông có bí quyết nào để cân bằng và giữ nhịp với khối lượng sách vở khổng lồ, qua nhiều năm tháng như vậy?
- Mong muốn làm việc và tận dụng thời gian. Tất cả chỉ có vậy. Tôi vẫn nói nửa đùa nửa thật (thật nhiều hơn) với “bà xã” là chẳng ai cho mình thời gian cả. Vậy nên phải cố tận dụng nó thôi. Và nhất là chớ nên bỏ phí. Còn công việc thì có quá nhiều thứ nên làm hay cần làm. Nhưng suy cho cùng, mình đã làm được gì mấy đâu.
Các bậc tiền bối mới thật đáng cảm phục. Khó khăn là thế, thiếu thốn là thế, bận bịu là thế, mà nhiều người vẫn thực hiện được những khối lượng công việc đồ sộ, con cháu khó mà sánh kịp. Mà đây mới là nói về lượng thôi đấy...