Tính 'cách mạng' trong Chiến lược lao động - việc làm của TPHCM

Trong tình hình năng suất lao động xã hội của TPHCM đã và đang tăng trưởng chậm hơn so với cả nước cùng yêu cầu tái cấu trúc các ngành kinh tế chủ lực thuộc các lĩnh vực chiến lược, việc UBND TPHCM vừa ban hành Chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 là động thái kịp thời.

Điều quan trọng là nó xác lập các giải pháp căn cơ, bền vững không chỉ cho thị trường lao động thành phố mà có sức tác động đa chiều lên thị trường lao động vùng và cả nước.

Không quá khi nhận định, tính “cách mạng” là yêu cầu và cũng là giải pháp của bản chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn TPHCM lần này. Bởi đặt trong tình hình chuyển đổi sâu - rộng của toàn cầu hiện nay, khi giá trị cốt lõi cũng là điều kiện sinh tồn của nền kinh tế đang xoay quanh 2 trục chính “xanh” - “số” thì chắc chắn thị phần lao động sẽ không thể nằm ngoài sự dịch chuyển.

Cùng với đó là vị thế Việt Nam đã xác lập thành “đối tác chiến lược toàn diện” với các cường quốc, trong đó nổi bật lên là “điều khoản” phát triển công nghiệp vi mạch, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, kéo theo ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao.

Hơn nữa, khi thế giới phẳng lên ngôi, ranh giới vùng - miền, khu vực càng dễ bị xóa nhòa thì trong giao dịch, sản xuất, phân phối thực lại càng coi trọng tính liên kết, đa dạng, đa phương thức.

Ngoài ra, có thể thấy trên cơ sở ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số và trở thành trung tâm dịch vụ hàng đầu trong khu vực, việc định hình các khu công nghiệp thông tin tập trung, đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược như sản xuất robot, công nghiệp sinh học, và dịch vụ y tế chuyên sâu là định hướng kép, tức thị trường lao động chất lượng - trình độ cao đi cùng quy hoạch - phát triển đô thị thông minh, đô thị vệ tinh, đô thị xanh…

Với nhu cầu chuyển đổi việc làm trong tương lai, có 9 nhóm công nghệ chính sẽ tiến tới hình thành 16 mô hình kinh doanh ngành nghề mới, tác động lên việc chuyển dịch lao động và việc làm tại thành phố như Internet di động (Mobile internet), Điện toán đám mây (Cloud computing), Dữ liệu lớn (Big data), Trí thông minh nhân tạo (Artificial intelligence), Công nghệ tài chính (Fintech), Internet kết nối vạn vật (IoT), Người máy tiên tiến (Advanced robotics), Sản xuất bồi đắp (Additive manufacturing), Công nghệ bán dẫn.

Xu thế tất yếu của thương mại điện tử đã được bản Chiến lược tiếp cận một cách sát sườn trong việc chuyển đổi kỹ năng nghề cho người lao động thích ứng bối cảnh mới. Trong đó nêu rõ sau sự trỗi dậy mạnh mẽ của “Thương mại nền tảng xã hội” thì cần sớm cập nhật chính sách, quy định pháp luật về lao động và kinh doanh cũng như các khóa đào tạo bài bản cả về kỹ thuật, ứng xử lẫn pháp lý cho người kinh doanh - lao động mới.

Ở mảng việc làm xanh, đang là ưu thế của TPHCM khi vừa vào nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số Xanh (PGI), song trong bản Chiến lược, những yêu cầu cấp bách về kỹ năng xanh gắn với việc làm xanh đã được nêu ra. Bởi thực tế, việc làm xanh có xu hướng đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn và đòi hỏi trình độ về khoa học công nghệ tương đối cao hơn so việc làm truyền thống.

Cũng thông qua chiến lược việc làm xanh, thành phố sẽ vừa mở rộng liên kết vùng - khu vực đồng thời gia tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế. Bởi để chuyển dịch cả “số” lẫn “xanh”, TPHCM đang có ưu thế khi sở hữu cơ cấu dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào (trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc chiếm khoảng 50% dân số thành phố), trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động đang làm việc đã qua đào tạo chiếm 87,27% (bậc đại học chiếm tỷ lệ cao nhất 87%), chưa kể lao động nhập cư từ trong nước và nước ngoài...

Để đảm bảo việc làm bền vững trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ thì thành phố phải đa dạng hóa hình thức kêu gọi, thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực khuyến khích đầu tư hoặc các ngành nghề thuộc lĩnh vực, mô hình mới, như việc đang quyết liệt triển khai các chính sách thu hút chuyên gia, nhân tài cho ngành vi mạch bán dẫn.

Đầu tư công kết hợp đầu tư tư nhân, trong đó chú trọng sức huy động có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để vừa tạo dòng vốn vừa tận dụng học hỏi kinh nghiệm đào tạo - tái đào tạo lao động, tổ chức bộ máy vận hành, phát triển thị trường. Đặc biệt là sự kết nối hiệu quả từ các trường đại học, viện - doanh nghiệp - người lao động.

Với tất cả “tham vọng” ấy, Chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2023-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 không chỉ là giải pháp thực hiện mục tiêu tăng năng suất lao động, giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập sống tốt, sống chất lượng cho người dân mà còn là thước đo và phương thức duy trì “sức khỏe” của doanh nghiệp trong bức tranh sáng màu của kinh tế - xã hội thành phố.

NGUYỄN QUÂN CÁT

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tinh-cach-mang-trong-chien-luoc-lao-dong-viec-lam-cua-tphcm-post741709.html